Chỉ thị siết chặt và tăng cường các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP.HCM
Tối 19/6, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã ban hành Chỉ thị số 10/CT-UBND về siết chặt và tăng cường các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP.HCM.
Nội dung chỉ thị nêu rõ, để nhanh chóng kiểm soát dịch Covid-19 trên địa bàn TP.HCM, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường, Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND TP.Thủ Đức và các quận huyện siết chặt và tăng cường thực hiện nghiêm các nội dung chỉ đạo của UBND TP.HCM và tăng cường thêm các biện pháp như: Dừng tất cả các loại hình kinh doanh dịch vụ không thiết yếu, dừng hoạt động các chợ tự phát;
Không tụ tập trên 3 người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tuân thủ triệt để quy tắc 5K của Bộ Y tế;
Thực hiện khoảng cách tối thiểu 1,5m giữa người với người tại các địa điểm công cộng; tăng cường xử lý nghiêm các hành vi vi phạm công tác phòng chống dịch Covid-19 của các cá nhân, tổ chức.
Mọi người dân chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, phân xưởng, xí nghiệp và các trường hợp khác do Sở Y tế hướng dẫn.
Tạm dừng hoạt động các chợ không truyền thống
Cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu để phục vụ người dân thành phố và nhà máy, phân xưởng, xí nghiệp được tiếp tục hoạt động nhưng phải đảm bảo khoảng cách an toàn giữa người lao động tối thiểu 1,5m, mang khẩu trang tại nơi làm việc, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn, đảm bảo không gian thông thoáng.
Người đứng đầu doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu trách nhiệm áp dụng các biện pháp phòng chống dịch tại đơn vị, cơ sở mình, đảm bảo sức khỏe, an toàn tuyệt đối cho người lao động.
UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các chợ truyền thống trên địa bàn; tạm dừng hoạt động các chợ truyền thống không đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch.
Dừng các hoạt động hội họp không cần thiết
Các cơ quan, đơn vị nhà nước đảm bảo yêu cầu về giãn cách trong quy trình làm việc; các công ty, doanh nghiệp, tập đoàn, bao gồm cả các công ty có vốn đầu tư nước ngoài hạn chế tối đa hoạt động trực tiếp, chuyển sang hình thức làm việc trực tuyến, chỉ đến trụ sở giải quyết các công việc thật sự cần thiết và tuân thủ tuyệt đối quy tắc 5K của Bộ Y tế.
Dừng các hoạt động hội họp không cần thiết.
Trong trường hợp cần thiết phải tổ chức các cuộc họp, sự kiện, đảm bảo không tập trung quá 10 người trong một phòng, ngoại trừ các cuộc họp đặc biệt quan trọng được chính quyền địa phương cho phép và phải tuân thủ tuyệt đối quy tắc 5K của Bộ Y tế.
Cách ly, phong tỏa cách ly khu vực nguy cơ cao
Thành phố sẽ thực hiện cách ly, phong tỏa đối với các khu vực có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao để kiểm soát tình hình dịch bệnh tại các địa phương.
Các cơ quan, đơn vị nhà nước tổ chức cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà, chỉ những trường hợp thật sự cần thiết như trực chiến đấu, trực chống dịch, trực cơ quan, cung ứng hàng hóa dịch vụ thiết yếu, xử lý tài liệu mật và các nhiệm vụ cần thiết khác theo yêu cầu mới đến làm việc tại công sở.
Đẩy mạnh việc giải quyết hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; tạm thời không nhận hồ sơ trực tiếp của người dân, doanh nghiệp.
Người đứng đầu chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND TP.HCM nếu không hoàn thành nhiệm vụ công tác và chịu trách nhiệm về việc cán bộ, nhân viên lây nhiễm dịch bệnh do không chấp hành nghiêm quy định phòng, chống dịch tại công sở.
Phấn đấu xét nghiệm 500.000 mẫu/ngày
Sở Y tế tăng cường năng lực xét nghiệm, trong đó tổ chức tầm soát lấy mẫu trên diện rộng tại các khu vực có nguy cơ cao, có trọng tâm, trọng điểm (khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao);
Phối hợp với các cơ quan y tế của thành phố và đơn vị Trung ương đóng trên địa bàn thành phố tổ chức xét nghiệm bằng nhiều biện pháp, phấn đấu thực hiện 500.000 mẫu/ngày.
Đẩy nhanh tiến độ triển khai kế hoạch tiêm chủng vaccine đảm bảo tiến độ, đối tượng và an toàn trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Sở Y tế chủ trì, phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông triển khai hệ thống quản lý công tác tiêm chủng vaccine Covid-19.
Đảm bảo lương thực, thực phẩm thiết yếu
Sở Công Thương đảm bảo cung ứng hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu cho nhân dân trong mọi tình huống; triển khai các hình thức đặt hàng trực tuyến, giao hàng tại nhà và giãn cách tập trung đông người khi mua sắm tại siêu thị.
Phối hợp Sở Y tế hướng dẫn cách thức xử lý, thực hiện khử trùng, sát khuẩn, cách ly và thay đổi các ca, nhóm làm việc, các điều kiện bắt buộc thực hiện đối với các địa điểm kinh doanh bị tạm ngừng hoạt động do liên quan các ca mắc để sớm đưa vào hoạt động trở lại bình thường.
Tạm dừng vận chuyển hành khách công cộng
Sở Giao thông vận tải triển khai việc tạm dừng hoạt động vận chuyển hành khách công cộng (đường bộ, đường thủy nội địa), hạn chế tối đa việc di chuyển của người dân.
Các trường hợp vận chuyển lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết, xe đưa đón công nhân, chuyên gia của các doanh nghiệp, chuyên chở nguyên vật liệu sản xuất vẫn hoạt động bình thường, nhưng phải đảm bảo công tác phòng chống dịch.
Phối hợp Liên đoàn Lao động TP.HCM hướng dẫn và giám sát việc đưa đón công nhân, người lao động tại các nhà máy, phân xưởng, xí nghiệp theo đúng khuyến cáo của ngành y tế.
Trong một diễn biến liên quan, tối cùng ngày, Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã thông báo về tổ chức hoạt động vận tải hành khách đường bộ và đường thủy đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP.HCM.
Theo đó, đối với hoạt động vận tải khách đường bộ bằng ô tô, TP.HCM tạm dừng hoạt động vận tải hành khách công cộng đường bộ trên địa bàn thành phố gồm: xe buýt, xe vận tải khách theo tuyến cố định liên tỉnh và xe trung chuyển, xe taxi (trừ các phương tiện được Sở Giao thông vận tải công bố hoạt động phục vụ vận chuyển người dân đi, đến bệnh viện, trung tâm y tế trong trường hợp cấp thiết), xe hợp đồng dưới 9 chỗ sử dụng phần mềm ứng dụng công nghệ kết nối với hành khách...
Các trường hợp được phép hoạt động phải đáp ứng theo Bộ tiêu chí đánh giá mức độ an toàn đối với hoạt động giao thông vận tải trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP.HCM.
Quyết tâm khống chế dịch trong tuần tới
Trước đó, trưa 19/6, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM tổ chức cuộc họp khẩn để thảo luận, triển khai phương án cấp bách trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên địa bàn.
Các đồng chí: Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM; Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM, chủ trì cuộc họp.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho rằng, cần cân nhắc mọi tình huống có thể xảy ra, chủ động xây dựng và triển khai một số biện pháp tương xứng, cụ thể, linh hoạt riêng của TP.HCM để phòng chống dịch trên địa bàn.
Trong đó, siết chặt công tác quản lý, kiểm tra, rà soát các biện pháp đang triển khai. Biện pháp phòng chống dịch hiệu quả hiện nay là vaccine + 5K + công nghệ.
Đồng thời, trước khi triển khai biện pháp mạnh hơn, TP.HCM cần công bố cho người dân biết và nắm bắt rõ các thông tin về cung ứng hàng hóa thiết yếu, lương thực, thực phẩm, giao thông đi lại… để chủ động trong sinh hoạt, làm việc, tránh việc người dân hoang mang, lo lắng và tích trữ không cần thiết.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, hiện nay, TP.HCM đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ với một số biện pháp tăng cường. Tuy nhiên, diễn biến của dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn đang rất phức tạp và có nhiều điểm mới khó lường.
“Cần siết chặt, nâng cao hơn mức độ của các biện pháp phòng, chống dịch đang triển khai là phù hợp với yêu cầu của tình hình hiện nay để có thể nhanh chóng kiểm soát và khống chế dịch bệnh, nhất là các chuỗi dịch chưa rõ nguồn lây”, đồng chí Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh và yêu cầu các quận huyện.
Phát biểu tại cuộc họp, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, toàn TP.HCM đã nỗ lực, thực hiện nhiều biện pháp nghiêm và về cơ bản đã kiểm soát được một số chuỗi lây nhiễm nhưng vẫn chưa khống chế được dịch bệnh.
Theo Bí thư Thành ủy TP.HCM, biện pháp căn cơ nhất vẫn là tiêm vaccine, nhưng để vaccine hoạt động hiệu quả cần có thời gian. Do đó, trước mắt vẫn cần tiếp tục tăng cường hiệu quả công tác truy vết, khoanh vùng, dập dịch triệt để và tầm soát diện rộng.
Đồng thời có biện pháp kiểm soát và giảm bớt dòng người đến TP.HCM. Nâng cao mức giãn cách xã hội tại TP.HCM; đối với những địa điểm, khu vực có thể đảm bảo an toàn với dịch bệnh thì thực hiện biện pháp nới lỏng hơn. Riêng hoạt động sản xuất, lưu thông hàng hóa chỉ hạn chế khi thật sự cần thiết, tránh việc đình trệ.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên yêu cầu các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm để tạo nề nếp, kỷ cương trong quá trình thực hiện phòng chống dịch bệnh. Quyết tâm trong 1 tuần tới, TP.HCM có thể khống chế được dịch bệnh.