Thứ sáu, 22/11/2024 14:24 (GMT+7)
Thứ tư, 20/07/2022 10:55 (GMT+7)

Các dự án giao thông trọng điểm tại ĐBSCL đứng trước nguy cơ thiếu cát

Theo dõi KTMT trên

Do nguồn vật liệu cát khan hiếm, nhiều dự án giao thông trọng điểm tại khu vực ĐBSCL đứng trước nguy cơ chậm tiến độ hoàn thành theo dự kiến.

Hiện hữu nguy cơ thiếu cát để phục vụ thi công

Vụ Khoa học - Công nghệ (Bộ Giao thông vận tải) thông tin, giai đoạn 2021 - 2025, 4 dự án đường bộ cao tốc sẽ được triển khai đồng loạt tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), gồm: cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Mỹ An - Cao Lãnh và An Hữu - Cao Lãnh.

Các dự án giao thông trọng điểm tại ĐBSCL đứng trước nguy cơ thiếu cát - Ảnh 1
Các dự án giao thông trọng điểm tại ĐBSCL đứng trước nguy cơ thiếu cát

Theo tính toán, nhu cầu cát đắp nền đường này ước khoảng hơn 35,6 triệu m3. Trong đó, tại dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau (gồm hai dự án thành phần Cần Thơ - Hậu Giang, Hậu Giang - Cà Mau thuộc dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2) cần khoảng 15 triệu m3.

Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng cần hơn 17,8 triệu m3; Dự án Mỹ An - Cao Lãnh cần hơn 1,4 triệu m3 và cao tốc An Hữu - Cao Lãnh cần hơn 1,3 triệu m3.

Theo Vụ Khoa học – Công nghệ, khu vực ĐBSCL hiện chỉ có thể sử dụng cát sông để thi công nền đường. Nguồn mỏ cát sông chủ yếu ở các tỉnh: An Giang, Đồng Tháp và một số ít ở Tiền Giang, Vĩnh Long.

Trong khi đó, tổng trữ lượng cấp phép các mỏ cát đang khai thác tại khu vực Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang là hơn 5,6 triệu m3. Sản lượng khai thác hàng năm có thể cung cấp cho các dự án khoảng 1,9 triệu m3/năm. “Nếu không sớm có giải pháp, nguy cơ thiếu vật liệu cát đắp thi công các tuyến cao tốc khu vực ĐBSCL là khó tránh”, Vụ Khoa học - Công nghệ nhận định.

Cùng chung mối lo ngại, mới đây Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (Bộ Giao thông vận tải) cho biết, hiện nay dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau đang gặp rất nhiều khó khăn về nguồn vật liệu cát để thi công.

Qua khảo sát cát tại các tỉnh hạ lưu sông Tiền và sông Hậu (Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh, Cần Thơ, Sóc Trăng…), đơn vị này cho biết những khu vực trên chất lượng cát chưa đảm bảo chất lượng thi công.

Bên cạnh đó, đơn vị tư vấn thiết kế đã trực tiếp khảo sát thực tế tại 2 mỏ cát tại quận Bình Thủy và Ô Môn(TP Cần Thơ) nhằm tìm nguồn cát phục vụ thi công dự án. Trong 2 mỏ cát này, mỏ ở Bình Thủy có trữ lượng 673.342 m3; mỏ Ô Môn có trữ lượng 734.960 m3. Tuy nhiên, kết quả phân tích mẫu cát đã không đạt.

“Ở ĐBSCL, cát chủ yếu tập trung ở vùng thượng nguồn (An Giang và Đồng Tháp). Đến nay, cả 5 địa phương có dự án cao tốc đi qua là Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau gần như không có cát. Trước tình trạng trên, vừa qua, chúng tôi đã có văn bản gửi tỉnh Sóc Trăng đề nghị hỗ trợ khảo sát nguồn vật liệu cát đắp nền phục vụ thi công dự án.

Hiện nay, địa phương này có nguồn cát hạ lưu sông Hậu, với trữ lượng quy hoạch tương đối lớn. Cùng đó, chúng tôi sẽ tiếp tục kiến nghị 2 tỉnh An Giang và Đồng Tháp hỗ trợ nguồn cát", Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận cho biết.

Tăng công suất khai thác hiện hữu và cấp phép khai thác các mỏ trong quy hoạch

Trong quá trình lập dự án, Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo thực hiện công tác lập, thẩm tra, thẩm định và phê duyệt dự án đầu tư tuân thủ đúng quy định pháp luật về xây dựng, các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành. Yêu cầu tư vấn nâng cao chất lượng, kiểm soát chặt chẽ công tác khảo sát, đặc biệt là khảo sát mỏ vật liệu xây dựng và bãi đổ thải.

Các dự án giao thông trọng điểm tại ĐBSCL đứng trước nguy cơ thiếu cát - Ảnh 2
Cần sớm giải bài toán vật liệu san lấp các dự án giao thông trọng điểm tại ĐBSCL

Trước nguy cơ thiếu vật liệu cát đắp nền, Bộ Giao thông vận tải đã làm việc với UBND các tỉnh để chỉ đạo các sở, ngành và địa phương phối hợp với các ban quản lý dự án, tư vấn thỏa thuận về vị trí, trữ lượng mỏ vật liệu, bãi đổ thải, công bố giá vật liệu. Đồng thời, triển khai các thủ tục liên quan để có thể sớm khai thác vật liệu phục vụ cho dự án, đặc biệt là giải quyết khó khăn về nguồn cung cấp cát tại khu vực ĐBSCL, nghiên cứu giải pháp sử dụng cát biển để thay thế nếu bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật và môi trường.

Trước đó, trên cơ sở đề xuất của Bộ GTVT, Chính phủ cũng đã thông qua cơ chế đặc thù về việc nâng công suất các mỏ cát, sỏi lòng sông tại Nghị quyết triển khai đầu tư cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025.

Cụ thể, các mỏ cát, sỏi lòng sông đã cấp phép, đang hoạt động, còn thời hạn khai thác thuộc khu vực ĐBSCL, UBND cấp tỉnh được phép quyết định nâng công suất không quá 50% công suất ghi trong giấy phép khai thác chỉ nhằm mục đích phục vụ cho dự án (không tăng trữ lượng đã cấp phép) mà không phải lập dự án đầu tư điều chỉnh, đánh giá tác động môi trường (báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường) hoặc giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường.

Riêng đối với dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đoạn Cần Thơ - Cà Mau, Đoàn công tác của Bộ Giao thông vận tải đã làm việc và đề nghị tỉnh An Giang cân đối, hỗ trợ 10,1 triệu m3 cát. Trong đó, tăng công suất đối với các mỏ cát đang khai thác lên 150%, xem xét sớm đưa vào các mỏ khai thác cát mỏ đã quy hoạch, trong đó có mỏ cát núi Xuân Tô và núi Cấm.

Thanh Tùng

Bạn đang đọc bài viết Các dự án giao thông trọng điểm tại ĐBSCL đứng trước nguy cơ thiếu cát. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới