Bình Thuận: Mạnh tay xử lý nạn khai thác cát trái phép trên sông La Ngà
Cát tặc trên sông La Ngà lộng hành đã gây sạt lở bờ sông, ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường, đời sống và hoạt động sản xuất của người dân. Trước tình trạng này, tỉnh Bình Thuận đã mạnh tay xử lý nhưng ảnh hưởng của người dân thì vẫn đang hiện hữu.
“Cát tặc” lộng hành
Trong nhiều năm qua, trên đoạn sông La Ngà (đoạn giáp ranh giữa hai huyện Đức Linh và Tánh Linh), thường xuyên xuất hiện nhiều tàu hút cát công suất lớn. Ban ngày, những con tàu này thường nằm bờ và khi màn đêm buông xuống cũng là lúc các phương tiện này bắt đầu hoạt động để hút cát từ lòng sông.
Sau khi hút cát, các con tàu này di chuyển về những điểm tập kết cát gần bờ, nơi có nhiều xe ben cỡ lớn nằm chờ và cát được bơm trực tiếp từ tàu lên thùng của những phương tiện xe ben. Cứ như vậy, hàng ngàn khối cát dưới lòng sông La Nga bị “bốc hơi” mà không vấp phải bất kì một sự kiểm soát nào đến từ cơ quan chức năng.
Theo người dân địa phương, để thuận tiện cho việc khai thác, chủ những con tàu này còn sẵn sàng tự mở đường vận chuyển, thuê cả người cảnh giới. Nếu phát hiện bóng dáng của lực lượng chức năng thì ngay lập tức bỏ chạy hoặc dừng hoạt động. Hầu hết, việc khai thác cát diễn ra trên đoạn sông này đều không được cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp phép theo quy định.
Hoạt động khai thác cát diễn ra liên tục trong nhiều năm đã khiến cho tình trạng sạt lở hai bên bờ sông La Ngà trở nên nghiêm trọng, cây cối hoa màu của người dân cũng theo đó cuốn trôi xuống lòng sông. Thông tin với báo chí, một hộ dân đang canh tác trên khu đất hơn 3 ha dọc sông La Ngà nằm trên địa bàn xã Vũ Hòa, huyện Đức Linh), trồng các loại hoa màu, cao su, bức xúc cho biết: “Nhiều năm qua, các “tàu ma” hút cát ngày đêm, nhưng nhiều nhất là những tháng gần đây. Những con tàu công khai cắm vòi giữa sông hút hết cát rồi chạy sát khu đất của dân hút tiếp. Hoa màu nhà tôi trồng chưa kịp thu hoạch cũng bị sụp xuống sông.
“Đất sụp đổ tan hoang mà họ không chịu dừng lại, vẫn lén lút hút trộm, nên bây giờ đất chỗ nhà tôi lở hàm ếch hết trơn, mỗi lần ra rẫy tôi không dám lại gần vì lỡ sụp xuống sông thì oan mạng. Nhiều hôm tôi đang hái rau mà nghe đất sụp đùng đùng đổ xuống sông La Ngà mà tay chân run cầm cập. Có hàng cây cao su ngay mé sông mà không dám đến cạo mủ vì khu đất này đang bị nứt do đất sụp” – hộ dân này lo lắng.
Cũng theo người dân địa phương cho biết, trước thực trạng khai thác cát trái phép, những hộ dân sinh sống và sản xuất hai bên bờ sông đã nhiều lần phản ánh với cơ quan chính quyền địa phương. Sau mỗi lần phản ánh, lực lượng chức năng vẫn ra quân kiểm tra, thế nhưng, việc xử lý lại chỉ như “bắt cóc bỏ dĩa”.
Báo chí vào cuộc, chính quyền rốt ráo xử lý
Sau hàng loạt những thông tin phản ánh trên truyền thông và sự đeo bám quyết liệt từ cơ quan báo chí, ngành chức năng tỉnh Bình Thuận mới rốt ráo với chuyện kiểm tra, xử lý những phương tiện hút và vận chuyển cát lậu.
