Cao điểm thanh toán, giao dịch ATM lại nghẽn
Khi chỉ còn vài ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, tình trạng xếp hàng dài chờ rút tiền ở ATM tại các khu công nghiệp, máy ATM "nuốt" thẻ hay giao dịch tắc nghẽn… được "dịp" tái diễn.
Người lao động xếp hàng rút tiền tại cây ATM ở Khu công nghiệp Bắc Thăng Long, huyện Đông Anh (TP.Hà Nội). |
Dù các ngân hàng luôn triển khai những giải pháp "tiếp ứng" để bảo đảm hệ thống ATM hoạt động thông suốt, nhưng vẫn chưa có giải pháp thật sự hữu hiệu khắc phục triệt để tình trạng nêu trên, nhất là khi nhu cầu rút tiền tăng đột biến và dồn dập.
Nhiều ATM tạm ngừng giao dịch
Chị Bùi Thị Lan, sau một hồi loanh quanh tại các cây ATM của hai ngân hàng lớn trên phố Hàng Trống, ngày 21/1, đã phải ra về tay trắng vì không thể rút được tiền. "Năm nay vì hai kỳ nghỉ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán sát nhau, cơ quan cũng đã lường trước tình trạng khó rút tiền qua ATM cho nên đã chi trả thưởng Tết cho nhân viên bằng tiền mặt. Nhưng khổ nỗi, lương thì vẫn phải trả qua tài khoản cho nên để có thể chi tiêu thêm cho dịp Tết, tôi vẫn phải rút tiền. Nhưng rút qua ATM qua cả hai cây cùng và khác hệ thống đều không được, thật mất thời gian", chị Lan chia sẻ.
May mắn hơn chị Lan, chị Nguyễn Mai Hoa rút được 18 triệu đồng tại cây ATM của một ngân hàng trên phố Ðinh Tiên Hoàng sau khi thực hiện đến chín giao dịch. "Bình thường, mỗi lần rút tiền tôi đều có thể rút được tối đa 5 triệu đồng/giao dịch. Nhưng hôm nay khi tôi thao tác chọn số tiền 5 triệu đồng thì máy báo không thể thực hiện được giao dịch, kể cả khi hạ xuống 3,5 triệu đồng cũng vậy. Chỉ đến khi tôi chọn lệnh rút 2 triệu đồng thì mới có thể giao dịch thành công", chị Hoa cho biết.
Việc rút tiền ở trung tâm thành phố như vậy, tại các khu công nghiệp, khu đông dân cư thì tình trạng càng quá tải. Ði qua các điểm rút tiền thuộc Khu công nghiệp Quang Minh hay tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Hà Nội) những ngày cận Tết, thường xuyên bắt gặp tình trạng nhiều người đứng xếp hàng chờ đến lượt rút tiền. Tại đây, dù có rất nhiều cây ATM của các ngân hàng, nhưng vào giờ tan tầm vẫn thường xuyên có đông công nhân đứng xếp hàng. Theo chia sẻ của một công nhân làm việc tại đây, tình trạng nêu trên thường diễn ra vào khoảng ngày 10 hằng tháng vì đây cũng là thời điểm doanh nghiệp trả lương cho công nhân. Anh Nguyễn Tiến Thắng, nhân viên hành chính của một doanh nghiệp đóng trong Khu công nghiệp Bắc Thăng Long chia sẻ, hôm nay đã quá ngày nhận lương 5 đến 6 ngày rồi nhưng vẫn phải đứng chờ gần nửa giờ mới đến lượt mình rút tiền. Mà mỗi lần rút cũng được rất ít, nhiều nhất 3 triệu đồng/giao dịch cho nên rất mất thời gian.
Có thể nói, thời điểm cận Tết luôn là lúc nhu cầu giao dịch ngân hàng tăng cao đột biến, nhất là các giao dịch chuyển, rút tiền tại máy ATM, nhằm phục vụ nhu cầu chi tiêu, mua sắm của người dân. Mặc dù, hệ thống ngân hàng liên tục có những giải pháp nhằm bảo đảm ATM hoạt động thông suốt trong dịp Tết, nhưng thực tế hiện tượng quá tải khiến nhiều cây ATM không "nhả" tiền, hoặc "nhả" một cách nhỏ giọt, thậm chí "nuốt" thẻ của khách hàng vẫn xảy ra.
Ðẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt
Nhằm bảo đảm hoạt động thanh toán diễn ra an toàn, thông suốt, đúng quy định, phục vụ tốt nhu cầu thanh toán trong thời gian quyết toán năm 2019 và dịp Tết Nguyên đán 2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có văn bản yêu cầu các ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch cụ thể về hoạt động ATM dịp cuối năm, Tết Nguyên đán; chủ động làm việc với các doanh nghiệp để điều chỉnh thời gian trả lương hợp lý, xây dựng phương án dự phòng chi trả lương, thưởng Tết bằng tiền mặt; tuyên truyền, quảng bá, hướng dẫn khách hàng sử dụng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt phù hợp...
Theo Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, NHNN đã có những giải pháp bảo đảm cung ứng đủ tiền mặt cho lưu thông, với giá trị và cơ cấu các mệnh giá tiền hợp lý. Trong đó, với hệ thống ATM, NHNN yêu cầu các ngân hàng thương mại chủ động tiếp quỹ đầy đủ, kịp thời, có các biện pháp phù hợp nhằm giảm tải cho ATM, bảo đảm hoạt động của hệ thống ATM thông suốt, ổn định và an toàn.
Riêng đối với hệ thống các ngân hàng thương mại, ngay khi bắt đầu vào quý IV-2019, nhiều ngân hàng đã chủ động lên kế hoạch và triển khai những giải pháp nhằm bảo đảm cung ứng kịp thời lượng tiền mặt cũng như hoạt động thông suốt của hệ thống ATM trong dịp Tết. Lãnh đạo Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) cho biết, ngân hàng đã triển khai bảo trì và thay thế thiết bị cho các ATM trước đợt chi lương, thưởng Tết. Ðồng thời, trang bị phần mềm giám sát an ninh giao dịch trên ATM nhằm phát hiện kịp thời những giao dịch bất thường. Ðáng chú ý, riêng thời kỳ cao điểm trước Tết Nguyên đán, tại những khu vực tập trung nhiều nhà máy, doanh nghiệp, ngân hàng sẽ tăng cường xe tiếp quỹ nhiều lần trong ngày tùy thuộc vào nhu cầu của từng địa điểm.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) Lê Ðức Thọ cũng cho biết, toàn hệ thống VietinBank đã chuẩn bị nguồn lực để bảo đảm nhu cầu thanh toán của người dân trong dịp Tết, sẵn sàng trực, xử lý sự cố phát sinh. "Trong trường hợp cần chuyển, rút tiền,... chủ thẻ nên chọn các khu vực đặt nhiều máy ATM hoặc các máy ATM đặt tại trụ sở, phòng giao dịch của các ngân hàng. Bởi nếu xảy ra sự cố kỹ thuật, hay ATM hết tiền, việc tiếp quỹ sẽ được xử lý nhanh hơn. Ngoài ra, khách hàng cũng có thể lựa chọn nhiều hình thức thanh toán trực tuyến mà không nhất thiết phải rút tiền mặt từ ATM", ông Lê Ðức Thọ gợi ý.
Thực tế những năm gần đây, việc thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể. Thay vì giao dịch bằng tiền mặt, nhiều người đã thay đổi thói quen để sử dụng các phương thức thanh toán khác hiện đại và thuận tiện hơn, như thanh toán trực tuyến, qua mã QR, qua ví điện tử,…
Việc mở rộng các hình thức thanh toán như vậy được kỳ vọng sẽ phần nào giảm tải cho việc rút tiền mặt tại ATM. Tuy nhiên, đôi khi tình trạng nghẽn mạng vẫn xảy ra khi lựa chọn phương thức chuyển tiền trực tuyến. Thực tế ngay trong những ngày cận Tết, rất nhiều giao dịch thanh toán qua App (ứng dụng) của các ngân hàng đều bị báo lỗi, chưa kể nguy cơ có thể bị lừa đảo khi giao dịch trực tuyến luôn rình rập khách hàng. Về vấn đề này, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) Nguyễn Văn Lê cho rằng, các ngân hàng luôn tăng cường bảo mật, nhưng người dùng cũng cần nâng cao cảnh giác. Khi rút tiền tại máy ATM hay chuyển khoản trực tuyến, người dân cần thực hiện đúng yêu cầu về bảo mật, thường xuyên thay đổi mật khẩu, chọn rút tiền ở những khu vực an toàn, đông người qua lại; chọn mua sắm trực tuyến tại các trang web uy tín, để tránh bị đánh cắp tài khoản khi thực hiện giao dịch,...
Hồng Anh