Thứ ba, 19/03/2024 13:21 (GMT+7)
Thứ bảy, 13/08/2022 15:30 (GMT+7)

BR-VT: Tạo động lực đột phá cho các khu công nghiệp

Theo dõi KTMT trên

Theo các chuyên gia, Nghị định 35 của Chính Phủ về quản lý các KCN có hiệu lực đã gỡ vướng nhiều vấn đề cho doanh nghiệp, đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế - xã hội tại các khu công nghiệp trên địa bàn cả nước và tỉnh BR- VT nói riêng.

Tạo điều kiện thuận lợi lớn cho địa phương, doanh nghiệp

Nghị định 35/2022/NĐ-CP (Nghị định 35) về quản lý các Khu công nghiệp và Khu kinh tế (KCN) thay thế Nghị định 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ chính thức có hiệu lực từ ngày ngày 15/7 được các chuyên gia kinh tế đánh giá sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại các KCN trên địa bàn cả nước và đặc biệt là tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (BR-VT).

BR-VT: Tạo động lực đột phá cho các khu công nghiệp - Ảnh 1
Nghị định 35/2022/NĐ-CP kỳ vọng sẽ là "cú hích" để tạo động lực phát triển cho các khu công nghiệp, nhất là trên địa bàn tỉnh BR-VT

Theo đó, Nghị định 35 đã phân loại cụ thể các loại quy hoạch xây dựng KCN gồm quy hoạch chung xây dựng KCN, quy hoạch phân khu xây dựng KCN và quy hoạch chi tiết xây dựng KCN (nếu cần).

Đặc biệt, Nghị định 35 còn cho phép các trường hợp không cần lập nhiệm vụ quy hoạch như lập quy hoạch phân khu xây dựng KCN tại khu vực đã có quy hoạch chung xây dựng hoặc quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế đã được phê duyệt; lập quy hoạch chi tiết xây dựng KCN tại khu vực đã có quy hoạch phân khu xây dựng được phê duyệt… Từ những điểm mới này, các nhà đầu tư cho rằng, các quy định trên sẽ giúp tiết kiệm thời gian triển khai các dự án, giảm chi phí cho nhà đầu tư.

Nhận định về những điểm nổi bật của Nghị định 35, ông Jeong Soo Nam, Cố vấn cao cấp Tập đoàn khí Quốc gia Hàn Quốc Kogas cho biết, Nghị định 35 đã bổ sung nhiều quy định phù hợp với thực tế, tháo gỡ các vướng mắc từ trước tới nay. Qua đó, mang lại lợi ích trực tiếp cho nhà đầu tư vì trong đó có quy định về phân kỳ đầu tư KCN, bãi bỏ thủ tục thành lập KCN, đơn giản hóa quy định về điều kiện, thủ tục đầu tư hạ tầng, thành lập KCN và mở rộng KCN…

Điểm nổi bật của Nghị định 35 là đã phân loại rõ ràng các loại hình KCN, bao gồm KCN hỗ trợ, KCN chuyên ngành, KCN công nghệ cao, KCN - đô thị - dịch vụ là bước khởi đầu giúp các nhà đầu tư định hướng và tạo hành lang pháp lý thuận lợi.

Một điểm mới khác của Nghị định 35 là UBND cấp tỉnh, thành phố sẽ được quyết định điều chỉnh địa điểm, quy mô diện tích quy hoạch KCN không quá 2% và không quá 6 ha so với quy mô diện tích của KCN đã được xác định trong danh mục các KCN trên địa bàn tỉnh. Nếu không quá 10% và không quá 30ha so với quy mô diện tích của KCN đã được xác định trong danh mục các KCN trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sẽ do UBND tỉnh quyết định sau khi có ý kiến bằng văn bản của Bộ Xây dựng, Bộ TN&MT, Bộ KH-ĐT. Đây là điểm mới đột phá, tạo thuận lợi rất lớn cho địa phương, các doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng vì thủ tục này thực hiện thường xuyên nhưng trước đây phải theo một quy trình phức tạp và kéo dài.

Nhìn nhận từ góc độ nhà quản lý, ông Nguyễn Anh Triết, Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh cũng cho rằng, với Nghị định 35, vai của UBND cấp tỉnh, nhà đầu tư cũng được chú trọng. Trước đây, Chính phủ thực hiện việc điều chỉnh các nội dung liên quan tới quy hoạch, chủ trương… Điều này gây khó khăn cho nhà đầu tư khi triển khai dự án, vì trong quá trình thực hiện sẽ có nhiều vấn đề phát sinh mà lúc lập dự án không thể tính toán hết được.

Giải quyết vấn đề nhà ở cho công nhân

Toàn tỉnh BR-VT hiện có 13/15 KCN đã đi vào hoạt động với hơn 65 ngàn công nhân lao động. Trong đó, có  hơn 65% công nhân trong các KCN, CCN là người từ các địa phương khác, trong khi nhà ở cho người lao động chỉ đáp ứng khoảng 28% nhu cầu thuê, mua.

