Các doanh nghiệp chế biến, chế tạo có xu hướng hoạt động ổn định vào quý III/2021
Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của Tổng cục Thống kê về các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, dự kiến quý III/ 2021, có có hơn 70% số doanh nghiệp đánh giá năng suất sẽ phát triển theo chiều tích cực.
Tổng cục Thống kê cho biết, theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, dự kiến quý III/2021, có 39,2% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên; 38,6% doanh nghiệp cho rằng sản xuất kinh doanh sẽ ổn định và 22,2% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn so với quý II/2021.
Theo đó, 6 tháng đầu năm 2021, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 8,91% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11,42%, đóng góp 2,9 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Các tập đoàn nước ngoài có vốn đầu tư lớn tại Việt Nam chủ yếu là trong lĩnh vực sản xuất linh kiện, sản phẩm điện tử.
Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra, ngành sản xuất và phân phối điện tăng 8,16%, đóng góp 0,31 điểm phần trăm, ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,75%, đóng góp 0,04 điểm phần trăm, ngành khai khoáng giảm 6,61% làm giảm 0,25 điểm phần trăm trong mức tăng chung.
Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực trong 6 tháng đầu năm 2021 tăng cao so với cùng kỳ năm trước là: thép cán, ô tô, linh kiện điện thoại, điện thoại di động, phân hỗn hợp NPK, sữa bột, vải dệt từ sợi nhân tạo... Một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước là: khí đốt thiên nhiên dạng khí, đường kính, phân u rê, dầu mỏ, bột ngọt, than sạch...
Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 6/2021 tăng 4,9% so với tháng trước và tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 30/6/2021 tăng 24,3% so với cùng thời điểm năm trước tăng 26,7%, trong đó, một số ngành có chỉ số tồn kho tăng thấp hơn mức tăng chung hoặc giảm. Một số ngành có tỷ lệ tồn kho cao như: sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic, chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa, dệt, sản xuất chế biến thực phẩm,sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất…
Để giải quyết bài toán tồn kho, thúc đẩy sản xuất phát triển, trong thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất các địa phương cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành, đồng thời, khẩn trương triển khai Quyết định 221/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics. Trong đó tập trung hỗ trợ chuyển đổi số doanh nghiệp, hình thành các nền tảng số về logistics nhằm cắt giảm chi phí, tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI để tối ưu hóa hiệu quả hoạt động.
Cùng với đó, các ngành cần tập trung hỗ trợ phát triển thị trường trong nước, từ việc nghiên cứu, xây dựng các chính sách kích cầu tiêu dùng sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước, tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ để nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng thu được từ xuất khẩu, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp trong nước triển khai phân phối hàng hoá trên nền tảng thương mại điện tử, triển khai, sử dụng hiệu quả các công cụ phòng vệ thương mại, đặc biệt rà soát các ưu đãi dành cho doanh nghiệp FDI nhằm tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho sản xuất trong nước…
Vân Trần