Thứ tư, 01/05/2024 03:57 (GMT+7)
Thứ năm, 05/10/2023 16:01 (GMT+7)

Bình Dương: Sai phạm trong việc giao đất, cho thuê đất và chuyển mục đích sử dụng đất

Theo dõi KTMT trên

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, UBND tỉnh Bình Dương đã có nhiều sai phạm khi thực hiện giao đất, cho thuê đất và chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với các tổ chức để thực hiện các dự án đầu tư trong thời kỳ 2011 - 2019.

Theo kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ, cơ quan này đã thanh tra việc thực hiện giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại tỉnh Bình Dương trong thời kỳ 2011 - 2019 để thực hiện 1.916 dự án với tổng diện tích 22.160,63 ha. Trong đó, các dự án được giao đất là 830 dự án với diện tích 15.447,83 ha; cho thuê đất 481 dự án với diện tích 5.551,48 ha; chuyển mục đích sử dụng đất với diện tích 1.161,32 ha.

Qua thanh tra, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra việc UBND tỉnh Bình Dương giao, cho thuê đất để thực hiện một số dự án đầu tư chưa phù hợp một phần hoặc toàn bộ quy hoạch sử dụng đất (QHSDĐ) đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, vi phạm khoản 1 Điều 11, Điều 15 Luật Đất đai năm 2003; khoản 1 Điều 6, khoản 2 Điều 12 Luật Đất đai năm 2013.

Bình Dương: Sai phạm trong việc giao đất, cho thuê đất và chuyển mục đích sử dụng đất - Ảnh 1
Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều sai phạm về đất đai tại tỉnh Bình Dương

Theo Thanh tra Chính phủ, khu nhà ở Đường sắt tại TP. Dĩ An được cho phép chuyển mục đích từ loại đất cây lâu năm (CLN), hàng năm (HNK) sang loại đất ở đô thị (ODT) là không phù hợp với QHSDĐ đến năm 2020 của thị xã Dĩ An đã được UBND tỉnh phê duyệt (Quyết định số 776/QĐ-UBND ngày 8/4/2014), theo đó toàn bộ diện tích 4,8 ha này được quy hoạch là đất cơ sở sản xuất kinh doanh (SKC).

Đối với Dự án chung cư khu nhà ở An Bình diện tích 2,98 ha tại phường An Bình TP. Dĩ An, UBND tỉnh Bình Dương cho phép chuyển mục đích từ loại đất CLN, HNK sang loại đất ODT là không phù hợp cới QHSDĐ đến năm 2020 của thị xã Dĩ An đã được UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt, theo đó toàn bộ diện tích 2,98 ha của dự án được quy hoạch đất SKC.

UBND tỉnh Bình Dương chỉ định chủ trương đầu tư trong trường hợp nhà đầu tư có quyền sử dụng đất nông nghiệp hợp pháp (không có QSDĐ ở) đối với một số chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở thương mại là chưa thực hiện đúng quy định tại điểm c khoản 2 Điều 22 Luật Nhà ở năm 2014 (Dự án Khu nhà ở Tân Long 2 do Công ty TNHH Xây dựng Phát triển Địa ốc Phú Thọ làm chủ đầu tư; Dự án khu nhà ở Nam Long 3 do Công ty Cổ phần Bất động sản Nam Long Bình Dương làm chủ đầu tư…).

Ngày 15/9/2023, tại trụ sở UBND tỉnh Bình Dương, Thanh tra Chính phủ đã tổ chức công bố Kết luận thanh tra số 785/KL-TTCP ngày 22/3/2023.

Tại buổi công bố, ông Trần Văn Mây - Trưởng đoàn thanh tra, đã trình bày nội dung Kết luận thanh tra số 785/KL-TTCP về thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng; công tác quản lý, sử dụng đất đai, quản lý đầu tư xây dựng; việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở; thanh tra các dự án, công trình có dấu hiệu vi phạm pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất tại đô thị và thanh tra việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại khu vực đô thị tại tỉnh Bình Dương (thời kỳ 2011 - 2019).

Ngoài những sai phạm trên Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra một số dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng chưa làm thủ tục tiếp theo để triển khai dự án.

Cụ thể, qua kiểm tra cho thấy một số dự án đầu tư sau khi được chấp thuận chủ trương, trong một thời gian dài chủ đầu tư không triển khai dự án nhưng không bị xử lý hoặc xử lý không nghiêm, gây lãng phí tài nguyên đất và gây khó khăn cho người dân có đất trong khu vực dự án, phát sinh khiếu nại, khiếu kiện.

Điển hình như dự án khu nhà ở thương mại An Trung tại phường Tân Bình, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương do Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng An Trung làm chủ đầu tư; dự án khu dân cư Phước Hòa thuộc xã Phước Hòa, huyện Phú Giáo do Công ty Cổ phần Cao su Phước Hòa làm chủ đầu tư…

Cũng theo Thanh tra Chính phủ, tính đến ngày 31/12/2019, trên địa bàn tỉnh Bình Dương có 40 dự án đầu tư có tiến độ sử dụng đất chậm hoặc không đưa đất vào sử dụng theo quy định của pháp luật.

Theo Kết luận thanh tra, UBND tỉnh Bình Dương đã kiểm tra và xử lý các dự án này (cho phép gia hạn thời gian triển khai dự án: 31 dự án với tổng diện tích 6.166.890,6 m2; thu hồi đất 6 dự án với tổng diện tích 94.023,2 m2; Chuyển cơ quan điều tra để điều tra, xử lý 2 dự án với tổng diện tích 167.787 m2; cho phép tiếp tục lập thủ tục đất đai 1 dự án với diện tích 70.708 m2).

