Thứ sáu, 04/10/2024 03:25 (GMT+7)
Thứ ba, 21/09/2021 07:32 (GMT+7)

Bình Định: BCG Phù Mỹ lấn chiếm hay phá rừng phòng hộ?

Theo dõi KTMT trên

Trên 5,26 ha rừng phòng hộ ven biển mà chủ đầu tư dự án BCG Phù Mỹ lấn chiếm từng có hàng nghìn cây keo, phi lao trên 15 năm tuổi với đường kính hơn 30 cm, nhưng đến nay không còn.

Nhiều điểm bất thường
Ngày 20/9, UBND tỉnh Bình Định yêu cầu UBND huyện Phù Mỹ làm rõ hành vi lấn chiếm đất rừng phòng hộ hay phá rừng trên khu đất 5,26 ha khi xây dựng dự án Nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ (BCG Phù Mỹ) tại xã Mỹ An, do Công ty cổ phần Phát triển tầm nhìn Năng lượng mới làm chủ đầu tư.
Trước đó, tối ngày 6/8, hàng chục người dân xã Mỹ An phát hiện đơn vị thi công dự án Nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ đưa công nhân, máy móc đến chặt phá rừng dương bên ngoài khu vực dự án tại thôn Xuân Bình (xã Mỹ An) vào ban đêm. 
Ngày 12/8, Đoàn kiểm tra của huyện Phù Mỹ đã kiểm tra, yêu cầu dừng thi công, việc chặt phá rừng dương ven biển vào ban đêm mới dừng lại.
Bình Định: BCG Phù Mỹ lấn chiếm hay phá rừng phòng hộ? - Ảnh 1
Bên trong khu đất 5,26 ha rừng phòng hộ mà NLS "lấn chiếm" để thực hiện dự án BCG Phù Mỹ.
Chủ tịch UBND xã Mỹ An và Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Phù Mỹ đều cho rằng diện tích rừng bị chặt phá nói trên là rừng phòng hộ ven biển.
Theo thông tin từ một người đang được Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Phù Mỹ thuê khoán bảo vệ 34,2 ha rừng phòng hộ ven biển xã Mỹ An (trong đó có 5,26 ha vừa bị phá) và cũng là nhân chứng đầu tiên phát hiện vụ phá rừng cung cấp cho báo chí, khẳng định rằng trước thời điểm bị phá, khu rừng này có hàng nghìn cây keo và phi lao trên 15 năm tuổi với đường kính hơn 30 cm, trong đó có rất nhiều cây do đích thân anh trồng.
Tuy nhiên, trong văn bản báo cáo do ông Phan Hữu Duy, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ gửi UBND tỉnh Bình Định ngày 16/9, Công ty cổ phần Phát triển tầm nhìn Năng lượng mới đã lấn chiếm 5,26 ha đất rừng phòng hộ ven biển trong quá trình làm dự án BCG Phù Mỹ. 
Trong văn bản này, phía UBND huyện Phù Mỹ không đề cập đến những hành vi phá rừng trong khu đất 5,26 ha bị lấn chiếm. 
Bên cạnh đó, báo cáo gửi UBND tỉnh Bình Định cũng không đề cập đến hiện trạng khu rừng phòng hộ trước khi bị phá, mà chỉ nói rằng "do nắng hạn từ khi trồng đến nay nên có cây, có nơi chết cục bộ".
UBND huyện Phù Mỹ kiến nghị UBND tỉnh Bình Định xem xét, xử phạt hành chính Công ty cổ phần Phát triển tầm nhìn Năng lượng sạch từ 60 - 150 triệu đồng.
Đồng thời, buộc doanh nghiệp phải trả lại 5,26 ha đất lấn chiếm rừng phòng hộ ven biển để giao lại địa phương quản lý và khắc phục hậu quả; Chỉ đạo kiểm điểm tập thể, cá nhân có liên quan để xảy ra vụ việc nói trên.
Bình Định: BCG Phù Mỹ lấn chiếm hay phá rừng phòng hộ? - Ảnh 2
Nhiều cây thông có đường kính trên 30 cm trong khu đất 5,26 ha rừng phòng hộ bị chặt hạ khi làm dự án BCG Phù Mỹ.
Văn bản này được đưa ra sau khi cơ quan chức năng huyện Phù Mỹ họp với sự tham gia của đại diện VKSND huyện, Phòng Tư pháp, Hạt Kiểm lâm... nhưng không có đại diện của Công an huyện Phù Mỹ tham gia.
Bên cạnh đó, thông tin từ phía Công ty cổ phần Phát triển tầm nhìn Năng lượng sạch về vụ việc cũng không hề nêu hành vi phá rừng mà chỉ nói đến "tác động" đất của doanh nghiệp này.
