Thứ sáu, 19/04/2024 05:14 (GMT+7)
    Chủ nhật, 03/04/2022 17:00 (GMT+7)

    Bình Dương: Làm rõ trách nhiệm để xảy ra sai phạm đất đai, xây dựng

    Theo dõi KTMT trên

    Trên địa bàn tỉnh Bình Dương thời gian qua có nhiều dự án khu dân cư, nhà ở thương mại vi phạm đất đai, xây dựng nhưng chưa được xử lý dứt điểm khiến dư luận bức xúc.

     Làm rõ trách nhiệm cá nhân liên quan

    Trong buổi họp báo về tình hình kinh tế - xã hội quý I/2022 tỉnh Bình Dương vừa mới diễn ra đầu tháng 4/2022, đại diện nhiều cơ quan báo chí phản ánh về những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý trật tự xây dựng đối với một số dự án khu dân cư, nhà ở thương mại trên địa bàn trong thời gian qua.

    Trước vấn đề này, ông Huỳnh Phạm Tuấn Anh - Phó Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết, Sở đã làm rõ trách nhiệm đối với các cá nhân có liên quan. Đồng thời tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, địa phương kiểm soát chặt chẽ công tác quản lý đất đai, cấp phép xây dựng.

    Trước đó, nhiều cơ quan báo chí đã thông tin về hành loạt vấn đề trong quản lý đất đai, xây dựng trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Đơn cử như Dự án Khu dân cư - thương mại dịch vụ Đông Bình Dương, có diện tích hơn 126 ha, tọa lạc tại phường Tân Bình, thị xã Dĩ An (nay là TP. Dĩ An). Dự án này do Công ty TNHH Phát triển Đô thị Đông Bình Dương làm chủ đầu tư, Công ty TNHH MTV Đầu tư và Xây dựng HHA (Công ty HHA, trụ sở ở phường Bến Nghé, quận 1, TP HCM) là đơn vị phân phối.

    Bình Dương: Làm rõ trách nhiệm để xảy ra sai phạm đất đai, xây dựng - Ảnh 1
    Dự án khu dân cư - thương mại dịch vụ Đông Bình Dương có nhiều dấu hiệu vi phạm đất đai, xây dựng.

    Với dự án này, UBND tỉnh Bình Dương phải 5 lần ra quyết định duyệt quy hoạch chi tiết 1/500. Lần cuối cùng là vào năm 2018, dự án được điều chỉnh quy hoạch tăng số dân và diện tích đất thương mại, giảm diện tích đất công cộng xuống nhiều lần.

    Dù mới được tái khởi động vào năm 2019 nhưng từ năm 2016, chủ đầu tư dự án Đông Bình Dương đã giao cho Công ty HHA tự mở bán, ký hợp đồng góp vốn và thu tiền của hàng trăm khách hàng, nhà đầu tư thứ cấp với mức thu 95 % tổng giá trị hợp đồng. Đáng nói, để "kéo khách", dù việc đền bù, giải phóng mặt bằng để làm hồ sơ trình Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Bình Dương giao đất chưa xong nhưng chủ đầu tư dự án vẫn cố tình xây dựng trái phép hạ tầng kỹ thuật.

    Một dự án khác là Khu dân cư Nam Tân Uyên (phường Khánh Bình, thị xã Tân Uyên), với khoảng 3.700 nền, do Công ty TNHH Công nghiệp và Đô thị Nam Tân Uyên làm chủ đầu tư. Dự án này mới chỉ dừng lại ở quy hoạch chi tiết 1/500. Thế nhưng, bằng hình thức "hợp đồng ủy quyền" cho đơn vị phân phối là Công ty cổ phần Địa ốc Núi Hồng, nhiều khách hàng đã đóng tiền hơn một nửa trên một sản phẩm tại dự án.

    Bên cạnh đó, tại Dự án Khu dân cư Nam Tân Uyên cũng từng dấy lên nghi vấn về vai trò của Công ty TNHH Công nghiệp và Đô thị Nam Tân Uyên. Ban đầu, dự án được giao cho Công ty cổ phần KCN Nam Tân Uyên (100% vốn nhà nước) làm chủ đầu tư, nhưng sau đó bằng hình thức liên danh, góp vốn thì dự án này lại thuộc quyền quyết định của doanh nghiệp tư nhân - Công ty cổ phần Phát triển đô thị Nam Á.

    Bình Dương: Làm rõ trách nhiệm để xảy ra sai phạm đất đai, xây dựng - Ảnh 2
    Khu đô thị dịch vụ - thương mại Hoà Lan có dấu hiệu sai phạm của Kim Oanh Group từng bị báo chí phản ánh.

    Tại Dự án Khu đô thị Mỹ Phước 4B (thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương), do Công ty cổ phần Đầu tư và Công ty địa ốc Kim Oanh môi giới. Hai công ty, một của bà Đặng Thị Kim Oanh, một do ông Nguyễn Thuận là đại diện pháp luật có dấu hiệu đem phần diện tích đất công bán luôn cho khách hàng.

