Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ về thăm làm việc với tỉnh Hà Nam
Ngày 14/5, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Nam về thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tham dự buổi làm việc có các đồng chí Bùi Văn Cường - Ủy viên Trung ương Đảng - Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; Vũ Hồng Thanh - Ủy viên Trung ương Đảng - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; Lê Quang Huy - Ủy viên Trung ương Đảng - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; Vũ Hải Hà - Ủy viên Trung ương Đảng - Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội; Nguyễn Chí Dũng - Ủy viên Trung ương Đảng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Lê Thị Thủy - Ủy viên Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh; Đinh Thị Lụa - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Trương Quốc Huy - Phó Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; lãnh đạo một số bộ, ngành trung ương; thường trực HĐND tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, huyện, thị xã, thành phố…
Tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam Lê Thị Thủy đã có báo cáo nhanh với Ủy viên Bộ Chính trị - Chủ tịch Quốc Hội Vương Đình Huệ và Đoàn công tác về tình hình kinh tế xã hội của tỉnh.
Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam Lê Thị Thuỷ cho biết, trong bối cảnh có nhiều biến động so với dự báo đầu nhiệm kỳ, tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, khó lường, Hà Nam phải trải qua 2 đợt dịch Covid-19 để lại hậu quả nặng nề, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân, nhưng tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực.
Đặc biệt, tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội, kinh tế cơ bản ổn định và có bước phát triển; nửa nhiệm kỳ qua, đã thực hiện đạt và vượt mức 7/18 chỉ tiêu chủ yếu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 20 đề ra.
Kinh tế duy trì ổn định và đạt tốc độ tăng trưởng cao, tăng bình quân giai đoạn 2021-2022 đạt 10,06%/năm, là mức tăng cao trong khu vực và của cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, đến nay, tỷ trọng lĩnh vực công nghiệp, xây dựng chiếm 68,7%; thương mại, dịch vụ chiếm 24%; nông, lâm nghiệp, thủy sản giảm còn khoảng 7%. Thu cân đối ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng bình quân 13,95%/năm, năm 2022, đạt gần 14 nghìn tỷ đồng; bảo đảm tự chủ ngân sách từ năm 2022.
Hoạt động xúc tiến đầu tư đạt nhiều kết quả. Lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh có 1.133 dự án đầu tư còn hiệu lực (363 dự án FDI và 770 dự án trong nước) với vốn đăng ký gần 5.200 triệu USD và gần 170 nghìn tỷ đồng.
Chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu tiếp tục được đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả tích cực. Hà Nam là tỉnh thứ 4 trong cả nước được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2020. Đến nay, toàn tỉnh có 19 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và hiện đang tập trung xây dựng huyện Bình Lục đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; diện mạo đô thị, nông thôn có nhiều khởi sắc. Nhiều dự án giao thông lớn kết nối, liên kết vùng được đầu tư xây dựng như: Tuyến đường nối Ba Sao - Bái Đính; Tuyến đường liên kết vùng, nối từ đường nối vành đai 4 - vành đai 5 qua QL38 đến đường QL21 huyện Kim Bảng; Đường bộ song hành QL21; nút giao Phú Thứ; các dự án trọng điểm về đô thị, thương mại, du lịch, dịch vụ: Hạ tầng kỹ thuật khu du lịch Tam Chúc, Trung tâm thương mại và đại siêu thị Go Phủ Lý, Dự án Cụm cảng Yên Lệnh…
Văn hóa - xã hội có nhiều hoạt động sôi nổi, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị, đáp ứng nhu cầu nhân dân và quảng bá hình ảnh, con người, quê hương Hà Nam với bạn bè trong nước và quốc tế. Chất lượng giáo dục toàn diện được nâng lên, giáo dục mũi nhọn đạt thành tích tốt. Giải quyết việc làm, đào tạo nghề được quan tâm. Công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân được chú trọng. An sinh xã hội được bảo đảm; đời sống Nhân dân được cải thiện. Năm 2022, thu nhập bình quân đầu người đạt 87 triệu đồng/người; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,69%.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Bí thư Tỉnh ủy Lê Thị Thuỷ cũng cho biết, một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh khó đạt như: Chỉ tiêu số bác sỹ/1 vạn dân, số giường bệnh/1 vạn dân; tỷ lệ các cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Công tác quy hoạch và việc thực hiện Nghị quyết 30 ngày 23.11.2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 14 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 30 với rất nhiều nhiệm vụ đối với Hà Nam còn chậm, nhất là việc đầu tư xây dựng Khu công nghệ cao, các Khu công nghiệp. Giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt kế hoạch đề ra.Một số khoản thu gặp khó khăn như: nguồn thu tiền sử dụng đất, thu thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tài nguyên, lệ phí trước bạ... Việc xử lý ô nhiễm môi trường nước, sông Nhuệ - Đáy và khu vực Tây Đáy khó đạt mục tiêu đề ra.
Trên cơ sở đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Nam đề nghị Quốc hội xem xét bổ sung Nghị quyết số 39/2021/QH15 về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021-2025; trong đó có nội dung giao bổ sung 663 ha chỉ tiêu sử dụng đất Khu công nghệ cao cho tỉnh Hà Nam.
Đề nghị Chính phủ ủy quyền cho Tỉnh thực hiện lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch chung, quy hoạch phân khu Khu Công nghệ cao Hà Nam để bảo đảm tiến độ thực hiện nhiệm vụ mà Nghị quyết số 30 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 14 của Chính phủ đã đề ra. Tiếp tục quan tâm bố trí vốn ngân sách Trung ương để thực hiện Nghị quyết số 30 về xây dựng Khu du lịch Tam Chúc, Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Voọc Mông trắng thành Di sản.
Tỉnh Hà Nam cũng đề nghị trung ương quan tâm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Dự án đầu tư xây dựng Hạ tầng kỹ thuật Khu du lịch Tam Chúc để kết nối giao thông đồng bộ giữa tỉnh Hà Nam với tỉnh Hòa Bình, thành phố Hà Nội, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh trong vùng.
Quan tâm chỉ đạo để 2 Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 và Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức cơ sở 2 sớm đi vào hoạt động để thực hiện khám, chữa bệnh cho Nhân dân trên địa bàn tỉnh, các địa phương lân cận và và tạo điều kiện người dân có đất thu hồi thực hiện các hoạt động dịch vụ để ổn định cuộc sống; hỗ trợ 1.500 tỷ đồng vốn ngân sách Trung ương để đầu tư xây dựng tuyến đường bộ song hành 2 bên đường Vành đai 5 nhằm phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư của Trung ương trên địa bàn tỉnh và kết nối với các tỉnh trong khu vực để phát triển kinh tế - xã hội..
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chúc mừng sự phát triển nhanh chóng, thay đổi ngoạn mục của tỉnh Hà Nam – địa phương có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời, có bề dày truyền thống lịch sử, văn hiến, mảnh đất khoa bảng, quê hương của nhiều anh hùng hào kiệt, danh nhân văn hóa. Sau 26 năm kể từ khi tái lập tỉnh (1997-2023), từ một tỉnh thuần nông, xuất phát điểm thấp, gặp nhiều khó khăn, Hà Nam hiện nay đã trở thành tỉnh phát triển rất năng động, kinh tế tăng trưởng nhanh, đạt nhiều thành tựu quan trọng.
Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao việc Tỉnh ủy Hà Nam đã tập trung ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề để thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX. Tập trung phát triển các ngành công nghiệp, trọng tâm là công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo và dịch vụ phục vụ phát triển công nghiệp. Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; tiếp tục cải cách hành chính... “Điều này đã thể hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo bài bản của Đảng bộ tỉnh Hà Nam với định hướng, tư duy, tầm nhìn khá xa”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Ghi nhận việc Tỉnh ủy Hà Nam đã thẳng thắn chỉ ra những khó khăn, hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua, Chủ tịch Quốc hội cơ bản nhất trí với phương hướng, các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm mà Đảng bộ tỉnh Hà Nam đã xác định trong các tháng cuối năm 2023 và từ nay đến hết nhiệm kỳ.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị tỉnh Hà Nam khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ, trình phê duyệt và tổ chức thực hiện hiệu quả Quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, bảo đảm phù hợp với quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng để khai thác, phát huy cao nhất tiềm năng, lợi thế của Tỉnh trên cơ sở phát triển và khai thác tối đa kết cấu hạ tầng hiện có, phát triển các vùng động lực. Khi phê duyệt xong thì nên tổ chức công bố Quy hoạch, triển lãm Quy hoạch để người dân, cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư nhìn thấy Quy hoạch, hình dung được 5 năm, 10 năm, tầm nhìn 20 năm, 30 năm tới Hà Nam sẽ phát triển như thế nào thì chắc chắn động lực, ý chí phát triển sẽ nâng lên.
“Các đồng chí đặt mục tiêu xây dựng Hà Nam trở thành tỉnh khá thì cũng phải rà soát lại. Phải có khát vọng lớn hơn, qua đó củng cố tư duy, tầm nhìn, ý chí tự cường của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hà Nam. Với tư duy, tiềm năng và đà phát triển như hiện nay, Hà Nam hoàn toàn có thể trở thành tỉnh giàu, tỉnh mạnh”.
Nhấn mạnh như vậy, Chủ tịch Quốc hội đặc biệt lưu ý tỉnh Hà Nam phải “hâm nóng” hơn nữa tinh thần kiến tạo. “Quốc hội giám sát, xây dựng pháp luật cũng phải kiến tạo phát triển. Địa phương càng phải đẩy mạnh tinh thần này. Tất cả mọi hành động phải đồng hành, hỗ trợ, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp và người dân, phải chủ động hơn nữa chứ không phải chỉ là vấn đề tháo gỡ khó khăn”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Chủ tịch Quốc hội tin tưởng, Hà Nam sẽ sớm hiện thực hóa Mục tiêu chung đến năm 2025 xây dựng tỉnh Hà Nam giàu đẹp, văn minh, phấn đấu đến năm 2035 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; đến năm 2050 trở thành đô thị thông minh, thành phố phát triển hiện đại, trung tâm công nghệ cao, dịch vụ chất lượng cao, trung tâm mua sắm của Vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước với 3 trụ cột: kinh tế phát triển thịnh vượng - xã hội văn minh, hiện đại, sáng tạo, dân chủ, tự do - môi trường sinh thái là “Thành phố trong vườn”, đảm bảo sự hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên và các không gian đô thị - nông thôn, văn hóa, thể thao, du lịch, công nghiệp, nông nghiệp sinh thái theo hướng phát triển bền vững, xanh.
PV