Thứ bảy, 23/11/2024 09:47 (GMT+7)
Chủ nhật, 22/09/2019 09:30 (GMT+7)

Bức tranh ảm đạm của thị trường dầu mỏ

Theo dõi KTMT trên

Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) dự báo, tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ toàn cầu vẫn sẽ ảm đạm trong bối cảnh kinh tế suy yếu và bị ảnh hưởng bởi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc. Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cũng đưa ra dự báo tương tự về triển vọng thị trường dầu mỏ thế giới trong thời gian còn lại của năm 2019, đồng thời cho rằng, cần theo dõi tình trạng cán cân cung - cầu và hỗ trợ bình ổn thị trường trong thời gian tới.

Bức tranh ảm đạm của thị trường dầu mỏ - Ảnh 1
Một cơ sở khai thác dầu của Mỹ ở bang Tếch-dát. Ảnh: GETTY IMAGES

Theo báo cáo thương mại của IEA, trong bối cảnh không mấy lạc quan đối với các mối quan hệ thương mại quốc tế, dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ trong hai năm 2019 và 2020 vẫn không thay đổi ở mức từ 1,1 đến 1,3 triệu thùng dầu/ngày so với tháng 8. Tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ sẽ nhận được hỗ trợ lớn khi nhu cầu trong cùng kỳ năm 2018 ở mức thấp, giá dầu giảm so với một năm trước và công suất hóa dầu tăng lên.

Thị trường dầu mỏ đang có sự thay đổi, trong đó đáng chú ý sự bùng nổ của sản xuất đá phiến đã cho phép Mỹ vượt Ả Rập Xê Út, trở thành nhà sản xuất dầu mỏ hàng đầu thế giới, sau khi xuất khẩu dầu thô của Mỹ vượt hơn ba triệu thùng/ngày. Sự bứt phá của ngành sản xuất dầu mỏ Mỹ, cùng với tăng trưởng sản lượng mạnh từ Brazin và khu vực Biển Bắc, được dự báo sẽ khiến sản lượng của các nước ngoài OPEC tăng mạnh. Tăng trưởng sản lượng của nước ngoài OPEC đang trên đà tăng lên 2,3 triệu thùng/ngày vào năm 2020, tăng 400 nghìn thùng so với năm nay. Điều này khiến nhu cầu dầu thô từ OPEC dự báo sẽ giảm xuống còn 28,3 triệu thùng/ngày trong nửa đầu năm 2020, ít hơn 1,4 triệu thùng/ngày so với sản lượng của tổ chức này hiện nay. Theo IEA, sự cách biệt này có thể khiến OPEC và các đối tác phải cân nhắc lại thỏa thuận cắt giảm sản lượng.

Trong bối cảnh có nhiều rủi ro xuất phát từ những bất ổn liên quan diễn biến kinh tế thế giới, trong đó có tăng trưởng chậm lại và các căng thẳng địa chính trị gia tăng, các nhà phân tích đã đưa ra dự báo về viễn cảnh ảm đạm của thị trường dầu mỏ. Giám đốc nghiên cứu của Viện Quan hệ quốc tế và chiến lược Pháp (IRIS) cũng cho rằng, thị trường dầu mỏ thế giới đang bên bờ vực khủng hoảng căn cứ vào những diễn biến căng thẳng ở Eo biển Hoóc-mút, việc Mỹ tiếp tục tăng sản lượng khai thác dầu và cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc. Nhằm tránh tình trạng dư nguồn cung cũng như để hỗ trợ giá dầu, đầu tháng 7/2019, OPEC và các đồng minh, còn gọi là OPEC+ (gồm 14 nước thành viên OPEC và các nhà sản xuất dầu mỏ hàng đầu thế giới ngoài tổ chức này như Nga, Ca-dắc-xtan, Ma-lai-xi-a và Mê-hi-cô), đã nhất trí gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu mỏ đến cuối tháng 3/2020.

Nhằm duy trì sự ổn định của thị trường dầu mỏ, Ả Rập Xê Út và Nga kêu gọi tất cả các nhà sản xuất tuân thủ việc cắt giảm sản lượng trong khuôn khổ thỏa thuận mà OPEC và OPEC+ đã nhất trí. Tân Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Xê Út A.Xan-man xác nhận sẽ tiếp tục duy trì chính sách cắt giảm sản lượng dầu thô để hỗ trợ giá dầu. Ả Rập Xê Út nhấn mạnh, mỗi quốc gia cần tuân thủ việc cắt giảm sản lượng để giúp thị trường ổn định và tạo sự gắn kết giữa các nhà sản xuất. Trong khi đó, Bộ trưởng Năng lượng Nga A.Nô-vắc nêu rõ mục tiêu then chốt của OPEC+ là duy trì việc tuân thủ thỏa thuận; cho rằng những nỗ lực chung của các nhà sản xuất sẽ mang lại tác động lâu dài và tích cực đối với thị trường dầu mỏ toàn cầu. Nga khẳng định sẽ duy trì hợp tác quốc tế với các nước OPEC nhằm tiếp tục điều phối sản lượng dầu mỏ.

Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Xê Út A.Xan-man nhấn mạnh, liên minh OPEC+ “cần duy trì lâu dài” và kêu gọi các thành viên OPEC tuân thủ các mục tiêu về sản lượng. Lời kêu gọi hợp tác nhằm ổn định thị trường “vàng đen” được đưa ra trong bối cảnh nhu cầu năng lượng của thế giới đang chậm lại và triển vọng kinh tế toàn cầu được cho là sẽ chỉ có thể cải thiện sau khi căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc được giải quyết.

Theo Anh Thư/ Báo Nhân dân

Bạn đang đọc bài viết Bức tranh ảm đạm của thị trường dầu mỏ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới