Chưa thể nắm được quy luật bồi, xói của cồn cát nổi lên giữa biển Hội An
Theo Tổng cục Phòng, chống thiên tai nhận định, tốc độ bồi, xói của cồn cát kéo dài cả cây số nổi lên giữa biển Hội An diễn biến rất nhanh. Hiện tại chưa thể nắm được quy luật phát triển của cồn cát này.
Sông Thu Bồn là một trong những sông nội địa có lưu vực lớn nhất Việt Nam. Sông bắt nguồn từ khối núi Ngọc Linh thuộc huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum và đổ ra biển tại Cửa Đại, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam, một nhánh chảy vào sông Vĩnh Điện để đổ nước vào sông Hàn, Đà Nẵng.
Từ năm 2017, một cồn cát dài chừng 100m nổi lên trước cửa hạ nguồn sông Thu Bồn khiến dư luận xôn xao. Đến hiện tại, cồn cát nổi giữa vùng biển Cửa Đại này đã kéo dài tới cả cây số với bề rộng khoảng 200m.
Cồn cát trông như một đảo nhỏ nhìn từ trên cao này, cách cảng Cửa Đại tầm 10 phút di chuyển bằng thuyền. Ngoài cồn cát đang khiến không ít người quan tâm thì ở phía Nam Cửa Đại cũng đang hình thành một bãi cát khác có nguy cơ gây cản trở tàu thuyền của ngư dân ra vào cảng Cửa Đại.
Ngày 5/4 vừa qua, ông Trần Quang Hoài – Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn) đã dẫn đầu đoàn công tác thực tế đảo cát. Ngay sau đó, UBND tỉnh Quảng Nam đã giao UBND TP Hội An tổ chức cắm biển báo cấm lên khu vực đảo cát. Đồng thời, thông báo cho các đơn vị lữ hành, chủ các tàu thuyền và người dân địa phương không tự ý tổ chức đưa người dân, du khách ra khu vực đảo cát hoặc triển khai các hoạt động tự phát trên đảo cát.
Mới đây (10/5), Tổng cục Phòng, chống thiên tai đã triển khai khảo sát tại khu vực biển Cửa Đại. Qua 5 lần khảo sát, quan trắc hình dạng phần nổi của cồn cát cho thấy: Tốc độ bồi, xói tại các cột mốc diễn biến rất nhanh (mỗi tuần có thể bồi xói 30-50m), phức tạp (độ cao và khoảng cách đến mép nước của mỗi cọc biến đổi lớn, liên tục) và chưa thể nhận định được quy luật phát triển của cồn cát này cũng như mối tương quan với diễn biến bờ biển cửa Đại (trong thời gian qua, bãi biển cửa Đại có xu hướng đang tiếp tục bồi).
Theo Tổng cục Phòng, chống thiên tai, để có đầy đủ cơ sở khoa học đưa ra những nhận định về diễn biến của khu vực này, bên cạnh việc quan trắc sự thay đổi hình học của cồn cát, cần thiết phải tiến hành đo đạc bổ sung các yếu tố thủy động lực: mực nước; sóng (chiều cao, chu kỳ, hướng) và bùn cát (phân tích cấp phối bùn cát),…nhằm phục vụ công tác mô phỏng bằng mô hình toán, kết hợp với phân tích ảnh vệ tinh khu vực trong những năm gần đây; đồng thời cần sự vào cuộc của các chuyên gia trong và ngoài nước.
Trước khi triển khai các hoạt động nghiên cứu đồng bộ và toàn diện, Tổng cục đã chỉ đạo triển khai đo vẽ 12 mặt cắt (trên cạn và 30-50m phần dưới nước) tại vị trí các cọc mốc.
Xuân Đoàn