Cổ phiếu chứng khoán bùng nổ nhờ nhà đầu tư F0
Nhiều nhà đầu tư F0 tham gia thị trường giúp triển vọng mảng môi giới và tự doanh của các công ty chứng khoán tích cực, từ đó thúc đẩy giá cổ phiếu tăng mạnh.
Cổ phiếu Chứng khoán SSI (mã SSI) trong phiên giao dịch cuối tuần qua đã thiết lập mức đỉnh mới 39.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn 23% so với cuối tháng 3. Với giá trị vốn hóa gần 25.200 tỉ đồng, SSI trở thành công ty chứng khoán (CTCK) tỉ USD đầu tiên tại thị trường Việt Nam.
Mã cổ phiếu | Giá ngày 31/3 | Giá ngày 21/5 | Thay đổi |
MBS | 16.540 | 23.800 | 43,9% |
SSI | 31.750 | 39.000 | 22,8% |
HCM | 30.260 | 36.200 | 19,6% |
VCI | 61.910 | 73.700 | 19% |
SHS | 28.300 | 32.900 | 16,3% |
ORS | 19.000 | 21.600 | 13,7% |
APS | 9.700 | 10.800 | 11,3% |
VDS | 15.150 | 15.800 | 4,3% |
SBS | 8.100 | 8.300 | 2,5% |
Đà tăng trên chỉ là một trường hợp tiêu biểu cho đợt tăng giá chung của hàng loạt cổ phiếu chứng khoán khoán gần đây. Nhiều mã cổ phiếu khác cũng có mức tăng hàng chục phần trăm lên các mức đỉnh mới, cùng với đó là thanh khoản cao đã góp phần sự đà sôi động chung của toàn thị trường
Đơn cử như cổ phiếu VCI của Chứng khoán Bản Việt có mức tăng giá 19% từ đầu quý II đến nay, cổ phiếu MBS của Chứng khoán MB tăng 44%, cổ phiếu VND của VNDirect tăng gần 47%. Trong khi đó chỉ số chung VN-Index ghi nhận mức tăng tương ứng gần 7,8%.
Hưởng lợi từ nhà đầu tư F0
Chủ tịch SSI Nguyễn Duy Hưng mới đây chia sẻ thị trường chứng khoán đã lớn nhanh hơn so với dự trù của những người xây dựng, điều này khiến hệ thống vượt quá sức chịu đựng. Ông cũng tin tưởng thị trường năm nay sẽ tốt hơn cả năm ngoái.
"Tốt ở đây không phải là thị trường chỉ lên, mà là về số lượng người tham gia tăng, thanh khoản tốt hơn, năm 2021 sẽ có nhiều "deal" huy động vốn trên thị trường, cơ hội phát triển thị trường tốt hơn", ông Hưng nhận định.
Ông Huỳnh Minh Tuấn - Giám đốc môi giới hội sở của Mirae Asset Việt Nam cho rằng nguồn thu chủ lực của các CTCK hiện nay đến từ 3 mảng chính là phí môi giới, lãi từ cho vay ký quỹ (margin) và các hoạt động tự doanh. Bên cạnh đó còn thêm các nguồn từ phí tư vấn cấu trúc M&A, deal… nhưng thường không đáng kể.
“Thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh mẽ nhờ các nhà đầu tư mới (F0), từ đó cho thấy 3 nguồn thu chính của CTCK đều tăng vọt. Nhóm công ty có biên lợi nhuận gộp cao nhờ tập trung vào nhóm F0 và hãm được chi phí môi giới sẽ có nguồn thu nhập rất tốt”, ông Tuấn nói thêm.
Thực tế với hoạt động môi giới, CTCK hưởng lợi lớn nhất từ việc thanh khoản thị trường bùng nổ. Giá trị khớp lệnh bình quân từ đầu quý II đến nay ở mức trên 21.500 tỉ đồng, tăng 25% so với mức bình quân gần 17.200 tỉ trong quý đầu năm.
Thậm chí hệ thống HoSE thời điểm cuối các phiên giao dịch gần đây lại bắt đầu ghi nhận tình trạng nghẽn lệnh, do đó khi năng lực hệ thống được cải thiện có thể thúc đẩy thêm thanh khoản cho thị trường.
