Cần Thơ ưu tiên triển khai 60 dự án hạ tầng giao thông để phát triển kinh tế- xã hội
Ngày 13/5 vừa qua, UBND TP. Cần Thơ đã ban hành Kế hoạch số 99 về phát triển hạ tầng giao thông, logistics giai đoạn 2021-2025 và định hướng giai đoạn 2026–2030. Kế hoạch này sẽ góp phần giúp TP thực hiện hiệu quả Đề án số 06 của Thành ủy TP Cần Thơ.
Nhằm đưa Thành phố Cần Thơ (TP. Cần Thơ) trở thành trung tâm kinh tế -xã hội của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Nghị quyết số 98/NQ-CP ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 59-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo đó, chương trình hành động của Chính phủ đặt ra nhiều nhiệm vụ và giải pháp quan trọng để tập trung cho phát triển TP. Cần Thơ. Đáng chú ý là các giải pháp phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội cho TP. Cần Thơ và cả khu vực miền Tây nam bộ, đặc biệt đề ra nhiệm vụ xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối vùng, liên vùng lên hàng đầu.
Thực hiện theo kế hoạch, trong giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng giai đoạn 2026 - 2030 về lĩnh vực hạ tầng giao thông, trên địa bàn TP. Cần Thơ sẽ có 60 dự án được ưu tiên triển khai từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn xã hội hóa và các nguồn vốn huy động khác. Các dự án này tùy theo phân cấp sẽ do Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Sở GTVT, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố, UBND quận Ninh Kiều chủ trì triển khai thực hiện.
Trong đó nhiều dự án có tầm quan trọng đặc biệt trong việc liên kết vùng, phát triển kinh tế - xã hội như Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau (đoạn qua địa bàn Cần Thơ khoảng 1,2 km) với tổng kinh phí đầu tư hơn 27.250 tỉ đồng, dự kiến khởi công tháng 11/2022 và hoàn thành khoảng cuối năm 2025.
Tiếp đó là Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (đoạn qua Cần Thơ khoảng 38 km), dự kiến có thể khởi công năm 2023, nhưng phải tới năm 2025 cơ bản hoàn thành nền đường, năm 2026 cơ bản hoàn thành dự án. Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án sẽ khoảng 44.691 tỉ đồng.
Theo đó, Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng sẽ được Bộ GTVT đã phân chia nhỏ dự án này thành 4 dự án thành phần gồm: Dự án thành phần 1: dài 57,2km từ thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang đến huyện Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 13.799 tỉ đồng.
Dự án thành phần 2: dài 37,2km từ huyện Vĩnh Thạnh đến huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 9.845 tỉ đồng.
Dự án thành phần 3: dài 36,9km từ huyện Châu Thành A đến huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 9.927 tỉ đồng.
Dự án thành phần 4: dài 56,9km từ huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang đến huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng, thuộc địa bàn tỉnh Hậu Giang và tỉnh Sóc Trăng, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 11.120 tỉ đồng.
Ngoài ra, còn các dự án đáng chú ý như: Dự án đầu tư QL91 (đoạn km0 - km7), tuyến nối QL91 và tuyến tránh TP. Long Xuyên, đường Nam Sông Hậu (đoạn qua Cần Thơ khoảng 8 km), QL61C (đoạn qua TP. Cần Thơ khoảng 10 km), đường vành đai phía tây TP. Cần Thơ (nối QL91 và QL61C), phát triển hành lang đường thủy và logistics khu vực phía Nam.
Bên cạnh đó, UBND TP. Cần Thơ cũng thực hiện hoàn chỉnh giai đoạn 2 luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu (tổng mức đầu tư 2.596 tỷ đồng), xây dựng hoàn chỉnh cảng hàng không quốc tế Cần Thơ theo quy hoạch và mở rộng thêm diện tích khoảng 340 ha, cầu và đường dẫn vào cầu Cần Thơ 2 (thuộc tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau), đường sắt TP.HCM – TP. Cần Thơ…
Riêng lĩnh vực logistics, giai đoạn 2021 - 2025 có dự án xây dựng trung tâm logistics gắn với cảng Cái Cui (diện tích tối thiểu 50 ha, năng lực hàng hóa thông qua 8 triệu tấn/năm), dự án xây dựng trung tâm logistics gắn với cảng hàng không quốc tế Cần Thơ (diện tích tối thiểu 30 ha, năng lực hàng hóa thông qua 250.000 tấn/năm).
Giai đoạn 2026 - 2030 sẽ có dự án xây dựng hoàn chỉnh trung tâm logistics gắn với cảng Cái Cui theo quy hoạch trung tâm logistics hạng II (tổng diện tích 242,2 ha, năng lực hàng hóa thông qua 25 triệu tấn/năm), dự án xây dựng hoàn chỉnh trung tâm logistics gắn với cảng hàng không quốc tế Cần Thơ (diện tích tối thiểu 100 ha, năng lực hàng hóa thông qua 1 triệu tấn/năm).
Để thực hiện các dự án hạ tầng giao thông triên địa bàn, UBND TP. Cần Thơ đã giao Sở KH-ĐT, Sở Tài chính, Sở GTVT, Sở Xây, Sở TN-MT, Sở Công thương chủ trì, phối hợp với các sở ban ngành thành phố, UBND quận huyện ưu tiên tập trung bố trí 100% vốn ngân sách hoặc tối thiểu 50% vốn ngân sách (nếu dự án đầu tư theo hình thức PPP) để đầu tư xây dựng và hoàn thành dự án đúng lộ trình đã đề ra.
Huỳnh Huỳnh