Thứ sáu, 03/05/2024 16:16 (GMT+7)
Thứ tư, 10/01/2024 15:34 (GMT+7)

Biết gì về Hải Hà Petro của đại gia Trần Tuyết Mai?

Theo dõi KTMT trên

Công ty TNHH Vận Tải Thủy Bộ Hải Hà (Hải Hà Petro) được biết đến là 1 “ông lớn” trong giới kinh doanh xăng dầu miền Bắc, doanh nghiệp này có trụ sở chính tại thị trấn Diêm Điền, Thái Thụy, Thái Bình, do bà Trần Tuyết Mai là người đại diện pháp luật.

Hải Hà Petro làm ăn ra sao?

Theo tìm hiểu, Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà (Hải Hà Petro) được thành lập ngày 8/9/2003 với vốn điều lệ ban đầu là 180,44 tỷ đồng do ông Tô Văn Thọ làm Chủ tịch HĐTV, kiêm người đại diện pháp luật.

Cơ cấu cổ đông ban đầu ngoài ông Trần Văn Thọ sở hữu 23,4% vốn còn có 5 cá nhân khác, gồm: bà Trần Tuyết Mai sở hữu 22,9%; ông Lê Phi Quang sở hữu 9,36%; bà Trần Thị Thu Hằng sở hữu 18,92%; bà Trần Thị An sở hữu 14,68% và ông Trần Văn Chín sở hữu 10,75%.

Biết gì về Hải Hà Petro của đại gia Trần Tuyết Mai? - Ảnh 1
Bà Trần Tuyết Mai, Chủ tịch HĐTV Hải Hà Petro.

Theo dữ liệu cập nhật mới nhất vào tháng 6/2023, ông Tô Văn Thọ rút toàn bộ vốn khỏi công ty, đồng thời vị trí Chủ tịch HĐTV cũng được nhường lại cho bà Trần Tuyết Mai. Hiện tại, cơ cấu cổ đông của Hải Hà Petro chỉ 3 thành viên, gồm: bà Trần Tuyết Mai nâng tỷ lệ sở hữu lên 69%; bà Trần Thị Thu Hằng sở hữu 21,3% và ông Ngô Thanh Vui sở hữu 9,7%.

Được biết, bà Trần Tuyết Mai và ông Tô Văn Thọ có cùng địa chỉ, 2 người này cũng thường xuyên có những giao dịch đảm bảo tại ngân hàng, trong đó ghi nhận phần lớn là việc dùng cổ phần của Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà đi thế chấp. Sau khi ông Thọ rút lui khỏi công ty, phần giao dịch thế chấp này chỉ đứng tên bà Mai.

Nói thêm về bà Trần Tuyết Mai, bà này sinh năm 1961, mặc dù là biết đến là một đại gia xăng dầu, nhưng truyền thông lại ít nhắc đến bà, chỉ có một vài thông tin khá ít khi bà Mai tham gia hoạt động thiện nguyện tại địa phương.

Năm 2020, bà Mai bất ngờ giữ chức chủ tịch Công ty CP Dược phẩm trung ương I (Pharbaco) sau khi Hải Hà Petro mua vào lượng lớn cổ phiếu PBC.

Và tháng 9/2023, Cục Thuế tỉnh Thái Bình có thông báo gửi Cục Quản lý xuất nhập cảnh – Bộ Công an về việc tạm hoãn xuất cảnh đối với bà Trần Tuyết Mai do doanh nghiệp bà đang đại diện pháp luật chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.

Còn về Hải Hà Petro, dù được biết đến là 1 “ông lớn” trong giới kinh doanh xăng dầu miền Bắc. Tuy nhiên, có 1 nghịch lý là ghi nhận doanh thu càng cao, doanh nghiệp này thua lỗ càng nặng.

