Thứ ba, 17/09/2024 05:46 (GMT+7)
Thứ sáu, 22/11/2019 14:43 (GMT+7)

Chung cư cũ ở Hà Nội có thể đổ sụp khi động đất từ 4 độ?

Theo dõi KTMT trên

Trong đề án “Quản lý và giảm thiểu các rủi ro có thể trở thành thảm họa đối với thành phố Hà Nội” được UBND TP.Hà Nội phê duyệt, các chung cư cũ có thể đổ sụp khi có động đất từ 4 độ Richter trở lên.

Chung cư cũ ở Hà Nội có thể đổ sụp khi động đất từ 4 độ? - Ảnh 1
Khi xảy ra động đất dù cấp nhỏ nhất, các chung cư cũ của Hà Nội đều không đủ điều kiện an toàn cho người dân sinh sống. (Ảnh minh họa)

Sáng 21/11, nhiều người dân ở các tòa nhà cao tầng tại Hà Nội thấy đồ vật trong nhà rung lắc giống như có động đất. Cơ quan chức năng bước đầu nhận định hiện tượng này là do ảnh hưởng của trận động đất mạnh ở Lào.

Theo Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu, trận động đất xảy ra lúc 6 giờ 50 phút 42 giây sáng 21/11/2019 tại vị trí có tọa độ (19.46 độ vĩ Bắc, 101.26 độ kinh Đông) thuộc khu vực tỉnh Sayabouly, Lào. Trận động đất có độ lớn 6.1, độ sâu chấn tiêu khoảng 38km.

Trả lời VOV, ông Nguyễn Hồng Phương - Phó giám đốc Trung tâm dự báo tin động đất và cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý địa cầu) cho biết chỉ người dân sống ở những toà nhà cao tầng tại một số khu vực của Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc mới cảm nhận được sự rung lắc của dư chấn. Hiện Trung tâm dự báo tin động đất và cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý địa cầu) vẫn đang tiếp tục theo dõi trận động đất này.

Ông Nguyễn Hồng Phương khuyến cáo: "Gần như chắc chắn là Việt Nam không phải lo ngại gì là vì trận động đất mạnh nhất đã xảy ra rồi, dư chấn của nó về sau sẽ càng ngày càng yếu đi… Trận động đất này lan truyền từ xa và chỉ ảnh hưởng những nhà cao tầng… và người dân không nên hoảng loạn và cần tuân thủ các quy tắc sơ tán…".

Tuy nhiên, sự việc kể trên khiến nhiều cư dân ở các khu nhà cao tầng cảm thấy lo lắng và đặt câu hỏi liệu chung cư cao tầng ở Hà Nội chịu được động đất cấp mấy?

Trả lời báo Tiền Phong về vấn đề này, ông Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục giám định Nhà nước về Chất lượng công trình (Bộ Xây dựng) cho biết: Khi xảy ra động đất dù cấp nhỏ nhất, các chung cư cũ, lắp ghép của Hà Nội từ những năm 60, 70 đều không đủ điều kiện an toàn cho người dân sinh sống.

Theo ông Chủng, dù không nằm trong vùng bị động đất nhưng những rung chấn cũng ảnh hưởng đến các công trình chung cư cũ. “Khó xảy ra trường hợp công trình bị nghiêng vì rung chấn rất nhanh. Ảnh hưởng của rung chấn có thể gây ra những hư hại nhẹ cho công trình. Còn nếu phát hiện những vết nứt, vỡ công trình thì phải khảo sát ngay lập tức để có đánh giá”.

Với các chung cư xây mới sau này, ông Chủng cho rằng những rung chấn không thể gây nứt vỡ cho công trình, mà chỉ có thể xảy ra hiện tượng đồ đạc trong nhà như đèn treo, quạt trần rung lắc trong tầm kiểm soát.

Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, hiện Hà Nội đã có bản đồ phân vùng động đất đến từng phường, để các công trình xây dựng dễ dàng thiết kế theo quy chuẩn. Sở Xây dựng Hà Nội là đơn vị thẩm định thiết kế cơ sở cũng như kiểm tra việc tuân thủ các quy định của pháp luật về thiết kế công trình. Do đó, không đáng ngại với những tòa nhà cao tầng xây mới. Tuy nhiên, các nhà dân tự xây thì cần phải xem xét, kiểm soát về chất lượng công trình.

Trong đề án “Quản lý và giảm thiểu các rủi ro có thể trở thành thảm họa đối với thành phố Hà Nội” được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt, các chung cư cũ có thể đổ sụp khi có động đất từ 4 độ Richter trở lên.

Theo thống kê, Hà Nội hiện có 1.579 chung cư cũ, tập trung ở 76 khu với 1.273 chung cư và 306 chung cư riêng lẻ với quy mô 2 - 5 tầng. Đa số chung cư cũ đang có hiện tượng sụt lún, xuống cấp khá nghiêm trọng do đã hết niên hạn sử dụng. Những chung cư này phân bố chủ yếu ở 4 quận nội thành cũ. Động đất với cường độ 4-5 độ Richter có thể gây sụp đổ hàng loạt chung cư cũ. Khoảng 30 nghìn hộ dân đang sinh sống tại các chung cư cũ 4-5 tầng.

Theo các chyên gia, động đất là một thiên tai chưa thể dự báo trước được mà chỉ là cảnh báo. Trong lúc động đất nếu ở trong nhà chúng ta nên chui xuống gầm bàn. Tìm góc phòng để đứng, tránh cửa kính. Tránh xa những vật có thể rơi xuống. Che mặt và đầu bằng sách, báo để khỏi bị các mảnh vụn trúng. Nếu mất điện, dùng đèn pin. Đừng dùng nến hay diêm vì chúng có thể gây hỏa hoạn. Mở radio để có thể nghe được những tin tức khẩn cấp.

Nếu trong các tòa nhà cao tầng, tuyệt đối không được dùng thang máy vì khi có động đất thì hay kèm theo mất điện và nếu dùng thang máy thì sẽ bị kẹt. Nên tránh xa các khu vực có cửa kính, đèn điện treo. Nhanh chóng khóa gas, mở cửa sổ hoặc cửa ra vào.

Nghiên cứu cho thấy có khá nhiều người bị thương là do cố ra khỏi tòa nhà cao tầng ngay lập tức hoặc chạy sang các chỗ khác cùng tòa nhà. Hầu hết thương vong liên quan tới động đất do bị tường đổ, các mảnh kính bị vỡ và văng vào người.

Trong trường hợp ở ngoài đường, tránh xa các tòa nhà và dây điện. Tìm chỗ trống để đứng. Nếu động đất xảy ra trong lúc lái xe, ngừng xe ở lề đường. Tránh các cột điện, dây điện, và đường cầu, không chui xuống gầm xe.

Mai Anh

Bạn đang đọc bài viết Chung cư cũ ở Hà Nội có thể đổ sụp khi động đất từ 4 độ?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

T&T Group khởi công cụm công nghiệp lớn nhất Hà Nội
Với quy mô 41,7 ha và tổng mức đầu tư gần 780 tỷ đồng, Cụm công nghiệp Nam Phúc Thọ - giai đoạn 1 là một trong những dự án trọng điểm của Thủ đô Hà Nội, là cụm công nghiệp lớn nhất trên địa bàn thành phố hiện tại.

Tin mới