Khoảng giữa tháng 8/2022, khi thông tin phản ánh về nạn khai thác cát trái phép được đăng tải và nhận được nhiều bức xúc từ bạn đọc, lực lượng chức năng huyện Tánh Linh đã nhanh chóng triển khai mật phục và bắt quả tang nhiều tàu hút cát, phương tiện vận chuyển cát.
Cụ thể, ngày 11.8, lực lượng UBND xã Gia An, huyện Tánh Linh phát hiện 1 tàu sắt đang hút cát trái phép gần cầu Treo liền tổ chức bắt giữ phương tiện cùng tang vật là 8m3 cát. Sau đó, UBND xã Gia An đã lập biên bản tạm giữ tàu hút cát trái phép, giàn bơm hút cát tự chế, 1 sàn rửa cát...
Tiếp đó, ngày 16 – 18/8, Chủ tịch UBND huyện Tánh Linh chỉ đạo Công an huyện, Phòng Tài nguyên và Môi trường đến hiện trường nơi có phản ánh, bắt quả tang 3 phương tiện đang có hành vi khai thác khoáng sản trái phép và tiến hành đã thu giữ máy hút cát, giàn bơm... Có một số tàu, khi phát hiện lực lượng chức năng thì đã mau chóng bỏ chạy, vừa chạy vừa bơm cát xuống sông.
Ngoài việc kiểm tra xử ý đối với các phương tiện tàu đang hoạt động trái phép trên sông, lực lượng chức năng còn tiến hành kiểm tra các bãi tập kết cát dọc hai bên sông, các phương tiện xe ben vận chuyển cát và lập chốt hoạt động 24/24 để kịp thời phát hiện hành vi khai thác, vận chuyển cát trái phép.
Đồng thời, để việc kiểm tra, xử lý có hiệu quả, ngày 18/8, UBND huyện Tánh Linh đã có văn bản gửi UBND huyện Đức Linh về việc phối hợp kiểm tra, xử lý hoạt động khai thác cát trái phép ở khu vực giáp ranh giữa 2 huyện này và công bố công khai số điện thoại của các ông Nguyễn Hữu Phước, Phó chủ tịch UBND huyện (0918.591.441); Lê Ngọc Mến, Trưởng Công an huyện (0913.816.321) và Dương Quý Bắc, Trưởng phòng TN-MT huyện (0919.960.444) để người dân, tổ chức phản ánh tình trạng khai thác cát trái phép cũng như các tiêu cực xảy ra trong công tác quản lý khoảng sản trên địa bàn.
Chiều ngày 23/08, trao đổi nhanh với Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường qua điện thoại, ông Giáp Hà Bắc Chủ tịch UBND huyện Tánh Linh cho biết, hiện ngành chức năng đang làm quyết liệt đối với những hành vi khai thác cát trái phép trên sông La Ngà (đoạn qua địa bàn huyện Tánh Linh và Đức Linh). “Chúng tôi đang tập trung, làm quyết liệt, bắt hết các tàu bè. Báo với anh, giờ không còn một chiếc tàu nào trên sông nữa, bắt hết rồi, tháo máy hết rồi. Hiện nay, đã cho lập chốt, còn những chiếc nào từ huyện Đức Linh qua là bắt hết” – ông Bắc khẳng định.
Khi được hỏi về những phương án để giải quyết dứt điểm tình trạng khai thác cát trái phép trong thời gian tới, ông Bắc cho biết sẽ cho trục vớt hết các tàu khai thác cát trái phép, còn những tàu nào sẽ tiếp tục cho kiểm tra và xử lý.
Bên cạnh đó, liên quan tới vấn đề trên, ông Trần Nguyên Lộc - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cũng cho biết, sau khi có thông tin phản ánh từ báo chí, ngành chuyên môn đang xử lý rốt ráo. Cụ thể, “Sở đã thành lập đoàn xuống kiểm tra thực tế và xử lý. Kết quả kiểm tra đã báo cáo cho tỉnh và tỉnh cũng đã tổ chức họp để chỉ đạo rồi” – ông Lộc thông tin.
Thanh Tùng