Thứ ba, 23/04/2024 18:58 (GMT+7)
Thứ năm, 24/02/2022 15:08 (GMT+7)

Căng thẳng Nga-Ukraine đang tác động mạnh mẽ đến thị trường giá vàng, dầu và chứng khoán

Theo dõi KTMT trên

Ngay sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố mở "chiến dịch quân sự đặc biệt", hàng loạt thị trường chứng khoán lớn lao dốc không phanh, giá dầu đã vượt mốc 100 USD/thùng, giá vàng thế giới cũng bật tăng 0,39% lên 1.915 USD/ounce.

Chỉ vài giờ trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố mở "chiến dịch quân sự đặc biệt" nhằm vào miền đông Ukraine, với lý do đáp lại yêu cầu giúp đỡ từ "Cộng hòa Nhân dân Donbass" và "Cộng hòa Nhân dân Lugansk", hai nước tự xưng của lực lượng ly khai tại đây với mục tiêu "nhằm bảo vệ người dân miền đông Ukraine", đồng thời, cảnh báo các nước khác rằng bất kỳ nỗ lực nào can thiệp vào hành động của Nga sẽ dẫn đến "hậu quả mà họ chưa từng thấy".

Tổng thống Mỹ Joe Biden sau đó, vào tối 23/2 (theo giờ Mỹ), đã ra tuyên bố lên án Nga tấn công Ukraine và nhấn mạnh Nga phải chịu trách nhiệm về sự chết chóc và tàn phá do cuộc tấn công gây ra. Tổng thống Biden cũng cho biết sẽ gặp các đối tác G7 và phát biểu với người dân Mỹ vào sáng ngày 24/2 (theo giờ Mỹ). Mỹ cũng sẽ phối hợp với các đồng minh NATO để đảm bảo các biện pháp ứng phó thống nhất và mạnh mẽ nhằm răn đe bất kỳ hành động gây hấn nào chống lại liên minh.

Tuyên bố của Nga ngay sau đó đã tác động mạnh mẽ đến thị trường hàng hóa, thị trường tài chính cũng bị "chao đảo" bởi diễn tiến mới trong cuộc khủng hoảng Ukraine.

Tài chính toàn cầu đỏ lửa

Sắc đỏ đã bao trùm lên các thị trường chứng khoán. Chỉ số tại nhiều sàn chứng khoán bốc hơi 2-3% như New Zealand (-3,3%), Ấn Độ (-3,15%), Hồng Kông (-2,93%) hay chỉ số Nikkei 225 (Nhật Bản) và Kospi (Hàn Quốc) lần lượt giảm 1,91% và 2,35%. hợp đồng tương lai Dow Jones giảm 719 điểm (tương đương 2.2%), còn hợp đồng S&P 500 hạ 2.1% và Nasdaq 100 sụt 2.5%. Chứng khoán Việt Nam không nằm ngoài diễn biến chung. Dù giao dịch đi ngang ở nửa đầu phiên sáng, diễn tiến mới của cuộc khủng hoảng Ukraine đã kéo cả ba chỉ số giảm sâu. VN-Index từng có thời điểm giảm 18 điểm xuống còn 1.494 điểm. Dù phục hồi nhẹ, chỉ số sàn HoSE tạm kết phiên sáng vẫn giảm gần 15 điểm (-0,97%). HNX-Index giảm sâu nhất (-1,36%) xuống 436,5 điểm. UPCoM-Index giảm hơn 1% về 112,34 điểm.

Số cổ phiếu giữ được sắc xanh khá hiếm hoi. Trên cả ba sàn, số lượng mã tăng và tăng trần chỉ hơn 210 mã chứng khoán, trong khi đó, có tới 679 mã giảm và 9 mã giảm kịch sàn. Sắc xanh chủ yếu đến từ nhóm dầu khí, phân bón. Trong đó, GAS và PVS là hai đầu tàu góp nhiều điểm tăng nhất cho VN-Index và HNX-Index.

Căng thẳng Nga-Ukraine đang tác động mạnh mẽ đến thị trường giá vàng, dầu và chứng khoán - Ảnh 1
Thị trường chứng khoán đỏ lửa sau tuyên bố của Nga.

Nhiều cổ phiếu họ P tăng kịch biên độ như PVB, PVC. Ở lĩnh vực phân phối xăng dầu, PLX và OIL lần lượt tăng 3,5% và 4,6%. Cổ phiếu phân bón hóa chất như LAS, DCM, DPM hay DGC tiếp tục duy trì đà tăng.

Đáng chú ý là thanh khoản đã vọt tăng mạnh trong sáng nay (24/2). Chỉ trong phiên giao dịch sáng, đã có hơn 750 triệu đơn vị cổ phiếu được chuyển nhượng với giá trị giao dịch đạt 22.207 tỷ đồng. Dòng tiền sôi động nhất ở thời điểm VN-Index xuống dưới ngưỡng 1.495 điểm. Bất chấp các lệnh bán tháo, lực cầu cũng gia nhập đón mua các cổ phiếu giá thấp. Nhóm các nhà đầu tư ngoại giao dịch khá sôi động phiên sáng và đang lệch nhiều hơn về bên bán với giá trị bán ròng sáng nay đạt hơn 127 tỷ đồng. Riêng trên sàn HoSE, khối ngoại bán ra 978 tỷ đồng, trong khi giải ngân thêm 854 tỷ đồng. Cổ phiếu KDC đang được mua ròng mạnh (164 tỷ đồng). Trong khi ở chiều bán ra, các nhà đầu tư nước ngoài tập trung ở cổ phiếu HDB (-119 tỷ đồng), HPG (-62 tỷ đồng) hay CTG (-42 tỷ đồng)…

Vàng chạm mốc kỷ lục

Tính tới 8h30 sáng 24/2 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao ngay đứng quanh ngưỡng 1.913,5 USD/ounce, tăng 18,5 USD/ounce so với đêm qua. Giá vàng giao tương lai tháng 4 trên sàn Comex New York ở mức 1.915,7 USD/ounce, tăng 20,7 USD/ounce so với đêm qua.

