Đà Nẵng: Xử phạt 9 khách sạn ven biển xả thải ra môi trường
Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng cho biết, vừa tiến hành xử phạt 9 khách sạn ven biển có hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Thực hiện Kế hoạch số 1170/KH-UBND ngày 28/2/2019 của UBND TP Đà Nẵng, từ ngày 5/3/2019 đến 27/3, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã thành lập các Đoàn kiểm tra việc đấu nối, thoát nước và xử lý nước thải của 61 đơn vị trên lưu vực Mỹ An, Mỹ Khê.
Công bố kết luận thanh tra, Chánh Thanh tra Sở TN&MT Đà Nẵng Nguyễn Thị Quỳnh Như cho hay, qua xác minh các hành vi vi phạm, Thanh tra Sở đã ban hành các Quyết định xử phạt đối với 9 khách sạn, gồm: Balcona Đà Nẵng, TMS Luxury, Risemount Premier Đà Nẵng, Parosand Đà Nẵng, Paris Deli, Lê Hoàng, Hùng Anh, Parze Ocean, Gemma.
Theo đó, các khách sạn này bị xử phạt tổng cộng 630 triệu đồng. Việc xử phạt được kết luận là do thực hiện không đúng nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và các yêu cầu trong quyết định phê duyệt ĐTM quy định (theo điểm e khoản 1 Điều 9 Nghị định 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường).
Nước thải chưa qua xử lý đổ thẳng ra biển tại Đà Nẵng. |
Ngoài ra, Thanh tra Sở TN&MT Đà Nẵng cũng buộc các khách sạn nêu trên phải có biện pháp khắc phục hậu quả, cải tạo hệ thống xử lý nước thải tại khách sạn với công nghệ, công suất xử lý đúng với ĐTM đã được phê duyệt. Thời hạn khắc phục trong 60 ngày, kể từ ngày các đơn vị nhận được Quyết định xử phạt và phải báo cáo kết quả khắc phục về Thanh tra Sở TN&MT.
Trước đó, như Kinh tế Môi trường đã đưa tin, các khách sạn bị đề nghị chuyển hồ sơ sang Thanh tra Sở TN&MT để xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến vi phạm về nước thải, gồm: khách sạn Balcona Đà Nẵng, TMS Luxury, Risemount Premier Đà Nẵng, Parosand Đà Nẵng, Paris DeliLuxtery, Sea Castle 2, Lê Hoàng, Hùng Anh, Zentimeter, Parze Ocean, Misa, Sea Front.
Cụ thể, khách sạn Balcona Đà Nẵng (thông số NH4+-N vượt 2,3 lần, Coliforms vượt 8,6 lần); khách sạn Risemount Premier Đà Nẵng (thông số NH4+-N vượt 3,1 lần; Coliforms vượt 4,6 lần). Khách sạn Parosand Đà Nẵng (thông số BOD5 vượt 1,9 lần; NH4+-N vượt 3,9 lần); khách sạn Paris Deli (bổ sung hạng mục so với báo cáo đánh giá tác động môi trường – ĐTM đã được phê duyệt); khách sạn Luxtery (bổ sung hạng mục so với báo cáo ĐTM đã được phê duyệt); khách sạn Sea Castle 2 (không vận hành hệ thống xử lý nước thải); khách sạn Lê Hoàng (xây dựng hệ thống xử lý nước thải có công suất chỉ 70 m3/ngày đêm, thấp hơn công suất trong báo cáo ĐTM đã phê duyệt là 90 m3/ngày đêm);
Khách sạn Hùng Anh; khách sạn Zentimeter (khách sạn Gemma) và khách sạn Parze Ocean (đều có công nghệ xử lý được phê duyệt ĐTM là hiếu khí (có sục khí) nhưng thực tế chỉ xây dựng bể tự hoại, bể lắng lọc trước khi đấu nối); khách sạn Misa (đã đi vào hoạt động nhưng chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải); khách sạn Sea Front (đã đi vào hoạt động nhưng chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải)… Với những vi phạm đã nêu, các khách sạn trên được Sở Tài nguyên và Môi trường đề xuất xử lý vi phạm hành chính.
Cùng với đó, Sở TN&MT đề nghị UBND TP chỉ đạo Sở Xây dựng, UBND quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn xem xét, xử lý vi phạm đối với hàng loạt trường hợp vi phạm về cấp phép xây dựng, chưa có hồ sơ đấu nối thoát nước thải, không đúng cam kết tại hồ sơ môi trường đã được phê duyệt, khai thác nước dưới đất nhưng không đăng ký,…
Trước thực trạng ô nhiễm trên, việc tổ chức thực hiện công tác giám sát, kiểm soát nguồn thải đối với nhà hàng, khách sạn khu vực ven biển phía Đông thành phố là hết sức cấp bách. Không chỉ giúp cho môi trường nước giảm ô nhiễm, ổn định cuộc sống người dân, việc xử lý nhanh các nguồn gây ô nhiễm còn giúp cho hoạt động dịch vụ trên biển tại Đà Nẵng không bị ảnh hưởng khi mùa du lịch đang đến gần.
Gia Phú