Thanh Hóa: Tuổi trẻ phải dám nghĩ, dám làm
Sáng ngày 24/3, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn đã đối thoại trực tuyến cùng đoàn thanh niên với chủ đề “Xây dựng tổ chức Đoàn, Hội vững mạnh; thúc đẩy khát vọng cống hiến và tinh thần sáng tạo, khởi nghiệp của thanh niên Thanh Hóa".
Phát biểu tại hội nghị, ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa chia sẻ: Thanh niên là lực lượng to lớn, mạnh mẽ trong sự nghiệp cách mạng và phát triển xã hội. Đối với tỉnh Thanh Hóa, lãnh đạo tỉnh luôn dành sự quan tâm sâu sắc, đặc biệt đối với thanh niên tỉnh nhà. UBND tỉnh đã ban hành Chương trình phát triển thanh niên trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2030 và nhiều Đề án, Dự án, Kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển thanh niên. Rất nhiều chủ trương, chính sách của tỉnh đã được các cấp, các ngành, các địa phương tổ chức triển khai thực hiện với thanh niên và lực lượng thanh niên, đóng góp rất quan trọng vào thành tích nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nhiều thanh niên đã nỗ lực vươn lên, vượt qua khó khăn, “khởi nghiệp, lập nghiệp” thành công. Ở trên bất kỳ lĩnh vực nào, các bạn trẻ đều chứng tỏ được trí tuệ, năng lực, bản lĩnh, tính xung kích, tình nguyện và sức sáng tạo. Tuổi trẻ Thanh Hóa đã có nhiều đóng ghóp trong sự phát triển chung của tỉnh nhà.
Hiện nay khởi nghiệp đang là vấn đề được thanh niên đặc biệt quan tâm, đã xuất hiện rất nhiều ý tưởng sáng tạo của thanh niên. Sau khi ý tưởng khởi nghiệp được hình thành thì vấn đề quan trọng là duy trì và tận dụng lợi thế để phát triển doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhiều ý tưởng khởi nghiệp thành công, doanh nghiệp đi vào hoạt động tuy nhiên một thời gian sau đó doanh nghiệp đánh mất lợi thế ban đầu và dần đi vào thất bại.
Anh Lê Đức Đạt, Bí thư đoàn trường ĐH Hồng Đức quan tâm đến việc tỉnh có chính sách, giải pháp nào nhằm hỗ trợ, phát triển mạng lưới tư vấn cho các doanh nghiệp thanh niên khởi nghiệp duy trì và tận dụng lợi thế vốn có.
Về vấn đề này, ông Lê Minh Nghĩa, Giám đốc sở Kế hoạch và đầu tư cho rằng:Khởi nghiệp nói chung và khởi nghiệp trong đoàn viên thành niên, sinh viên nói riêng là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Trong những năm qua, Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành trung ương, HĐND và UBND tỉnh ban hành nhiều Đề án, chương trình, kế hoạch, chính sách hỗ trợ khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp; hiện tại, các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp, gồm: Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 03/6/2017 của BCH Trung ương khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa; Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ DNNVV; Quyết định số 3487/QĐ-UBND ngày 07/9/2021 của UBND tỉnh phê duyệt Đề án phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2021 - 2025; Nghị quyết số 214/NQ-HĐND tỉnh ngày 13/4/2022 của HĐND tỉnh về ban hành chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2022 - 2026 phát triển doanh nghiệp đã và đang từng bước đi vào cuộc sống; qua đó, tạo phong trào khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế.