Đêm 23/2 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao ngay đứng quanh ngưỡng 1.894 USD/ounce. Vàng giao tháng 4 trên sàn Comex New York ở mức 1.895 USD/ounce.

Giá vàng động mạnh trong bối cảnh căng thẳng Nga - Ukraine chưa lắng dịu và giới đầu tư tìm kiếm xu hướng của mặt hàng kim loại quý. Trong bối cảnh tâm lý e ngại rủi ro bao trùm, vàng với vai trò như một nơi trú ẩn tài sản an toàn ngày càng tỏ ra có sức hấp dẫn. Giá quý kim hiện vẫn đang đứng vững trong vùng giá cao nhất trong vòng hơn 8 tháng qua.

Nhà đầu tư ngoài mua vàng vì rủi ro địa chính trị còn lựa chọn kim loại quý để phòng ngừa lạm phát do giá năng lượng tăng vọt.

Giá vàng năm 2022 được dự đoán sẽ theo xu hướng tăng, có thể đạt ngưỡng 1.940 USD/ounce vào cuối năm.

Căng thẳng Nga-Ukraine đang tác động mạnh mẽ đến thị trường giá vàng, dầu và chứng khoán - Ảnh 2
Giá vàng thế giới cũng bật tăng 0,39% lên 1.915 USD/ounce - gần mức cao kỷ lục trong 9 tháng qua.

Trong khi đó, tại thị trường trong nước ghi nhận tại thời điểm 13h40, giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 64,2 - 64,92 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 900.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 1 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra so với cuối phiên hôm qua.

Tại Công ty Vàng bạc đá quý Phú Quý giá vàng SJC tăng 950.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 1,15 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua, niêm yết ở mức 64,2 - 64,9 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Công ty cổ phần Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng ở mức 64,1 – 64,9 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), tăng 900.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 1 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra so với cuối phiên hôm qua.

Giá dầu Brent vượt 100 USD

Giá dầu Brent Biển Bắc đã ghi nhận các mức cao chưa từng thấy trong gần 8 năm qua trong phiên 24/2, khi những lo ngại lâu nay về khả năng xung đột quân sự liên quan tới Nga và Ukraine đã trở thành sự thực.

Giá dầu Brent đã có thời điểm chạm mức 101,34 USD/thùng vào đầu phiên giao dịch hôm nay trên thị trường châu Á. Đây là mức cao nhất kể từ tháng 9/2014, trước khi giá dầu Brent giảm nhẹ xuống còn 101,20 USD/thùng vào lúc 11 giờ 23 theo giờ Việt Nam, tăng 4,36 US, hay 4,5% so với phiên trước.

Trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 4,22 USD, hay 4,6%, lên 96,32 USD/thùng, sau khi có thời điểm tăng lên đến 96,51 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 8/2014.

Nga là nước sản xuất dầu lớn thứ hai thế giới và chủ yếu bán dầu thô cho các công ty lọc dầu châu Âu. Nước này cũng là nhà cung cấp khi tự nhiên lớn nhất cho châu Âu, khoảng 35% nguồn cung khí đốt cho “lục địa già."

Ông Warren Patterson, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu hàng hóa của tập đoàn ngân hàng và dịch vụ tài chính ING (Hà Lan), cho biết việc Nga tuyến bố mở chiến dịch quân sự đặc biệt liên quan tới Ukraine đã đẩy giá dầu Brent lên ngưỡng 100 USD/thùng, và thị trường “vàng đen” sẽ “thấp thỏm” chờ đợi xem các nước phương Tây sẽ có hành động gì đối với Nga.

Theo ông, sự bất ổn này gia tăng vào đúng thời điểm khi thị trường dầu đã thắt chặt từ trước đó càng khiến cho thị trường này dễ bị tổn thương hơn nữa, và vì thế giá dầu có thể sẽ vẫn biến động và tiếp tục xu hướng đi lên.

Hà Lan (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Căng thẳng Nga-Ukraine đang tác động mạnh mẽ đến thị trường giá vàng, dầu và chứng khoán. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Các ngân hàng đặt mục tiêu cao trong năm 2024
Vừa qua, một số ngân hàng đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) với nhiều kế hoạch đáng chú ý liên quan đến việc tái cơ cấu, đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng vốn điều lệ.
Petrovietnam kinh doanh ra sao trong quý I?
Trong quý I/2024, hầu hết các chỉ tiêu sản xuất của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đều hoàn thành vượt mức kế hoạch. Trong đó, khai thác dầu thô đạt 2,54 triệu tấn, vượt 19,4% .

Tin mới

Hà Tĩnh khai mạc lễ hội du lịch biển năm 2024
Tối 21/4, tại quảng trường Hồ Tùng Mậu (Khu du lịch Thiên Cầm, Cẩm Xuyên), UBND tỉnh Hà Tĩnh đã long trọng tổ chức khai mạc lễ hội du lịch biển năm 2024 với chủ đề “Hà Tĩnh – Thanh âm ngày nắng mới”.