Thứ bảy, 20/04/2024 12:18 (GMT+7)
Thứ sáu, 22/04/2022 08:00 (GMT+7)

Chấn chỉnh, thanh lọc thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Theo dõi KTMT trên

Liên tiếp nhiều doanh nghiệp gần đây bị xử lý vì bán chui trái phiếu đã cho thấy quyết tâm chấn chỉnh, thanh lọc và hoàn thiện thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Cùng với kênh tín dụng và cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp hiện đang đóng vai trò quan trọng trong việc huy động vốn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, một thị trường trong giai đoạn phát triển ban đầu không khỏi có những vấn đề phát sinh như gần đây, vốn đang được dư luận quan tâm.

3 năm qua, khối lượng phát hành bình quân của trái phiếu doanh nghiệp là 467.000 tỷ/năm, đặc biệt năm 2021 phát hành lên tới 630.000 tỷ.

Dù khối lượng và giá trị phát hành ngày một tăng, nhưng trái phiếu doanh nghiệp phát hành ra công chúng vẫn chiếm tỷ lệ khiêm tốn, chỉ khoảng 8%, còn lại 92% vẫn là trái phiếu phát hành riêng lẻ.

Chấn chỉnh, thanh lọc thị trường trái phiếu doanh nghiệp - Ảnh 1
Trái phiếu doanh nghiệp hiện đang đóng vai trò quan trọng trong việc huy động vốn cho doanh nghiệp. (Ảnh: VGP)

Một sản phẩm mà tất cả các thành phần đầu tư đều có thể tham gia, tỷ lệ lại hạn chế. Một sản phẩm chỉ nhà đầu tư chuyên nghiệp được tham gia lại đang chiếm tỷ lệ vượt trội.

Người không chuyên "biến" thành người chuyên nghiệp để tham gia đầu tư trái phiếu doanh nghiệp. Một số đơn vị bán trái phiếu sẵn sàng đứng ra thay nhà đầu tư.

"Nếu làm một giấy xác nhận nhà đầu tư chuyên nghiệp sẽ phải mất phí 5 triệu cơ", nhân viên tư vấn trái phiếu cho biết.

Chưa có tài khoản chứng khoán, cũng không cần đáp ứng các điều kiện như quy định, theo môi giới, chỉ cần mất phí vài triệu đồng là có giấy xác nhận nhà đầu tư chuyên nghiệp của công ty chứng khoán.

Hoàn thiện thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Trên đây là một phần thực trạng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Mặt khác, trong số các trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ, số lượng trái phiếu có chất lượng cao vẫn chiếm đa số, nhưng khi vụ việc 9 lô trái phiếu của Tập đoàn Tân Hoàng Minh bị hủy, nhiều người mới biết đã có không ít nhà đầu tư mua trái phiếu riêng lẻ với chất lượng thấp và thậm chí họ còn không phải là trái chủ chính thức, chỉ là ký hợp đồng ủy thác đầu tư.

Liên tiếp vài tháng qua, nhiều doanh nghiệp bị xử lý vì bán chui trái phiếu và sử dụng không rõ mục đích đã cho thấy quyết tâm chấn chỉnh, thanh lọc và hoàn thiện thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Những trường hợp vi phạm và các vấn đề liên quan đã được khu trú để đảm bảo quyền lợi nhà đầu tư cá nhân, cũng như giúp tránh tạo ra những tác động tiêu cực mang hiệu ứng "domino" đến các tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp nói chung.

"Chúng tôi đánh giá đó chỉ là những sự kiện mang tính chất nhỏ lẻ, chứ không phản ánh cả thị trường. Các nhà đầu tư nhỏ lẻ, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân cần lưu ý một số yếu tố: thứ nhất là cần nghiên cứu kỹ tình hình và năng lực của tổ chức phát hành, thứ hai là xem xét phương án kinh doanh" Phó Chủ tịch Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam Phạm Phương Lan cho hay.

Trong số các trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ, dù số có chất lượng cao vẫn chiếm đa số, nhưng để tránh tình trạng "vàng thau lẫn lộn", hiện nay Bộ Tài chính cũng đang lấy ý kiến sửa đổi Nghị định 153 để tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý về trái phiếu doanh nghiệp.

Bà Phan Thị Thu Hiền, Vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng và Các tổ chức tài chính, Bộ Tài chính, cho biết: "Hiện nay Bộ Tài chính đang lấy ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp về việc sửa đổi Nghị định 153, bên cạnh quy định điều kiện đối với các doanh nghiệp phát hành cần phải công bố công khai thông tin về mục đích sử dụng vốn. Thứ hai là tập trung phân loại nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp để phản ánh đúng tình hình thực tế hiện nay hơn".

Vai trò của đơn vị định mức tín nhiệm cũng cần được nhìn nhận rõ ràng hơn để thị trường trái phiếu doanh nghiệp có thêm một tấm gương soi chiếu sức khỏe doanh nghiệp phát hành. Nghị định 153 cũng đã quy định lộ trình định mức tín nhiệm bắt buộc với một số trường hợp phát hành trái phiếu ra công chúng từ 2023.

Bà Hiền cho hay, "Mục tiêu phát triển thị trường chứng khoán cũng đặt ra vị trí vai trò của tổ chức định mức tín nhiệm. Hiện nay trên thị trường mới có 2 công ty định mức tín nhiệm. Thời gian tới, khi lượng cung của định mức tín nhiệm đủ lớn thì yêu cầu bắt buộc xếp hạng".

Thời gian tới, sàn giao dịch tập trung cho trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ cũng sẽ được xây dựng, qua đó tăng cường thanh khoản và tính minh bạch cho thị trường.

Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Theo thông tin được biết, 3 năm qua, thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng với tốc độ ấn tượng hơn 30%/năm đã đưa quy mô thị trường này chiếm khoảng 15% GDP.

Các tổ chức quốc tế, vẫn còn nhiều dư địa phát triển, so với các nước trong khu vực như Malaysia (56% GDP), Singapore (38% GDP). Trái phiếu vẫn là kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế và cần được tăng trưởng cả chất và lượng trong thời gian tới.

Thủ tục để phát hành trái phiếu ra công chúng của Việt Nam vẫn khá phiền hà, mất từ 2-3 tháng. Trong khi đó, việc phát hành riêng lẻ lại hấp dẫn với các doanh nghiệp phát hành.

Ông Donald Lambert, Trưởng phòng Phát triển Khu vực Tư nhân, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), đánh giá: "Ở nhiều thị trường khác, số lượng nhà đầu tư được phát hành riêng lẻ bị giới hạn chỉ từ 5-10 nhà đầu tư. Ở Việt Nam, con số này lớn hơn rất nhiều. Do đó, muốn khuyến khích phát hành ra công chúng, hãy đơn giản hóa thủ tục, và ngược lại, giới hạn lại việc phát hành riêng lẻ".

Nếu mhìn xa hơn, một thị trường trái phiếu phát triển đòi hỏi hệ thống xếp hạng tín nhiệm. Tuy nhiên, ngược lại, để hình thành được văn hóa xếp hạng tín nhiệm, đòi hỏi trước tiên lại là một hệ sinh thái trái phiếu đủ lớn.

Ông Sing Chan Ng, Trưởng phòng Quản lý Quan hệ Kinh doanh Khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Fitch Ratings, nhận định: "Cần khuyến khích các tổ chức phát hành trái phiếu đứng ra xếp hạng tín nhiệm để làm điển hình về việc định giá trái phiếu và lợi ích mang lại so với những trái phiếu thiếu xếp hạng, từ đó khuấy động được sự quan tâm của thị trường. Bản thân nhà đầu tư cũng sẽ dần hình thành thói quen yêu cầu tổ chức phát hành phải có xếp hạng tín nhiệm cho trái phiếu của họ thì mới tham gia đầu tư".

Việt Nam mong muốn nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi, muốn xây dựng được trung tâm tài chính quốc tế thì phải nâng cấp, hoàn thiện các chuẩn mực chung, đạt chuẩn các doanh nghiệp cũng như hàng hóa trên thị trường chứng khoán.

Từ đó, đáp ứng được những chuẩn mực về công khai, minh bạch, độ an toàn cũng như yếu tố khác để xây dựng và phát triển thị trường tài chính ổn định, bền vững và hội nhập với thị trường tài chính tiền tệ trên thế giới.

PGS.TS, Đinh Trọng Thịnh, Chuyên gia kinh tế.

Bùi Hằng

Bạn đang đọc bài viết Chấn chỉnh, thanh lọc thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Petrovietnam kinh doanh ra sao trong quý I?
Trong quý I/2024, hầu hết các chỉ tiêu sản xuất của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đều hoàn thành vượt mức kế hoạch. Trong đó, khai thác dầu thô đạt 2,54 triệu tấn, vượt 19,4% .

Tin mới