Cụ thể, doanh thu Hải Hà Petro giai đoạn 2020-2022 liên tục tăng trưởng qua các năm, với mức tăng bình quân đạt 54,8%/năm. Tính riêng năm 2022, doanh thu Hải Hà Petro đạt 31.694 tỷ đồng, tăng gần 43% so với cùng kỳ năm trước, và cũng là con số cao nhất của công ty trong 7 năm trở lại đây.

Dù vậy, trừ đi giá vốn và chi phí, mức lỗ của Hải Hà Petro cũng liên tục tăng. Theo đó, công ty lỗ ròng 787 tỷ đồng năm 2020, lỗ 1.113 tỷ đồng năm 2021 và tiếp tục lỗ 2.049 tỷ đồng năm 2022.

Việc thua lỗ kéo dài qua các năm khiến vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp này bị “bào mòn”. Theo đó, tính đến cuối năm 2022, vốn chủ sở hữu công ty âm đến 4.692 tỷ đồng. Đây là con số rất cao so với năm 2021 (âm 1.470 tỷ đồng) và năm 2020 (âm 693 tỷ đồng).

Tính đến 31/12/2022, nợ phải trả của Hải Hà Petro lên đến 17.142 tỷ đồng, tăng 3.982 tỷ đồng, tương đương 30,3% so với cuối năm 2021, cao gấp 1,3 lần tổng tài sản công ty.

Đáng chú ý, trong 3 năm gần đây, Hải Hà Petro đã đưa về gần 60.000 tỷ đồng doanh thu. Thế nhưng, do liên tiếp thua lỗ nên số tiền thuế doanh nghiệp công ty đóng trong 3 năm qua chỉ khoảng 149 triệu đồng.

Doanh nghiệp nợ thuế nhiều nhất tỉnh Thái Bình

Theo danh sách doanh nghiệp nợ thuế được Cục Thuế tỉnh Thái Bình công khai hồi tháng 10/2023, Hải Hà Petro là doanh nghiệp có số nợ lớn nhất với tổng số nợ trên 1.781 tỷ đồng. Trong đó, có tới trên 90% là tiền thuế bảo vệ môi trường, mà người tiêu dùng mua xăng, dầu đã đóng vào ngân sách Nhà nước thông qua Hải Hà Petro...

Mới đây trong kết luận về thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý nhà nước về xăng dầu, Thanh tra Chính phủ cũng đã kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Công an tiếp nhận hồ sơ, tài liệu về hành vi phạm trong việc kê khai, nộp thuế bảo vệ môi trường, việc sử dụng Quỹ BOG Hải Hà Petro để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.

Ngày hôm qua (9/1), Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) - Bộ Công an đã tiến hành khám xét trụ sở Hải Hà Petro. Theo nguồn tin từ báo Thanh Niên cho biết, việc khám xét nhằm thu giữ 1 số tài liệu của công ty để phục vụ cho việc điều tra.

Mặc dù âm vốn và nợ thuế, nhưng Hải Hà Petro vẫn rót hàng trăm tỷ đồng vào cổ phiếu. Cụ thể, tại ngày 31/12/2022, đầu tư tài chính dài hạn tại Hải Hà đạt hơn 504 tỷ đồng. Trong đó, vụ thâu tóm Công ty cổ phần Dược phẩm Trung ương I - Pharbaco (mã chứng khoán: PBC) là thương vụ được chú ý nhất.

Thương vụ này được thực hiện từ năm 2020, thời điểm Hải Hà Petro đã thua lỗ, âm vốn chủ sở hữu (1.470 tỷ đồng) và nợ thuế (1.463 tỷ đồng).

H.A

Bạn đang đọc bài viết Biết gì về Hải Hà Petro của đại gia Trần Tuyết Mai?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

ROX Cons được vinh danh tại 2 bảng xếp hạng của Vietnam Report
Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng ROX Cons Việt Nam vào "Top 10 nhà thầu xây dựng hạ tầng - công nghiệp năm 2024" và "Top 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam" theo khảo sát của Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report).

Tin mới