Thứ bảy, 27/07/2024 06:29 (GMT+7)
Thứ hai, 09/08/2021 13:08 (GMT+7)

Cảnh báo khí thải CO2 toàn cầu tăng cao do nhiệt điện than

Theo dõi KTMT trên

Các chuyên gia năng lượng trên toàn thế giới đều thừa nhận than là nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm nhất. Khí thải CO2 từ các nhà máy nhiệt điện than được xem là “tòng phạm” gây hiệu ứng nhà kính, khiến nhiệt độ bầu khí quyển ngày càng gia tăng.

Thông qua các báo cáo đặc biệt của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (ICPP) hay những thông tin cập nhật về chính sách năng lượng của nhiều quốc gia trên thế giới, nhiệt điện than luôn được đề cập đến như một nguồn năng lượng sử dụng nhiên liệu hóa thạch gây phát thải khí nhà kính cần được cắt giảm.

Năm 2019, cựu thị trưởng New York và tỉ phú Michael Bloomberg cho biết sẽ đóng góp 500 triệu USD cho quá trình đóng cửa các nhà máy nhiệt điện than trên khắp nước Mỹ.

Tiêu thụ than ở Mỹ đạt đỉnh vào năm 2005 và tiếp tục duy trì mức khá ổn định cho đến thời điểm khủng hoảng tài chính năm 2008. Kể từ đó, tiêu thụ than của Mỹ bắt đầu giảm với tốc độ trung bình 5,1% hàng năm trong thập kỷ tiếp theo. Tiêu thụ than của Mỹ đã giảm thêm 14,6% trong năm 2019, và hiện thấp hơn 50,4% so với năm 2005.

Tiêu thụ than của Mỹ giảm mạnh là nguyên nhân chính khiến khí thải CO2 của Mỹ giảm mạnh trong thập kỷ qua. Tiêu thụ than trong các nhà máy điện đã được thay thế bằng khí đốt tự nhiên và năng lượng tái tạo, cả hai loại năng lượng này đều có lượng khí thải carbon thấp hơn nhiều.

Cảnh báo khí thải CO2 toàn cầu tăng cao do nhiệt điện than - Ảnh 1
Các chuyên gia năng lượng trên toàn thế giới đều thừa nhận than là nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm nhất. (Ảnh minh họa)

Theo Tổ chức Giám sát năng lượng toàn cầu, nửa đầu năm 2020, công suất điện than toàn cầu lần đầu tiên sụt giảm ở mức kỷ lục 2,9 Gigawatt (GW) trong bối cảnh ngày càng nhiều nhà máy dừng hoạt động và đại dịch Covid-19 khiến việc triển khai các dự án mới bị ngưng trệ.

Liên Hợp Quốc (UN) đã kêu gọi các quốc gia thành viên ra lệnh cấm xây dựng nhà máy điện than mới vào năm 2020 nhằm đạt được các mục tiêu trong Hiệp định khí hậu Paris. Tuy nhiên, các nhà máy với công suất khoảng 190 GW vẫn đang được xây dựng trên thế giới và 331,9 GW khác đang trong giai đoạn lập kế hoạch tiền xây dựng.

Từ nay đến 2030, sản xuất điện than toàn cầu cần tiếp tục giảm 50% - 75% so với dưới mức hiện tại để hạn chế nhiệt độ trái đất ấm lên ở mức dưới 2°C, theo phân tích của GEM dựa trên các kịch bản của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) trong báo cáo SR1.5.

Theo GEM, tốc độ xây dựng nhà máy điện than tại châu Á đang giảm dần, khi các quốc gia như Bangladesh và Việt Nam cân nhắc hạn chế hoặc trì hoãn các dự án mới. Báo cáo của GEM dẫn nghiên cứu của Đại học Maryland cho thấy việc ồ ạt mở các nhà máy điện than tại Trung Quốc có thể làm trầm trọng tình trạng thừa cung.

Việc đầu tư vào nhiệt điện than sẽ không còn hấp dẫn nữa bởi theo các chuyên gia Carbon Tracker, thời gian thu hồi vốn cho các khoản đầu tư vào điện than thường trong khoảng từ 15 đến 20 năm và “các khoản đầu tư này có tính rủi ro cao bởi đốt than để tạo ra điện khó có thể là một lựa chọn có chi phí thấp nhất trước khi hoàn vốn”.

Theo báo cáo trước đó của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (IPCC), nếu các nước thực hiện nghiêm túc lộ trình giảm 50% lượng khí CO2 vào năm 2030, và xuống mức 0% đến năm 2050 cùng cam kết không có thêm khí phát thải mới thì mới có thể kiềm chế được mức tăng nhiệt độ Trái Đất ở ngưỡng an toàn 1,5 độ C.

Nguyễn Luận (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Cảnh báo khí thải CO2 toàn cầu tăng cao do nhiệt điện than. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

An Giang sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống thiên tai
Từ tháng 7 đến tháng 12 năm nay, An Giang dự báo lượng mưa cao hơn trung bình hàng năm. Mùa mưa có thể kéo dài, gây nguy cơ ngập lụt cao. Do đó, tỉnh sẽ tăng cường cảnh báo và chủ động ứng phó trước tình hình phức tạp này .

Tin mới

LỜI ĐIẾU đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Cổng Thông tin điện tử Chính phủ trân trọng giới thiệu toàn văn Lời điếu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng do đồng chí Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Trưởng Ban Lễ tang đọc tại Lễ Truy điệu ngày 26/7/2024.
Thực hành ESG: Không dễ để triển khai!
Dù các doanh nghiệp Việt Nam nhận thức được tầm quan trọng của bộ tiêu chuẩn đo lường các yếu tố liên quan đến định hướng chiến lược và hoạt động phát triển bền vững (ESG) nhưng thực tiễn thực hành lại đang gặp nhiều khó khăn.