Thứ năm, 25/04/2024 19:42 (GMT+7)
Thứ bảy, 27/04/2019 10:06 (GMT+7)

Chưa tái cơ cấu xong, cổ đông Sacombank vẫn “nhịn” cổ tức

Theo dõi KTMT trên

Theo Chủ tịch Sacombank Dương Công Minh, ngân hàng hiện còn 2.700 tỷ đồng lợi nhuận để lại nhưng nhiều lần xin ý kiến Ngân hàng Nhà nước cho chia cổ tức, vẫn chưa được đồng ý. Lý do vì Sacombank vẫn đang tái cơ cấu, xử lý tồn đọng sau khi sáp nhập Southernbank.

Chưa tái cơ cấu xong, cổ đông Sacombank vẫn “nhịn” cổ tức - Ảnh 1

Sacombank vẫn đang tập trung xử lý tồn đọng, nợ xấu, tái cơ cấu sau sáp nhập Ngân hàng Phương Nam

Ngày 26/4, Đại hội cổ đông thường niên 2019 của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, mã: STB) đã thông qua các báo cáo, tờ trình của ban điều hành.

Tại đại hội, ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Sacombank chia sẻ: “Qua hơn 2 năm tái cấu trúc, Sacombank đang từng bước lấy lại vị thế trên thị trường, vì thế đã giảm được lãi suất huy động, tăng lãi suất cho vay, thể hiện qua kết quả kinh doanh quý I/2019 khả quan. Sacombank sẽ tiếp tục tập trung xử lý tài sản không sinh lời, nợ xấu và giúp ngân hàng tăng trưởng cao hơn. Năm 2019 là giai đoạn ổn định của Sacombank để từ năm 2020 là giai đoạn tăng tốc”.

Kết quả kinh doanh được cải thiện tích cực trong năm 2018 với lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 2.247 tỷ đồng, vượt 22,3% so với kế hoạch, tín dụng tăng 14%, huy động vốn tăng 9%. Tổng tài sản đạt 406.041 tỷ đồng, tăng 10% so với đầu năm. Nhất là nợ xấu đã giảm về mức 2,1% cho thấy hiệu quả và tiến độ xử lý nợ xấu được chú trọng, đảm bảo theo đúng kế hoạch của HĐQT đề ra ngay từ đầu nhiệm kỳ.

Nhiều cổ đông Sacombank mong mỏi ban lãnh đạo sớm chia cổ tức, đảm bảo quyền lợi của cổ đông vì hai năm sau sáp nhập Ngân hàng Phương Nam, cổ đông đã phải “nhịn” cổ tức.

“Chúng tôi phải cầm cự và chịu đựng rất nhiều để chờ Sacombank trở lại thời huy hoàng. Ngân hàng phải san sẻ với chúng tôi bằng việc giảm thưởng cho cán bộ nhân viên từ 20% phần vượt kế hoạch lợi nhuận trước thuế xuống còn 10%, chi thù lao cho HĐQT từ 2% lợi nhuận trước thuế xuống còn 1% để dành tiền chia cổ tức”, một cổ đông đề nghị.

Chia sẻ với nguyện vọng của cổ đông, ông Dương Công Minh cho biết ngân hàng đang trong giai đoạn tái cơ cấu nên chịu nhiều ráng buộc, không thể tự quyết định việc chia cổ tức dù tổng lợi nhuận giữ lại trong hai năm gần nhất đạt gần 2.800 tỷ đồng.

“Sacombank là ngân hàng tái cơ cấu duy nhất có lãi nên nhiều lần gửi văn bản xin Ngân hàng Nhà nước chia cổ tức, dù ít dù nhiều, nhưng vẫn chưa được với lý do cần tập trung thực hiện theo đề án… Là cổ đông lớn nhất, nếu được chia cổ tức thì tôi phải là người vui nhất”, ông Minh nói và hứa sẽ thuyết phục cơ quan quản lý cho phép chia cổ tức đế cũng như đẩy mạnh các hoạt động giảm nhanh nợ xấu và rút ngắn quá trình tái cấu trúc.

Chưa tái cơ cấu xong, cổ đông Sacombank vẫn “nhịn” cổ tức - Ảnh 2

Chủ tịch Sacombank Dương Công Minh: “Nếu được chia cổ tức thì tôi phải là người vui nhất”

Về kế hoạch kinh doanh năm 2019, Sacombank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 2.650 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2018. Tổng tài sản dự kiến đạt 455.500 tỷ đồng, tăng tối thiểu 12% so với năm 2018.

Tổng nguồn vốn huy động dự kiến đạt 423.500 tỷ đồng, tăng trên 14%, trong đó huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư đạt 418.600 tỷ đồng, tăng 17%. Dư nợ tín dụng đạt 298.100 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 16%, trong đó cho vay khách hàng đạt 297.600 tỷ đồng, tăng 16%.

Trong quý 1 năm nay, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của ngân hàng tăng gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm trước, đạt 1.061 tỷ đồng. Tổng tài sản đạt hơn 425.000 tỷ đồng, tăng 4,7% so với đầu năm, cấu trúc danh mục tài sản tiếp tục được cơ cấu theo hướng gia tăng tỷ trọng tài sản có sinh lời. Cho vay khách hàng đạt hơn 271 ngàn tỷ đồng, tăng 5,6% so với đầu năm, tỷ lệ nợ xấu 2,08%, tương ứng hơn 5.600 tỷ đồng nợ xấu.

Kim Anh

Bạn đang đọc bài viết Chưa tái cơ cấu xong, cổ đông Sacombank vẫn “nhịn” cổ tức. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

WB: Kinh tế Việt Nam đang hồi phục tăng trưởng
Theo Báo cáo cập nhật kinh tế 6 tháng Điểm lại mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) được công bố ngày 23/4, Kinh tế Việt Nam đang có những tín hiệu phục hồi khác nhau, với dự báo tăng trưởng sẽ đạt 5,5% vào năm 2024 và tăng dần lên 6,0% vào năm 2025.

Tin mới

Hiến giọt máu đào, trao đời sự sống
Đây là chủ đề của chương trình hiến máu tình nguyện, được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương tổ chức ngày 24/4.