Đối với tỉnh Thanh Hóa, thực hiện chủ trương, chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp của trung ương. UBND tỉnh đã ban hành Đề án phát triển doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021 - 2025; trong đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan đầu mối hỗ trợ tư vấn cho doanh nghiệp. Ngoài ra, để nâng cao kỹ năng quản trị, điều hành, hàng năm, Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức các khoá đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về khởi sự doanh nghiệp, quản trị doanh nghiệp; đồng thời, quan tâm thực hiện chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Thời gian qua, tại Thanh Hóa nói riêng, nhiều mô hình phát triển kinh tế của thanh niên có hiệu quả cao, cho sản phẩm chất lượng; tuy nhiên, việc đầu ra của sản phẩm không ổn định, thị trường tiêu thụ sản phẩm còn manh mún, nhỏ lẻ đang là rào cản lớn đối với việc phát triển kinh tế trong thanh niên. Trước thực trạng đó, thời gian qua tỉnh cũng đã tổ chức hội chợ giới thiệu, kết nối các sản phẩm, tuy nhiên chi phí lớn nhưng hiệu quả mang lại chưa cao, các doanh nghiệp mới khởi nghiệp chỉ tiếp cận được khách lẻ, khó tiếp cận được đến nhà đầu tư. Vì vậy, là một thanh niên khởi nghiệp thành công từ cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp trong ĐVTN tỉnh Thanh Hóa, tôi mạnh dạn đề xuất UBND tỉnh và các ngành liên quan quan tâm tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại với các chuỗi siêu thị, các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh, ngoài nước để các doanh nghiệp có thể tiếp cận được các nguồn vốn, quảng bá được sản phẩm, thương hiệu và giải quyết đầu ra cho sản phẩm.
Đại diện sở Công thương Trong thời gian vừa qua Sở Công Thương luôn quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong tỉnh tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm thông qua các hội chợ, hội nghị kết nối cung cầu sản phẩm, kết nối với các siêu thị, nhà phân phối trong và ngoài tỉnh. Bình quân hằng năm, Sở Công Thương hỗ trợ khoảng 30 doanh nghiệp tham gia các hội chợ tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước như: Hà Nội, Huế, Thái Bình, Ninh Bình, Bắc Ninh, Quảng Nam, Hòa Bình, Quảng Ninh…
Đặc biệt, trong năm 2019, Sở Công Thương đã hỗ trợ đưa nhiều sản phẩm của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong tỉnh, trong đó có các sản phẩm Nước uống từ gấc và Hoa quả sấy do doanh nghiệp của Ông Lê Minh Cương sản xuất, trưng bày tại Liên bang Nga theo Kế hoạch số 193/KH-UBND ngày 13/9/2019 của UBND tỉnh về việc tổ chức gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm hàng hóa tỉnh Thanh Hóa tại thành phố Moskva, Liên bang Nga.
Về vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho rằng: các tổ chức Đoàn tiếp tục nghiên cứu, nhân rộng các mô hình hay, cách làm hiệu quả, sáng tạo để thực hiện 3 chương trình và 3 phong trào hành động cách mạng của Đoàn; tiếp tục đồng hành với thanh niên trong học tập, nghề nghiệp, việc làm; phối hợp với các sở, ban, ngành của tỉnh hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp. Mặt khác quan tâm hơn nữa, bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của thanh niên, nhất là quan tâm chăm lo, giúp đỡ những thanh niên yếu thế vượt qua khó khăn.
Bên cạnh đó, Thanh niên cần phải tích cực học tập và tự học tập để nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn, khoa học, kỹ thuật, tay nghề. Mặt khác, đoàn viên thanh niên cũng cần phải thay đổi về định hướng nghề nghiệp, việc làm; dám nghĩ, dám làm, không trông chờ, ỷ lại; linh hoạt chọn ngành nghề khởi nghiệp, phù hợp với khả năng bản thân, nhu cầu thực tiễn, nhu cầu thị trường.
Đồng thời, Lãnh đạo tỉnh luôn khuyến khích, tạo điều kiện về cơ chế, chính sách và luôn đồng hành với thanh niên trên con đường lập thân, lập nghiệp, vì vậy, trong thời gian tới, sẽ có nhiều mô hình thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp được triển khai thành công, hiệu quả, góp phần phát phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng tin tưởng và kỳ vọng thanh niên tỉnh nhà sẽ tiếp tục phát huy và nâng cao tinh thần xung kích, tình nguyện, vai trò, trách nhiệm của thanh niên trong xây dựng, phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ Tổ quốc, góp phần xây dựng tỉnh Thanh Hóa ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Hoàng Đức