Đầu tư chứng khoán, bất động sản bấp bênh, người dân tiếp tục gửi tiền vào ngân hàng
Trong tháng 8, người dân có tiền nhàn rỗi đã gửi thêm gần 44.000 tỷ đồng vào hệ thống ngân hàng, bất chấp thời điểm này mặt bằng lãi suất huy động đã giảm nhanh.
Tuần qua, nhiều ngân hàng lớn tiếp tục duy trì điều chỉnh giảm lãi suất tiết kiệm. Hiện kỳ hạn 12 tháng tại nhiều nhà băng lớn về dưới 6%/năm, thấp nhất trong nhiều năm qua.
Lãi suất kỳ hạn 12 tháng cao nhất ghi nhận tại PVcomBank, NCB, Sacombank, với mức 6,2%/năm.
Vietcombank đầu tuần trước vừa giảm thêm 0,2%, còn 5,1%/năm áp dụng với kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, 3 ngân hàng còn lại là Agribank, VietinBank, BIDV vẫn giữ mức lãi suất huy động cao nhất là 5,3%/năm cho kỳ hạn dài trên 12 tháng, các kỳ hạn trên 6 đến dưới 12 tháng, lãi suất tiền gửi là 4,3%/năm, kỳ hạn 1 đến dưới 6 tháng là 3-3,3%/năm.
Theo thống kê từ đầu tháng 10, đã có 24 ngân hàng giảm lãi suất huy động gồm: PVCombank, VIB, Sacombank, VietBank, SCB, VPBank, SHB, BIDV, VietinBank, HDBank, BaoViet Bank, Techcombank, SeABank, Viet A Bank, PG Bank, Dong A Bank, Vietcombank, LPBank, Nam A Bank, CBBank, ACB, Bac A Bank, và NCB.
Trong đó, CBBank, VIB, Vietcombank, SHB, Dong A Bank, PG Bank, Nam A Bank, HDBank, LPBank, Viet A Bank là những ngân hàng giảm lãi suất hai lần trong tháng này. VietBank và Bac A Bank đã giảm lãi suất lần thứ 3 trong tháng.
Lãi suất huy động trên thị trường liên tục giảm vài tháng qua trong bối cảnh hệ thống ngân hàng "thừa tiền" vì tăng trưởng tín dụng ảm đạm.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính phân tích, trong bối cảnh hiện nay, chứng khoán vẫn là một kênh đầu tư hấp dẫn. Thị trường này có dấu hiệu khởi sắc, song việc đầu tư vào chứng khoán có thể gặp rủi ro, nếu không nghiên cứu cẩn thận và có kỹ năng phân tích thị trường.
Trong khi đó, các kênh đầu tư như vàng, bất động sản… vẫn còn bấp bênh, chưa có điểm sáng. Một số bất động sản có giá thấp hơn trước đây nhưng người mua lúc này có thể không muốn vay vốn từ ngân hàng.
Vàng thì tăng giảm thất thường trong suốt thời gian qua nên cũng khiến người mua ái ngại. Vì thế, dòng tiền hiện nay đang nằm chờ đợi tìm kiếm cơ hội đầu tư là chính.
"Với tính chất ổn định và ít rủi ro, gửi tiết kiệm ngân hàng là hình thức được nhiều người dân Việt Nam ưa thích. Tâm lý sợ mất tiền vẫn lớn nên dù lãi suất thấp họ vẫn chấp nhận", ông Thịnh nhận định.
Sliệu cập nhật mới nhất của Ngân hàng Nhà nước cho thấy tính đến tháng 8/2023, số dư tiền gửi của dân cư vào hệ thống tổ chức tín dụng đạt trên 6,43 triệu tỷ đồng, tăng mạnh 9,68% so với cuối năm ngoái.
Tiền gửi của các tổ chức kinh tế cũng vượt 6 triệu tỷ đồng, không còn bị âm như những tháng trước mà đã tăng trưởng dương trở lại (+1% so với cuối năm ngoái).
Như vậy, trong tháng 8, người dân có tiền nhàn rỗi đã gửi thêm gần 44.000 tỷ đồng vào hệ thống ngân hàng, bất chấp thời điểm này mặt bằng lãi suất huy động đã giảm nhanh.
Minh Hà (T/H)