Nhà nước đã có cơ chế và các quy định dành quỹ đất để triển khai các dự án nhà ở cho công nhân tại các KCN, CCN, nhưng đến nay, việc xây dựng nhà ở cho công nhân tại các địa phương, các doanh nghiệp vẫn còn trì trệ. Thậm chí, đang tồn tại thực trạng đáng buồn tại nhiều KCN: không bố trí đất xây nhà cho công nhân, cắt phần đất xây dựng nhà ở để làm kho bãi, nhà xưởng cho thuê.

Bên cạnh đó, nhiều quy định liên quan tới việc phát triển KCN đã được đổi mới và luật hóa, nhưng việc xây dựng nhà ở cho công nhân trong các KCN vẫn chưa có tiến triển, thủ tục và quy trình xây dựng vẫn còn rất nhiêu khê.

Do đó, điểm mới thu hút sự quan tâm của người dân lẫn doanh nghiệp trong Nghị định 35 là quy định danh mục các KCN trên địa bàn tỉnh phải bảo đảm quỹ đất để quy hoạch xây dựng nhà ở, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động làm việc tối thiểu là 2% tổng diện tích của các KCN.

Quy định trên là một trong các điều kiện xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư dự án hạ tầng KCN là có quy hoạch xây dựng khu nhà ở và các công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động.

Ngoài ra, một trong các điều kiện xem xét mở rộng KCN là đã xây dựng, đưa vào sử dụng khu nhà ở và công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho công nhân.  

BR-VT: Tạo động lực đột phá cho các khu công nghiệp - Ảnh 2
Vấn đề nhà ở cho công nhân được các DN đặc biệt đánh giá cao trong Nghị định 35

Các doanh nghiệp đánh giá cao sự đổi mới tích cực này của Nghị định 35, đặc biệt về vấn đề nhà ở cho công nhân. Các doanh nghiệp cho rằng, ngoài trách nhiệm của chính quyền, cần quy định rõ trách nhiệm của chủ đầu tư KCN trong vấn đề này.

Cụ thể, đối với những KCN đã triển khai nhưng chưa có đất làm nhà ở, chính quyền địa phương nên xem xét, bố trí quỹ đất xây nhà công nhân cho chủ đầu tư KCN hoặc các doanh nghiệp. Cùng với đó, trường hợp KCN lớn chưa lấp đầy, còn đất trống thì xem xét cho điều chỉnh quy hoạch phần đất chưa sử dụng để làm nhà ở công nhân.

Ngoài quy định bắt buộc trách nhiệm thì cần có sự hỗ trợ về chính sách của Nhà nước. KCN cần có các tiện ích thương mại dịch vụ, nhà ở xã hội, nhà ở lưu trú cho người lao động, chuyên gia.  

Ông Kengo Yamada, Phó Tổng Giám đốc Công ty Hanacans (KCN B1 Tiến Hùng, TX. Phú Mỹ) cho rằng, để ổn định sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp thì công nhân phải an cư. Vì vậy, khi phát triển các KCN, chủ đầu tư cần phải chuẩn bị sẵn nhà ở cho công nhân. Vì nếu thiếu nhà ở cho công nhân gần các KCN, CCN khiến cuộc sống của người lao động bấp bênh và các doanh nghiệp cũng khó giữ chân người lao động lâu dài.

Do đó, giải quyết được vấn đề nhà ở cho công nhân, doanh nghiệp sẽ có lực lượng lao động ổn định, tăng năng lực cạnh tranh, kích thích phát triển sản xuất, tiêu dùng, đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế của địa phương.  

Thanh Vũ

Bạn đang đọc bài viết BR-VT: Tạo động lực đột phá cho các khu công nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Quảng Nam: Thu hút hơn 20.000 tỉ đồng đầu tư 16 dự án
Tại Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, UBND tỉnh Quảng Nam đã trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, thoả thuận nghiên cứu địa điểm đầu tư cho các nhà đầu tư của 16 dự án.
Xem xét nới thời gian đăng kiểm xe ô tô cá nhân
Bộ Giao thông Vận tải cho biết sẽ xem xét điều chỉnh chu kỳ kiểm định vào thời điểm phù hợp, bảo đảm điều kiện an toàn kỹ thuật cho phương tiện, góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông và tạo thuận lợi cho chủ phương tiện.
Pu Ta Leng - Vẻ đẹp hoang sơ của đại ngàn Tây Bắc
Nằm trong dãy Hoàng Liên Sơn, Pu Ta Leng (Tam Đường, Lai Châu) nổi tiếng trong giới mê leo núi là một trong những đỉnh khó chinh phục bậc nhất với vẻ đẹp hoang sơ, kì vĩ. Quyết tâm chinh phục chúng tôi mới hiểu vì sao ngọn núi này hấp dẫn đến vậy.