Thanh tra Chính phủ cho rằng, kết quả kiểm tra cho thấy UBND tỉnh Bình Dương chưa kịp thời xử lý đối với các dự án đầu tư có sử dụng đất chậm hoặc không đưa đất vào sử dụng theo quy định của Luật Đất đai.

Cụ thể, 6 dự án đã được UBND tỉnh Bình Dương kiểm tra và ban hành Quyết định thu hồi nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện xong; 12 dự án đã được UBND tỉnh cho phép gia hạn, đến nay đã hết thời gian gia hạn nhưng chưa có biện pháp xử lý dứt điểm.

Bình Dương: Sai phạm trong việc giao đất, cho thuê đất và chuyển mục đích sử dụng đất - Ảnh 2
UBND tỉnh Bình Dương chỉ định chủ trương đầu tư một số dự án không đúng quy định

Hiện nay vẫn còn 3 dự án đã được UBND tỉnh cho phép gia hạn thời gian sử dụng đất 24 tháng nhưng chưa xác định và thông báo tiền sử dụng đất phải nộp bổ sung trong thời gian được gia hạn thời gian sử dụng đất. 1 dự án chưa lập thủ tục đất đai, chuyển nhượng quyền dử dụng đất không đúng quy định, đã được UBND tỉnh cho phép tiếp tục lập thủ tục đất đai từ năm 2017, nhưng đến nay chưa thực hiện dứt điểm.

Tiếp đó, Kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ cũng nêu, việc UBND tỉnh Bình Dương chưa thực hiện đúng quy định tại Luật Đầu tư năm 2014 và Điều 27 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ hướng dẫn Luật đầu tư về vấn đề ký quỹ đảm bảo thực hiện dự án đầu tư.

Cụ thể, từ giai đoạn Luật đầu tư 2014 có hiệu lực đến ngày 31/12/2017, UBND tỉnh Bình Dương không có văn bản hướng dẫn, quy định yêu cầu ký quỹ bảo đảm đầu tư. Đến ngày 19/12/2017, UBND tỉnh Bình Dương mới ban hành Quyết định số 32/2017/QĐ-UBND quy định về ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn Tỉnh. Tuy nhiên, Quyết định 32/2017/QĐ-UBND đã bị bãi bỏ từ ngày 31/12/2018.

Giai đoạn 2015-2017, số dự án thuộc diện phải ký quỹ đầu tư là 147 dự án với tổng số tiền phải ký quỹ bảo đảm đầu tư là 92,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Xây dựng không yêu cầu các chủ đầu tư ký quỹ đảm bảo đầu tư, vi phạm quy định tại Điều 42 Luật Đầu tư năm 2014.

Thanh tra Chính phủ đề nghị UBND tỉnh Bình Dương cần chỉ đạo cơ quan chức năng rà soát, tính toán và yêu cầu các chủ đầu tư nộp bổ sung tiền ký quỹ đảm bảo đầu tư theo quy định.

Đồng thời, Thanh tra Chính phủ cho rằng, việc cơ quan chức năng của tỉnh Bình Dương không yêu cầu một số chủ đầu tư ký quỹ đảm bảo đầu tư là nguyên nhân dẫn đến chủ đầu tư chậm triển khai đầu tư theo giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc theo dự án đầu tư được duyệt.

Do đó, Thanh tra Chính phủ đề nghị UBND tỉnh Bình Dương chấm dứt ngay việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất trái với quy hoạch sử dụng đất được cấp có thẩm quyền phê duyệt; giao đất, cho thuê đất công, đất sạch do Nhà nước trực tiếp quản lý không thông qua đấu giá QSDĐ. Kiểm tra, rà soát để chấn chỉnh và nghiêm túc triển khai thực hiện Quyết định 173/TTg-KTN ngày 28/1/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh quy hoạch phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn Tỉnh.

Nhận định về vấn đề giao đất, cho thuê đất, PGS. TS Phạm Hữu Nghị, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Nhà nước và Pháp Luật cho rằng, cần thiết có những đổi mới kịp thời, toàn diện hơn về công tác giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất nhằm bảo đảm quyền của các chủ thể, tạo cơ chế kiểm soát quyền lực nhằm phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất.

Cũng theo PGS. TS Phạm Hữu Nghị, giao đất, cho thuê đất trong thời gian vừa qua ở nước ta nhìn từ góc độ phòng, chống tham nhũng đang còn nhiều bất cấp, hạn chế. Cơ chế giao đất, cho thuê đất chưa bảo đảm tính công khai, minh bạch và kiểm soát quyền lực. Từ đây, nhiều vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong lĩnh vực giao đất, cho thuê đất đã diễn ra khá phổ biến ở nhiều tỉnh, thành ở nước ta. PGS. TS Nghị cùng các chuyên gia đã đề xuất 5 giải pháp, nếu được thực hiện có thể sẽ góp phần vào việc tạo ra cơ chế pháp lý kiểm soát quyền lực, ngăn ngừa tham nhũng trong hoạt động giao đất, cho thuê đất nói riêng và trong quản lý, sử dụng đất nói chung.

Phạm Thạch

Bạn đang đọc bài viết Bình Dương: Sai phạm trong việc giao đất, cho thuê đất và chuyển mục đích sử dụng đất. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

9,27 tỷ USD vốn FDI chảy vào Việt Nam trong 4 tháng đầu năm
Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/4/2024 bao gồm: Vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 9,27 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước.
Lâm Đồng tăng cường thu ngân sách năm 2024
UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện kịp thời, đầy đủ, có hiệu quả các giải pháp tăng cường quản lý thu ngân sách nhà nước trên địa bàn.

Tin mới

Điện Biên Phủ: Điểm hẹn lịch sử
Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước tổ chức khai mạc Triển lãm “Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử”, kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 / 7-5-2024).