Thứ năm, 25/04/2024 03:57 (GMT+7)
Thứ hai, 31/10/2022 14:33 (GMT+7)

Cần chú trọng, nâng cao giá trị sản phẩm ngành nông nghiệp để phục vụ xuất khẩu

Theo dõi KTMT trên

Từ một nước phải nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi, đến nay, thịt gà, trứng, sữa... của Việt Nam đã có mặt tại nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam, còn rất nhiều việc phải làm.

Trong những năm qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các tỉnh, thành phố trên cả nước đã chỉ đạo tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, cơ bản đã kiểm soát tốt các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi, dịch bệnh truyền lây sang người ở phạm vi cả nước nói chung, tạo thuận lợi cho chăn nuôi phát triển, bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu.

Theo lũy kế từ năm 2016 đến nay, cả nước đã xây dựng được 2.394 vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh tại 55 tỉnh, thành phố. Hiện nay, cả nước có 2.210 vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh tại 55 tỉnh, thành phố với 4.125 lượt chứng nhận an toàn dịch bệnh đối với 20 bệnh, gồm: 1.687 lượt chứng nhận cơ sở, vùng chăn nuôi gia cầm an toàn dịch bệnh; 2.386 lượt chứng nhận cơ sở, vùng chăn nuôi heo an toàn dịch bệnh; 52 lượt chứng nhận cơ sở, vùng chăn nuôi gia súc khác.

Cần chú trọng, nâng cao giá trị sản phẩm ngành nông nghiệp để phục vụ xuất khẩu - Ảnh 1

Ngành nông nghiệp cũng đã đàm phán thành công về thú y để được phép xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật sang trên 40 quốc gia, vùng lãnh thổ, giá trị xuất khẩu hơn 430 triệu USD. Đặc biệt các sản phẩm thịt gà chế biến chín đã được xuất khẩu sang 7 quốc gia, vùng lãnh thổ (bao gồm: Nhật Bản, Hong Kong (Trung Quốc), Liên bang Nga và 5 nước Liên minh Á Âu); trung bình mỗi năm Việt Nam xuất khẩu được khoảng 4.500 tấn.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Thời gian qua Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm đến phát triển chăn nuôi và công tác phòng, chống dịch bệnh động vật.

Cụ thể, Quốc hội đã thông qua Luật Thú y, Luật Chăn nuôi và nhiều nghị quyết có nội dung liên quan đến xây dựng chuỗi, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt: Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045; 5 chương trình, kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh Cúm gia cầm, Lở mồm long móng, Dịch tả lợn châu Phi,… Tại các văn bản này, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo ngành nông nghiệp phối hợp với các địa phương và các doanh nghiệp đẩy mạnh tổ chức triển khai thực hiện, phấn đấu đến năm 2030, cả nước có thêm ít nhất 30 vùng (cấp huyện, cấp tỉnh) chăn nuôi gia cầm, lợn, trâu, bò an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới để phục vụ xuất khẩu.

Đây là mục tiêu hoàn toàn khả thi nếu có sự quyết tâm, đồng lòng, chung tay, chung sức của các doanh nghiệp, các địa phương và của các bộ, ngành liên quan. Đặc biệt, các tỉnh, thành phố phải nhận thức đúng về chủ trương, chiến lược, đầu tư đúng mức để xây dựng chuỗi, vùng an toàn dịch bệnh động vật phục vụ xuất khẩu, nâng cao giá trị của ngành chăn nuôi trong cơ cấu nền nông nghiệp.

Tình hình xuất, nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi hiện nay

Hiện nay tốc độ nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi tăng cao hơn rất nhiều mức tăng của sản xuất trong nước. Theo số liệu của Hội Chăn nuôi Việt Nam cung cấp: Thịt lợn và các sản phẩm lợn thịt nhập khẩu tăng rất nhanh, nếu chưa tính số lượng lợn sống nhập khẩu về giết thịt của năm 2020, thì thịt lợn và các sản phẩm của lò mổ, như chân giò, nội tạng nhập khẩu đã tăng trên 16,34 lần năm 2017 so với năm 2021. Trong khi đó, mặt hàng thịt lợn vẫn đang có thuế nhập khẩu cao, trên 20%. Đây là vấn đề đáng báo động đối với ngành chăn nuôi nước ta - một nước có ngành chăn nuôi lợn thuộc top 10 thế giới, có thị phần chiếm trên 65% các sản phẩm chăn nuôi trong nước.

Thịt gia cầm và các sản phẩm gia cầm (chân, đầu, cổ, cánh) nhập khẩu tiếp tục tăng đều và tăng nhanh trong giai đoạn 2017 - 2022. Với mức tăng trên trên 214,63% trong 5 năm qua, cũng là con số rất đáng quan ngại, vì số lượng sản phẩm sản phẩm thịt gia cầm nhập khẩu đã chiếm khoảng 20% sản phẩm thịt gia cầm trong nước. Trong khi đó, mặt hàng thịt gia cầm vẫn còn trong nhóm mặt hàng chịu thuế nhập khẩu cao trên 20%, và sẽ về mức 0% sau 5 năm tới.

Sản phẩm gia súc ăn cỏ nhập khẩu liên tục tăng nhanh và chiếm tỷ trọng lớn so với các sản phẩm trong nước: Mức tăng của việc nhập khẩu bò sống về nuôi vỗ béo giết thịt trong giai đoạn 2017 - 2021 là trên 230,755, tương tự với mức tăng của thịt và phủ tạng trâu, bò, dê, cừu nhập khẩu là 255,89%.

Theo con số thống kê trên, nếu quy đổi theo khối lượng thịt hơi (tỉ lệ thịt xẻ tính chung cho các loại vật nuôi trong nhóm này là 45%), thì hàng năm Việt Nam đang nhập khẩu khoảng 364.539 tấn thịt hơi các loại gia súc ăn cỏ (Chủ yếu là bò thịt) bằng 77,11% so với tổng các loại gia súc ăn cỏ sản xuất trong nước. Rõ ràng, hiện nay Việt Nam đang là nước nhập khẩu nhiều nhất sản phẩm gia súc ăn cỏ, cụ thể là nhập khẩu bò thịt.

Còn theo Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương: Nếu chỉ tính 6 tháng đầu năm 2022, Việt Nam nhập khẩu 289,37 nghìn tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, trị giá 648,51 triệu USD từ 47 thị trường trên thế giới.  Trong đó, 45,18 nghìn tấn thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh, trị giá 95,92 triệu USD, từ 22 thị trường. Cũng trong 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi rất khiêm tốn, theo Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2022, Việt Nam xuất khẩu 8,59 nghìn tấn thịt và các sản phẩm thịt, trị giá 34,69 triệu USD.

Hải Anh

Bạn đang đọc bài viết Cần chú trọng, nâng cao giá trị sản phẩm ngành nông nghiệp để phục vụ xuất khẩu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới