Đất lúa suy giảm, cơ chế thu hồi đất còn bất cập
Đất lúa suy giảm ở nhiều tỉnh, thành, việc chuyển đổi đất chủ yếu dựa trên cơ chế Nhà nước thu hồi đất với mức bồi thường giải phóng mặt bằng thấp.
Đây là những vấn đề được đề cập trong báo cáo “Hiện trạng đất đai khu vực sông Mê Kông.”
Suy giảm đất lúa ở 32 tỉnh thành
Theo số liệu Tổng Cục Quản lý đất đai, từ năm 2010-2014, diện tích đất trồng lúa suy giảm đáng kể ở 32 tỉnh. Trong số đó có các tỉnh có mức độ suy giảm cao nhất là Tiền Giang (9.600 ha) TPHCM (9.100 ha) Tây Ninh (7.400 ha) Hưng Yên (4.400ha)…
Diện tích đất lúa suy giảm từ việc thu hồi và chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp (các dự án công, phát triển đô thị và khu dân cư hoặc sản xuất kinh doanh). Ngoài ra, sự suy giảm đất lúa bao gồm cả chuyển đổi sang các hình thức sản xuất nông nghiệp khác như trồng cây lâu năm, nuôi thuỷ sản.
Từ năm 2010-2014, diện tích đất trồng lúa suy giảm đáng kể ở 32 tỉnh, thành |
Đồng thời với việc suy giảm đất lúa, diện tích đất phi nông nghiệp tăng lên. Từ năm 2010-2014, tổng diện tích đất sử dụng cho các mục đích phi nông nghiệp tăng 32.860 ha. Diện tích đất gia tăng hầu hết được sử dụng làm công trình giao thông, xây dựng khu công nghiệp, các dự án dịch vụ… và cả những khu đất đã được cấp nhưng chưa sử dụng là những “dự án treo”.
TS Micah Ingalls, Trưởng nhóm nghiên cứu Báo cáo Quản trị đất đai khu vực sông Mê Kông cho biết, tăng trưởng kinh tế và xã hội Việt Nam nhanh chóng trong hai thập kỷ vừa qua tác động lớn đến việc sử dụng đất. Đất đai là nền tảng cho sự phát triển của mỗi quốc gia cũng như các hoạt động sinh kế cho các hộ gia đình nông nghiệp và nông thôn, đóng một vai trò trung tâm. Hiểu được thực trạng đất đai và những người đang phụ thuộc vào nó là đặc biệt quan trọng để có thể tạo ra những thay đổi có hiệu quả.
“Việt Nam dân số vẫn chủ yếu sống ở vùng nông thôn và những khu vực đất lúa bị thu hồi chuyển đổi thường là những khu vực đất đai màu mỡ, tình trạng mất đất lúa là đáng quan ngại, tác động đến người dân vùng nông thôn. Cần có chiến lược chủ động đối phó với những bất ổn và giải quyết các vấn đề cốt lõi về quản trị để đảm bảo cho một tương lai bền vững hơn.” - TS Micah Ingalls nói.
Cơ chế thu hồi không được sự đồng thuận của người dân
Đánh giá về vấn đề chuyển đổi đất và thu hồi đất, GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, các chính sách đất đai quan trọng nhất ở Việt Nam gắn liền với sự chuyển đổi của Việt Nam từ nền kinh tế bao cấp nhà nước sang nền kinh tế thị trường.
Hiện nay, tất cả các công cụ quản lý đất đai bao gồm Luật Đất đai, Quy hoạch sử dụng đất, tài chính đất đai và quản lý đất đai đều cho thấy sự tham gia của người dân trong quản lý đất đai được quy định trong pháp luật. Tuy nhiên, đây chỉ là những quy định, trên thực tế, việc triển khai thu hồi đất, quy hoạch, chuyển đổi mục đích sử dụng đất… người dân rất hạn chế có được thông tin và tham gia vào. Điều này làm giảm hiệu quả kiểm soát tham nhũng.
“Việc chuyển đổi đất chủ yếu dựa trên cơ chế thu hồi đất của Nhà nước với giá trị bồi thường dựa trên giá đất do các cơ quan hành chính có liên quan quyết định, dẫn đến sự không đồng thuận của người dân. Trên thực tế, khiếu nại của người dân về đất đai đã chiếm 70 đến 80% tổng số khiếu nại trên toàn quốc” - GS Đặng Hùng Võ nói.
Bên cạnh vấn đề tồn tại về thu hồi đất giải phóng mặt bằng, Luật Đất đai và các luật có liên quan đã có những tiến bộ tích cực trong quản lý sử dụng đất. Nhà nước cũng đã ban hành một số chính sách để đảm bảo các quyền về đất đai và lợi ích từ việc sử dụng đất cho các nhóm dễ bị tổn thương như phụ nữ, người nghèo, các nông hộ nhỏ và các hộ gia đình dân tộc thiểu số… Ví dụ như: từ năm 2003, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên cả vợ và chồng, từ năm 2013 việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người nông dân nghèo được thực hiện với một khoản phí thấp, GS Đặng Hùng Võ phân tích thêm.