    Một dự án khác có liên quan đến Kim Oanh Group với những sai phạm nghiêm trọng được cơ quán báo chí nhắc nhiều trong thông gian qua  là khu đất rộng 43ha tại khu đô thị Tân Phú (phường Phú Hoà, TP mới Bình Dương), hiện thuộc sở hữu của Kim Oanh Group khi tập đoàn này tham vọng thâu tóm đất công từ Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Tân Phú với giá rẻ.

    Chưa dừng lại, Dự án Khu dân cư Hoà Lân (Bình Dương) có nhiều dấu hiệu sai phạm, vi phạm pháp luật đã được Cơ quan Thanh tra của Bộ Tư pháp chỉ ra, bằng nhiều thủ thật khác nhau trong đấu giá tài sản. Liên minh lợi ích nhóm đã bắt tay với nhau để thâu tóm khu đất vàng, gây thiệt hại nghiêm trọng cho chủ sở hữu và thất thoát tài sản nhà nước.

    Một dự án nữa dính bê bối là Khu công nghiệp Phú Tân (Bình Dương). Cụ thể, liên quan đến việc điều chỉnh khu công nghiệp Phú Tân và phê duyệt khu đô thị Hoà Phú. Dự án thuộc sở hữu của Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng CN Nam Kim, hiện do nữ doanh nhân Nguyễn Thị Nhung - con gái ruột của ông Nguyễn Thuận và bà Đặng Thị Kim Oanh, cũng là thành viên HĐQT Kim Oanh Group, làm Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ.

    Sau khi được công nhận là chủ đầu tư dự án khu công nghiệp Phú Tân vào đầu năm 2018, bà Nguyễn Thị Nhung đã lập tức xin điều chỉnh dựa án để đi vay tiền bằng nhiều hình thức khác nhau. Như báo chí đã đưa tin, cuối năm 2019, đại diện Sở TN&MT tỉnh Bình Dương có văn bản xác định: “Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại khu đô thị – dịch vụ Hòa Phú đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500, đến nay Sở TN&MT chưa nhận được hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất của dự án nên chưa thực hiện xác định nghĩa vụ tài chính theo giá thị trường”.

    Bình Dương: Làm rõ trách nhiệm để xảy ra sai phạm đất đai, xây dựng - Ảnh 3
    Khu công nghiệp Phú Tân.

    Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh Bình Dương còn nhiều dự án xây dựng không phép khác, như: Khu nhà ở Tuấn Điền Phúc tại Khu phố 5, phường Vĩnh Tân, thị xã Tân Uyên, do Công ty TNHH MTV Tuấn Điền Phúc làm chủ đầu tư; Khu dân cư thương mại dịch vụ Đông Bình Dương do Công ty TNHH Phát triển Đô thị Đông Bình Dương làm chủ đầu tư…

    Buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất đối với trường hợp vi phạm

    Cuối tháng 1/2022, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành Quyết định số 02 quy định về mức độ khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm đối với từng loại vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai trên địa bàn.

    Cụ thể, đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai trên địa bàn tỉnh sẽ bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm.

    Việc xác định tình trạng ban đầu của đất được thực hiện căn cứ vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai, cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia, bản đồ địa hình, bản đồ thổ nhưỡng; văn bản thanh tra, kiểm tra hoặc văn bản pháp lý khác được thành lập, ban hành trước thời điểm vi phạm pháp luật về đất đai có thể hiện tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm.

    Mức độ khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất được quy định đối với từng loại vi phạm.

    Đơn cử như đối với đất trồng lúa đã chuyển sang đất trồng cây lâu năm, đất trồng rừng thì buộc di dời các loại cây lâu năm, cây rừng đưa ra khỏi thửa đất; San lấp khôi phục lại tình trạng mặt bằng như ban đầu hoặc tương đương với độ cao với đất trồng lúa liền kề.

    Đối với các trường hợp vi phạm xảy ra trước ngày 1/7/2014 (Luật Đất đai 2013 có hiệu lực), không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (SDĐ) hoặc các trường hợp vi phạm xảy ra sau ngày này thì buộc tháo dỡ, di dời đưa khỏi đất các công trình đã xây dựng trên đất (nếu có), san lấp khôi phục lại tình trạng mặt bằng như ban đầu, buộc cải tạo lại đất để đảm bảo việc SDĐ theo đúng mục đích SDĐ.

    Đối với nhóm đất phi nông nghiệp, nếu chuyển sang đất không phải là đất ở, được Nhà nước giao đất có thu tiền SDĐ hoặc cho thuê đất trả tiền một lần sang đất ở (tại khu vực đô thị và nông thôn), tại các trường hợp vi phạm xảy ra trước ngày 1/7/2014, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch SDĐ thì cho phép giữ nguyên hiện trạng SDĐ như tại thời điểm phát hiện vi phạm và buộc thực hiện các thủ tục về đất đai theo quy định.

    Các trường hợp vi phạm xảy ra trước ngày 1/7/2014, không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch SDĐ hoặc các trường hợp vi phạm xảy ra sau ngày 1/7/2014 thì buộc tháo dỡ công trình xây dựng (nếu có) và buộc cải tạo mặt bằng để đảm bảo việc SDĐ theo đúng mục đích SDĐ…

    Quốc Phát

    Bạn đang đọc bài viết Bình Dương: Làm rõ trách nhiệm để xảy ra sai phạm đất đai, xây dựng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

    Tin mới