Chủ nhật, 22/12/2024 08:31 (GMT+7)
Chủ nhật, 12/07/2020 06:54 (GMT+7)

Căn hộ diện tích nhỏ ở TP.HCM đang gây tranh cãi

Theo dõi KTMT trên

Mặc dù nhu cầu lớn, nhưng nếu quy hoạch không tốt, việc phát triển căn hộ diện tích nhỏ có nguy cơ hình thành “khu ổ chuột trên cao”.

Sau giãn cách vì dịch Covid-19, nhu cầu tìm kiếm căn hộ diện tích nhỏ, giá thấp có chiều hướng tăng. Tuy đáp ứng được nhu cầu của một bộ phận người dân, nhưng căn hộ diện tích nhỏ vẫn còn gây tranh cãi vì nguy cơ quá tải hạ tầng, hình thành khu “ổ chuột trên cao”.

Không nên cấm hoàn toàn

Theo báo cáo thị trường bất động sản quý 2/2020 của trang batdongsan.com.vn, tại TP.HCM có 4 dự án chung cư mở bán mới. Mức độ quan tâm của người dân đối với các dự án phân khúc bình dân tăng 33% so với quý 1/2020. Trong đó, căn hộ diện tích nhỏ dưới 45 m2 được tìm kiếm nhiều hơn sau giãn cách vì dịch Covid-19, lượng tìm kiếm tăng hơn 200% tính từ tháng 2/2020 đến nay.

Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc của batdongsan.com.vn cho biết, nhu cầu tìm kiếm căn hộ diện tích nhỏ gia tăng phản ánh xu hướng ngày càng có nhiều người trẻ độc thân, gia đình trẻ muốn ra ở riêng và có nhu cầu sở hữu căn hộ nhỏ, vừa túi tiền hơn. Điều này sẽ thúc đẩy sự gia tăng về nguồn cung để đáp ứng nhu cầu.

Căn hộ diện tích nhỏ ở TP.HCM đang gây tranh cãi - Ảnh 1
Căn hộ diện tích nhỏ có nguy cơ hình thành "khu ổ chuột trên cao".

Tuy nhiên, nếu quy hoạch không tốt, việc phát triển căn hộ diện tích nhỏ có nguy cơ hình thành “khu ổ chuột trên cao”. Việc quản lý an toàn phòng cháy chữa cháy, cũng như tránh tình trạng xây dựng tự phát cũng là bài toán khó. Do đó, ông Quốc Anh kiến nghị cần tạo ra hành lang pháp lý để kiểm soát chặt nhưng vẫn đáp ứng được nhu cầu của thị trường, chứ không nên cấm hoàn toàn.

“Về mặt cơ chế chính sách của Nhà nước, có thể hỗ trợ các chủ đầu tư về mặt thuế, phí… để họ phát triển nhà diện tích nhỏ nhiều hơn. Bởi sau dịch Covid-19, rất nhiều người tiêu dùng bị ảnh hưởng về kinh tế, người ta cần những căn hộ để ở phù hợp với nhu cầu thực tiễn hơn”, ông Anh đề xuất.

Chỉ phù hợp ở vùng ven

Khảo sát về thị trường bất động sản của công ty DKRA Vietnam cho thấy, trong năm 2019, tỉ lệ căn hộ hạng C (nhà ở diện tích dưới 50m2) trong mỗi dự án chỉ chiếm trung bình khoảng 22% - 35%. Bên cạnh đó, các loại hình nhà trọ, căn hộ studio, căn hộ chung cư cũ, officetel…có diện tích nhỏ đang tồn tại phổ biến cho thấy nhu cầu thực sự của thị trường. Đây là phân khúc luôn thu hút sự quan tâm của đối tượng mua để ở, có mức tài chính giới hạn.

Ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc bộ phận Nghiên cứu và Phát triển, công ty DKRA Vietnam cho rằng, cho phép phát triển căn hộ diện tích nhỏ làm nảy sinh nhiều vấn đề. Thứ nhất là việc quản lý thế nào để đảm bảo sau khi mua, những căn hộ diện tích nhỏ không phát sinh thêm người ở, làm gia tăng mật độ dân số, gây quá tải hạ tầng. Thứ hai là căn hộ diện tích nhỏ phù hợp phát triển ở một số khu vực nhất định như vùng ven, nơi gần các khu công nghiệp, trường đại học.

Ở những khu vực này, căn hộ diện tích nhỏ phù hợp để cho thuê, không nên làm tràn lan để bán. Còn khu vực trung tâm TP.HCM, quỹ đất chật hẹp, giá đắt thì loại hình căn hộ này hoàn toàn không phù hợp.

Ông Nguyễn Hoàng đề xuất Nhà nước nên tập trung vào chương trình nhà ở xã hội, kèm theo phát triển tiện ích, điều kiện sống tốt hơn mới giải quyết được nhu cầu nhà ở về lâu dài và bền vững.

“Chung cư, nhà ở xã hội ở một khu có diện tích nhỏ, vài ha cần được quy hoạch rõ ràng, đồng bộ, có thể hơi xa trung tâm một chút, cách chừng 10 – 15km nhưng sẽ rẻ mà vẫn đầy đủ tiện ích phục vụ. Còn hơn vào ở một chung cư đông đúc người ra vào, chỗ để xe chật chội”, ông Hoàng nêu quan điểm.

Từ kết quả khảo sát của các đơn vị, có thể thấy nhu cầu của người dân đối với nhà ở diện tích nhỏ, giá thấp là rất lớn. Do đó, vai trò của Nhà nước là có quy hoạch đô thị bài bản, rõ ràng, có tầm nhìn để tạo nguồn quỹ đất phát triển nhà ở. Đồng thời, tăng cường quản lý, kiểm soát để việc phát triển căn hộ loại này tuân thủ quy hoạch.

Duy Phương

Bạn đang đọc bài viết Căn hộ diện tích nhỏ ở TP.HCM đang gây tranh cãi. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới