Bộ Công an điều tra vi phạm tại 2 dự án nghìn tỉ của Vicem
Trước cổ phần hoá, Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem) bất ngờ có động thái “lạ” khi đề xuất thay đổi phương án sắp xếp, xử lý quỹ nhà đất theo cách “bán đứt” cả dự án cho tư nhân. Bộ Công an đã vào cuộc điều tra một số vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong đầu tư 2 dự án nghìn tỉ của Vicem.
Công trình “thập kỷ” của Vicem có mức đầu tư 2.000 tỉ đồng tại Hà Nội xây dựng dở dang, giờ vẫn nằm “đắp chiếu” nhiều năm gây lãng phí rất lớn. |
Điều tra dấu hiệu vi phạm tại các dự án
Tổng công ty Vicem nằm trong danh mục thực hiện cổ phần hoá đến hết năm 2020 và đã nhanh chóng triển khai Đề án tái cơ cấu Vicem giai đoạn 2019 – 2025 đến các đơn vị thành viên sau khi được Bộ Xây dựng phê duyệt. Vicem cũng giải trình với Bộ Xây dựng, Chính phủ về việc đề xuất Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối tại đây từ hơn 51% đến 65% vốn điều lệ.
Dù vậy, Vicem đang gặp khó khăn trong việc xử lý một số tồn tại liên quan đến phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất cũng như phương án sử dụng đất sau cổ phần hóa…
Liên quan tới quá trình đầu tư các dự án có “đất vàng” lớn, mới đây, Cục Cảnh sát điều tra về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu - C03 (Bộ Công an) đã có văn bản gửi Bộ Xây dựng, Thanh tra Bộ Xây dựng yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu để điều tra, xác minh vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật liên quan 2 dự án của Vicem.
Cụ thể, dự án Khu dịch vụ tổng hợp tại số 122 Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) và dự án Trung tâm điều hành và giao dịch Vicem tại lô 10E6 Khu đô thị mới Cầu Giấy (quận Nam Từ liêm, Hà Nội).
C03 đề nghị Bộ Xây dựng phối hợp có ý kiến chỉ đạo Thanh tra Bộ Xây dựng và các đơn vị trực thuộc cung cấp toàn bộ hồ sơ về dự án liên quan tới chủ trương, chỉ đạo của Bộ Xây dựng, kết quả thanh tra và xử lý kiến nghị sau thanh tra (trong đó có vai trò cá nhân có liên quan) của Thanh tra Bộ Xây dựng đối với 2 dự án này.
Xây dựng công trình nghìn tỉ rồi… bỏ hoang
Hai dự án nằm trong diện điều tra lần này đều là những công trình quy mô vốn đầu tư nghìn tỉ của Vicem, nằm ở khu đất có diện tích lớn và vị trí đắc địa tại Hà Nội. Thế nhưng, trong quá trình triển khai đầu tư, đã phát lộ nhiều sai phạm tại các đơn vị thuộc Vicem mà Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã có báo cáo gửi Quốc hội chỉ ra nhiều sai phạm, kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm nhiều tập thể, cá nhân.
Theo Kết luận số 44/BC-KTNN, Vicem đã đề xuất thay đổi phương án, sắp xếp, xử lý nhà đất và đã được Bộ Xây dựng phê duyệt đối với 3 lô đất, song chưa hoàn thành thủ tục hoặc chưa được phê duyệt lại. Cụ thể, Vicem đã đề xuất thay đổi từ “tiếp tục xây dựng Dự án Trung tâm điều hành và giao dịch VICEM” thành “chuyển nhượng toàn bộ dự án”, đã được Bộ Xây dựng đồng ý về chủ trương nhưng Tổng công ty chưa hoàn thành thủ tục, nội dung điều chỉnh phương án trình phê duyệt.
Khu đất dự án này có diện tích hơn 8.476m2, vị trí đắc địa tại khu đô thị mới Cầu Giấy, Hà Nội, được phê duyệt xây dựng một toà tháp cao 31 tầng và 4 tầng hầm, bố trí làm văn phòng, hội trường và thương mại... Tổng mức đầu tư lên tới 2.000 tỉ đồng. Mặc dù được khởi công xây dựng từ năm 2011, dự án Trung tâm điều hành và giao dịch Vicem thi công ì ạch, đến năm 2013 đã xây xong phần thô thì dừng lại, bỏ dở dang đến nay.
Suốt từ năm 2013 đến nay, dự án ngoài việc tập trung quyết toán các gói thầu đã hoàn thành, thi công các gói thầu đã kí hợp đồng đang thực hiện dở thì dự án không triển khai gì thêm. Do đó, công trình “thập kỉ” của Vicem giờ vẫn phơi sương gió, hoen gỉ sắt, lãng phí tài sản. Theo số liệu quyết toán tính đến tháng 5/2019 (đã được kiểm toán) thì Vicem đã chi phí đầu tư vào dự án hơn 770,6 tỉ đồng.
Dự án thứ hai là tại khu đất 122 Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng) có diện tích tới 52.083 m2, từ lâu đã được Vicem đề xuất thay đổi từ “Xây dựng Dự án Khu tổng hợp 122 Vĩnh Tuy” thành “tiếp tục quản lý, sử dụng như hiện trạng, sau khi cổ phần hoá sẽ báo cáo việc sử dụng đất theo yêu cầu sản xuất kinh doanh, chiến lược phát triển, tái cấu trúc Vicem theo quy hoạch của TP Hà Nội”. Dự án này đã được Bộ Xây dựng đồng ý về chủ trương song Bộ Tài chính chưa có ý kiến.
Hiện nay, dự án mới ở giai đoạn lập và xin thỏa thuận phương án kiến trúc và giai đoạn lập dự án đầu tư xây dựng công trình như khoan khảo sát, thẩm tra thiết kế cơ sở, chi phí Ban quản lý dự án… Dù chưa đủ thủ tục xây dựng, nhưng Vicem đã nhanh chóng thanh toán tới 63 tỉ đồng, mà chủ yếu là chi phí lập phương án kiến trúc và khoảng 56,8 tỉ đồng cho việc lập dự án đầu tư xây dựng công trình, thiết kế kỹ thuật với nhà thầu POSCO A&C.
Từ kết quả kiểm toán Vicem năm 2019, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan đến các sai phạm, trong đó, kiểm điểm trách nhiệm người đại diện phần vốn Công ty xi măng Hà Tiên 1 trong việc quyết định đầu tư nhưng không thực hiện báo cáo Tổng công ty Xi măng Việt Nam. Tổng Giám đốc Công ty xi măng Hà Tiên 1 (giai đoạn liên quan) trong việc ký hợp đồng góp vốn vào Công ty Nguyễn Quang, chuyển quyền thuê đất của nhà nước không qua đấu giá. Bộ phận tham mưu đề xuất lựa chọn SAIGONAP không đủ năng lực dẫn đến xác định giá trị doanh nghiệp của Công ty Nguyễn Quang chưa tính đến giá trị lợi thế quyền thuê đất; Tổng Giám đốc Công ty xi măng Hà Tiên 1 (thời kỳ có liên quan) trong việc đề xuất HĐQT phê duyệt giá khởi điểm chưa theo nguyên tắc giá thị trường (chỉ sử dụng duy nhất kết quả định giá của 1 đơn vị làm giá khởi điểm.
Kiểm toán Nhà nước đề nghị kiểm điểm trách nhiệm HĐQT, ban tổng giám đốc Công ty xi măng Hà Tiên 1 trong việc góp vốn thành lập doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trái ngành nghề kinh doanh chính và không đúng Đề án tái cơ cấu Vicem giai đoạn 2016-2020.
Hải Nam