Hiện các CTCK thu phí giao dịch khoảng 0,1%-0,25% giá trị giao dịch, ngoại trừ một số đơn vị có mức thu rất thấp hoặc thậm chí là miễn phí. Dù tỉ lệ thu phí có xu hướng giảm nhưng nhờ thanh khoản chung tăng mạnh, thu nhập từ phí môi giới của các công ty này có thể tăng mạnh.
Ông Tuấn cho rằng môi trường đầu tư thuận lợi hiện nay như lãi suất rẻ, giãn cách do dịch, lượng F0 tăng mạnh là các xúc tác chính duy trì sôi động của nhóm ngành chứng khoán và điều này sẽ còn tiếp diễn cho tới khi nào các yếu tố then chốt trên đảo nghịch.
Theo số liệu từ VSD, lượng tài khoản mở mới của nhà đầu tư trong nước đạt gần 110.000 trong tháng 4, gấp 3 lần so với cùng kỳ và đây là tháng thứ 2 liên tiếp có lượng tài khoản mở mới vượt 100.000 đơn vị. Hiện cả nước có hơn 3,1 triệu tài khoản chứng khoán.
Ngoài sự tăng lên của nhà đầu tư mới, hiệu ứng tiền rẻ cũng là yếu tố thúc đẩy thanh khoản. Mặt bằng lãi suất ở mức thấp 5-6%/năm trong khi các hoạt động sản xuất kinh doanh bị trì hoãn do Covid-19 khiến chứng khoán trở thành một trong những kênh đầu tư thu hút được dòng tiền.
Margin và hoạt động tự doanh
Hoạt động cho vay ký quỹ (margin) cũng dự kiến mang lại nguồn thu lớn. Tại cuối tháng 3, tổng dư nợ margin thị trường đạt 101.400 tỉ đồng, tăng khoảng 53% so với đầu năm và các công ty đã sắp đạt các ngưỡng cho vay tối đa theo quy định.
Để có thêm nguồn vốn bổ sung cho hoạt động này, một số công ty đã bắt đầu huy động thông qua phát hành cổ phiếu như SSI, HSC, VCSC, VND, MBS… Nguồn vốn bổ sung mới có thể tăng thêm nguồn thu khi các nhà môi giới lớn đang cho vay margin với lãi suất khoảng 6-8%/năm.
Ông Tuấn dự báo thị trường vẫn hút tiền nhờ tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ, nhất là các công ty vốn hóa lớn. Nhờ triển vọng tích cực, các công ty có thể tận dụng đợt này để huy động thêm vốn từ cổ đông hiện hữu hoặc đối tác chiến lược để gia tăng nguồn lực phục vụ thị trường hiện tại.
Ông Nguyễn Duy Hưng nói thêm, dù các công ty chứng khoán đã gần hết margin nhưng thị trường vẫn tăng điểm, điều này là nhờ lượng tiền chuyển từ gửi tiết kiệm sang thị trường chứng khoán vẫn rất lớn.
Hoạt động tự doanh các CTCK cũng đang có triển vọng tích cực. Quan sát danh mục tự doanh của các công ty có thể thấy hầu hết mã cổ phiếu lớn trong danh mục đã tăng cao so với cuối quý I.
Điển hình như bộ phận tự doanh của SSI đầu tư nhiều vào các cổ phiếu OPC, MWG, HPG, FPT… và mã này đều đã tăng đáng kể 10-40% từ đầu quý đến nay, điều đó giúp công ty chứng khoán có thể ghi nhận lãi từ việc bán hoặc đánh giá lại các tài sản này vào cuối quý tới.
Tương tự như danh mục tự doanh của VCI cũng cho thấy nhiều cổ phiếu đã tăng 10-50%, danh mục tự doanh của MBS có mức tăng đến 40%, khoản đầu tư vào May Sông Hồng (MSH) của FTS cũng đang cho mức sinh lời 10%...
Tự doanh chứng khoán là một nghiệp vụ kinh doanh của các công ty chứng khoán, mục đích thu chênh lệch giá, dự trữ chứng khoán để đảm bảo tính thanh khoản của thị trường hoặc các mục đích khác. CTCK là tổ chức kinh doanh chứng khoán chuyên nghiệp, do đó thường có lợi thế về thông tin, khả năng phân tích hay định giá chứng khoán... nên thường có khả năng sinh lời cao hơn thị trường.
Thanh Thảo