Cụ thể, báo cáo của doanh nghiệp này nói rằng trong quá trình chuẩn bị mặt bằng thi công giai đoạn 2 dự án BCG Phù Mỹ, do nhầm lẫn trong xác định ranh giới, cột mốc dự án nên đơn vị thi công đã "tác động" đến phần đất nằm ngoài ranh giới được UBND tỉnh Bình Định cho thuê đất với diện tích 5,26 ha.
Chủ đầu tư BCG Phú Mỹ là ai?
Dự án BCG Phú Mỹ gồm 3 nhà máy 1, 2, 3; Có diện tích 380 ha tại 2 xã Mỹ Thắng và Mỹ An (huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) tổng vốn đầu tư khoảng 6.200 tỉ đồng.
BCG Phú Mỹ là nhà máy năng lượng mặt trời có quy mô lớn nhất tỉnh Bình Ðịnh khi có công suất thiết kế 330 MW. Dự án được khởi công vào giữa năm 2020 nhưng chỉ 6 tháng sau giai đoạn 1 của dự án đã được đưa vào vận hành.
Hiện BCG Phú Mỹ đang triển khai thi công giai đoạn 2, dự kiến sẽ hoàn thành và đóng điện trước ngày 28/2/2021.
Để có vốn đầu tư dự án, tháng 12/2020, Công ty cổ phần Phát triển tầm nhìn Năng lượng mới (NLS) đã phát hành lô trái phiếu trị giá hơn 1.000 tỉ đồng, được bảo đảm bằng 85,9% vốn điều lệ của NLS. Tổ chức thu xếp phát hành là CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDS) – Chi nhánh Hà Nội.
Hồi tháng 10/2020, NLS cũng đã thế chấp nhiều tài sản liên quan đến dự án BCG Phù Mỹ tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) – Chi nhánh 12 TP.HCM.
Bình Định: BCG Phù Mỹ lấn chiếm hay phá rừng phòng hộ? - Ảnh 3
Đại diện Tập đoàn Bamboo Capital (BCG) trao quà UBND huyện Phù Mỹ tại lễ khởi công dự án BCG Phù Mỹ hồi giữa năm 2020.
Được biết, NLS là công ty thành viên trực thuộc Công ty cổ phần Năng lượng BCG (BCG Energy). Trong khi đó, BCG Energy lại là công ty con 100% vốn của Tập đoàn Bamboo Capital.
Tập đoàn Bamboo Capital (mã chứng khoán BCG) được thành lập vào năm 2011 và chính thức niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HOSE) vào năm 2015.
Năm 2019, BCG hợp nhất các danh mục đầu tư, tập trung vào 4 mảng hoạt động chính gồm: Sản xuất & Nông nghiệp, Phát triển hạ tầng & Bất động sản, Xây dựng & Thương mại, Năng lượng tái tạo.
Chủ tịch HĐQT BCG là ông Nguyễn Hồ Nam. Trước khi thành lập BCG, ông Nam là người sáng lập đồng thời là Chủ tịch của CTCP Chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (SBS). Bên cạnh đó, ông còn là Phó Tổng Giám đốc của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank).
Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2021 của BCG cho thấy dòng tiền hoạt động kinh doanh chính âm 7.506 tỉ đồng, nợ phải trả tăng thêm 44%, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 5,76 lần.
Ngoài ra, dòng tiền đầu tư của BCG tính đến ngày 30/6/2021 cũng âm 1.599 tỉ đồng. Để bù đắp thâm hụt dòng tiền hoạt động kinh doanh chính và phục vụ hoạt động đầu tư, BCG đã huy động dòng tiền tài chính là 9.487 tỉ đồng, chủ yếu là đi vay (9.924 tỉ đồng) và tăng vốn.

Khang Hưng

Bạn đang đọc bài viết Bình Định: BCG Phù Mỹ lấn chiếm hay phá rừng phòng hộ?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

TP.HCM: 9.000 hồ sơ đất đai "kẹt cứng"
Cục Thuế TP.HCM vừa gửi văn bản khẩn, kiến nghị UBND TP tổ chức họp giải quyết hồ sơ đất đai phát sinh từ 1/8/2024, đây là lần kiến nghị thứ ba trong tháng qua.

Tin mới

"Ăn rừng" từ bán tín chỉ carbon
Người xưa có câu “Ăn của rừng rưng rưng nước mắt”, để nói về việc tàn phá rừng sẽ chịu hậu quả. Nhưng giờ đây, “ăn rừng” không còn “rưng rưng” nữa, nhờ tiềm năng bán tín chỉ carbon rừng. Đó là mục tiêu, động lực phát triển kinh tế xanh, bền vững.