Thứ năm, 28/11/2024 22:48 (GMT+7)
Thứ tư, 02/10/2024 15:27 (GMT+7)

Chuyên gia nhận định nguyên nhân ban đầu gây nên thảm họa Làng Nủ

Theo dõi KTMT trên

"Bước đầu chúng tôi xác định nguyên nhân gây nên thảm họa Làng Nủ là lũ bùn đá. Theo đó có tới 1,6 triệu m³ bùn đất, đá và nước xuất phát từ đỉnh núi Con Voi cách Làng Nủ 3,6km đã dội xuống thôn" - PGS. TS Nguyễn Châu Lân nói.

Sáng nay (2/10), Khoa Địa chất, trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội đã tổ chức hội nghị khoa học "Thảm họa Làng Nủ - Nguyên nhân và giải pháp phòng tránh" với sự tham dự của nhiều chuyên gia địa chất sau chuyến thực địa tại Làng Nủ trở về.

Có tới 1,6 triệu m³ đất đá, bùn trút xuống Làng Nủ trong 5 phút

Tại hội thảo, các diễn giả Khoa Địa Chất, trường Đại học Khoa học Tự nhiên báo cáo kết quả khảo sát và nhận định ban đầu về nguyên nhân thảm họa Làng Nủ cùng một số khu vực trọng điểm tỉnh Lào Cai, các phát hiện sớm và phòng tránh ẩn họa tương tự Làng Nủ ở các khu vực miền núi Việt Nam.

Thông tin tại hội thảo, PGS. TS Nguyễn Châu Lân, Phó trưởng Bộ môn địa kỹ thuật, Khoa Công trình, Trường Đại học Giao thông Vận tải cho biết: "Bước đầu chúng tôi xác định nguyên nhân gây nên thảm họa Làng Nủ là lũ bùn đá. Theo đó có tới 1,6 triệu m³ bùn đất, đá và nước xuất phát từ đỉnh núi Con Voi cách Làng Nủ 3,6km đã dội xuống thôn".

"Trong quá trình di chuyển khối đất đá đã bị tắc nghẽn tại một khu vực hẹp chỉ rộng khoảng 100m, cách điểm phát sinh sạt lở khoảng 2km. Vị trí này vô tình tạo thành một đập chắn tự nhiên, làm tăng nguy cơ vỡ lũ. Thời điểm xảy ra lũ, lượng mưa tại khu vực rất lớn, với tổng lượng mưa tích lũy lên tới 633mm, trong đó lượng mưa theo giờ đạt 57mm, khiến khối lũ bùn đá di chuyển cực kỳ nhanh", ông Lân nói.

Chuyên gia nhận định nguyên nhân ban đầu gây nên thảm họa Làng Nủ - Ảnh 1
Có tới 1,6 triệu m³ đất đá, bùn trút xuống Làng Nủ trong 5 phút. 

Các nhà khoa học sử dụng mô hình 3D kết hợp dữ liệu thực địa và ảnh vệ tinh để tính toán, đã xác định, dòng lũ chỉ mất khoảng 5 phút (300 giây) để từ đỉnh núi tràn xuống ngôi làng. Kết quả mô phỏng cho thấy chiều sâu tích tụ dòng bùn là 8 - 15m, nơi sâu nhất khoảng 18m, vận tốc dòng chảy rất lớn tới 20 m/giây. Do đó, thời gian chảy từ trên núi xuống (cho cả quãng đường 3,6 km) là khoảng 10 - 15 phút.

PGS. TS Nguyễn Châu Lân cho biết thêm, tại khu vực xã Bảo Khánh, lượng mưa tích lũy ngày 9/9 là 500 mm. Như vậy, nhiều khả năng ở khu vực đỉnh núi Con Voi đã phát sinh trượt lở ban đầu từ ngày 9/9 nhưng người dân ở thôn Làng Nủ chưa ai cảm nhận được sẽ có lũ bùn đá.

PGS.TS Nguyễn Châu Lân cho hay, hiện nay các tỉnh miền núi như Hà Giang, Lào Cai… đã xuất hiện nhiều vết nứt địa chất cần có các biện pháp ứng phó để hạn chế tối đa các "thảm họa".

Một trong những giải pháp được vị chuyên gia đề cập là che phủ các vết nứt bằng vải bạt, kết hợp với hệ thống dẫn và thoát nước ngang, nhằm ngăn nước thấm sâu vào lòng đất, hạn chế nguy cơ sạt lở.

"Đây là biện pháp đơn giản mà các địa phương có thể nhanh chóng triển khai, sau đó sử dụng các phương án kỹ thuật khác để xử lý vết nứt", PGS.TS Nguyễn Châu Lân nêu.

Phải xây dựng quy hoạch chiến lược phát triển tổng thể các vùng đất dốc

Cũng tại hội thảo, GS.TS Đỗ Minh Đức đánh giá: “Khu vực có điều kiện địa hình, địa chất và đặc biệt phân bố dân cư tương tự như làng Nủ không phải là cá biệt mà ngược lại, khá phổ biến tại khu vực miền núi Việt Nam”.

Để phát hiện thảm họa thiên tai, GS.TS Đỗ Minh Đức cho rằng, giải pháp trước mắt là phải cảnh báo và hành động sớm. Khi rủi ro trượt lở đạt đến mức cấp 1, chính quyền địa phương cần hạn chế người và phương tiện lưu thông vào các khu vực nguy cơ cao. Khi tới mức rủi ro cấp 2 và cao hơn, cần cấm phương tiện lưu thông qua các khu vực nguy cơ cao; đồng thời, sơ tán dân trong khu vực đến nơi an toàn và chỉ quay lại khi không còn cảnh báo nguy cơ trượt lở.

Về giải pháp dài hạn, GS.TS Đỗ Minh Đức đề xuất, phải xây dựng quy hoạch chiến lược phát triển tổng thể các vùng đất dốc, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, nhất là các ngành khoa học trái đất...

Anh Thư

Bạn đang đọc bài viết Chuyên gia nhận định nguyên nhân ban đầu gây nên thảm họa Làng Nủ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Việt Nam thúc đẩy tài chính xanh, chuyển đổi xanh
Ngày 27/11, tại Hà Nội diễn ra Tọa đàm: "Thúc đẩy tài chính xanh - Hướng tới phát triển bền vững tại Việt Nam" với sự tham gia của đại diện Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Ngân hàng Nhà nước, Hiệp hội ngân hàng, công ty tài chính.