Thứ năm, 25/04/2024 09:23 (GMT+7)
Thứ hai, 20/04/2020 07:00 (GMT+7)

Có nên đưa thịt lợn vào danh mục hàng cần bình ổn giá?

Theo dõi KTMT trên

Giá thịt lợn tăng cao do chưa đủ lượng sản phẩm thịt lợn để cung cấp cho thị trường, giá thành sản xuất cao vì phải đảm bảo các biện pháp an toàn, quá nhiều khâu trung gian.

Có nên đưa thịt lợn vào danh mục hàng cần bình ổn giá? - Ảnh 1
Người tiêu dùng mua thịt lợn tại siêu thị BigC (Hà Nội). (Ảnh: TTXVN)

Hiện nay, giá thịt lợn trên thị trường vẫn ở mức cao dù có sự chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ. Nhiều phương án đã được đưa ra để hạ giá thịt lợn; trong số đó có đề xuất nên đưa thịt lợn vào mặt hàng cần bình ổn giá.

Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) về vấn đề này.

- Thưa ông, xin ông cho biết những tiêu chí nào để một mặt hàng được xếp vào là hàng bình ổn giá?

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Tại Điều 15 Luật Giá quy định hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá là những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu cho sản xuất, đời sống được quy định theo các tiêu chí: nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu và dịch vụ chính cho sản xuất và lưu thông, là hàng hóa hoặc dịch vụ đáp ứng nhu cầu cơ bản của con người.

Những mặt hàng thiết yếu, đáp ứng yêu cầu cơ bản của con người trong danh mục bình ổn giá là: điện, xăng dầu, muối ăn, sữa, thuốc chữa bệnh, gạo tẻ…

Một mặt hàng muốn được đưa vào danh mục bình ổn giá phải đạt các tiêu chí nêu trên. Trên thực tế, nếu mặt hàng nào cần thiết, cơ quan chức năng vẫn cân nhắc để đưa vào danh mục bình ổn giá. Ví dụ như sách giáo khoa là mặt hàng thiết yếu, ảnh hưởng tới cuộc sống người dân, nhất là khu vực yếu thế với đối tượng là học sinh. Sắp tới cơ quan chức năng không chỉ cân nhắc đưa vào danh mục bình ổn giá mà dự kiến còn thực hiện định giá đối với mặt hàng này.

- Thời gian qua và hiện nay giá thịt lợn đang ở mức quá cao, theo ông đâu là nguyên nhân?

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Giá thịt lợn ở mức cao có nhiều nguyên nhân, chủ yếu là do hoạt động cung-cầu và kiểm soát khâu lưu thông. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã từng chỉ ra 3 nguyên nhân khiến giá thịt lợn tăng cao: chưa đủ lượng sản phẩm thịt lợn để cung cấp cho thị trường theo yêu cầu; giá thành sản xuất cao vì phải đảm bảo các biện pháp an toàn sinh học, kiểm soát trong chăn nuôi; có quá nhiều khâu trung gian.

Vì vậy, các biện pháp giúp ổn định giá có thể là cân đối cung cầu; thực hiện tái đàn để duy trì sản xuất một cách bền vững; tổ chức tốt khâu lưu thông theo chuỗi, từ sản xuất đến tiêu dùng, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm…

- Giá thịt lợn quá cao cũng ảnh hưởng tới đời sống của người dân bởi đây là một phần trong cơ cấu của bữa ăn gia đình người Việt. Có nhiều đề xuất nên đưa thịt lợn vào danh mục hàng cần bình ổn giá. Vậy quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Nếu kiến nghị đưa mặt hàng thịt lợn vào danh mục bình ổn giá để quản lý theo hình thức kê khai thì theo quy định tại Luật Giá và các văn bản hướng dẫn kê khai giá, các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ phải gửi thông báo mức giá hàng hóa, dịch vụ cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi định giá, điều chỉnh giá đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc diện phải kê khai giá.

Cơ quan tiếp nhận kê khai giá thực hiện tiếp nhận và rà soát văn bản kê khai giá; trong đó rà soát nội dung về ngày thực hiện mức giá kê khai, bảng kê khai mức giá, phần giải trình lý do điều chỉnh giá theo quy định.

Tuy nhiên, việc xác định các hộ kinh doanh bán lẻ hiện rất khó khăn, bởi tại các chợ dân sinh có rất nhiều quầy hàng. Nếu thống kê trên cả nước thì số lượng quầy hàng sẽ lên tới vài trăm nghìn, khiến việc quản lý hành chính không khả thi. Quan điểm của tôi là không nên đưa thịt lợn vào danh mục hàng cần bình ổn giá.

Trân trọng cảm ơn ông!

Thuỳ Dương

Bạn đang đọc bài viết Có nên đưa thịt lợn vào danh mục hàng cần bình ổn giá?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

WB: Kinh tế Việt Nam đang hồi phục tăng trưởng
Theo Báo cáo cập nhật kinh tế 6 tháng Điểm lại mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) được công bố ngày 23/4, Kinh tế Việt Nam đang có những tín hiệu phục hồi khác nhau, với dự báo tăng trưởng sẽ đạt 5,5% vào năm 2024 và tăng dần lên 6,0% vào năm 2025.

Tin mới

WB: Kinh tế Việt Nam đang hồi phục tăng trưởng
Theo Báo cáo cập nhật kinh tế 6 tháng Điểm lại mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) được công bố ngày 23/4, Kinh tế Việt Nam đang có những tín hiệu phục hồi khác nhau, với dự báo tăng trưởng sẽ đạt 5,5% vào năm 2024 và tăng dần lên 6,0% vào năm 2025.