Thứ tư, 24/04/2024 18:58 (GMT+7)
Thứ sáu, 31/07/2020 06:57 (GMT+7)

Bến Tre kết thúc thiên tai do xâm nhập mặn mùa khô 2019-2020

Theo dõi KTMT trên

Theo nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Bến Tre, hiện nay trên địa bàn tỉnh đã chính thức bước vào mùa mưa, kết thúc thiên tai do xâm nhập mặn mùa khô năm 2019-2020 trên địa bàn tỉnh.

Bến Tre kết thúc thiên tai do xâm nhập mặn mùa khô 2019-2020 - Ảnh 1
Hàng chục ngàn ha diện tích sản xuất lúa bi thiệt hại do hạn mặn.

Kết thúc hạn mặn

Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Cao Văn Trọng vừa ký quyết định số 1774/QĐ-UBND công bố Bến Tre đã kết thúc thiên tai do xâm nhập mặn mùa khô năm 2019-2020.

Kết luận trên căn cứ diễn biến thời tiết thực tế trên địa bàn tỉnh Bến Tre tính đến cuối tháng 7/2020. Cụ thể, độ mặn trên các sông chính của tỉnh giảm nhanh, độ mặn 4‰ chỉ còn tồn tại cách cửa sông khoảng 5 - 8 km. Sau đó, tiếp tục giảm, cấp độ rủi ro thiên tai do xâm nhập mặn dưới cấp độ 1.

Cho rằng đợt hạn mặn này khốc liệt hơn nhiều so với đợt mặn lịch sử mùa khô năm 2015-2016, UBND tỉnh Bến Tre đánh giá: Năm nay, xâm nhập mặn sâu và diễn ra sớm hơn so với trung bình nhiều năm khoảng hai tháng. Độ mặn duy trì ở mức rất cao trong thời gian dài (trên 4 tháng), độ mặn 5%o hầu như bao trùm trong phạm vi toàn tỉnh.

Do đó, mặc dù hạn mặn chính thức kết thúc, song UBND tỉnh Bến Tre đã xây dựng nhiều giải pháp kịp thời nhằm giảm thiểu những thiệt hại mà hạn mặn ây ra đối với cuộc sống người dân.

Thứ nhất, Bến Tre chú trọng giải pháp triển khai nhanh các công trình để chủ động ứng phó với tình trạng xâm nhập mặn được dự báo sẽ tiếp tục diễn ra theo hướng bất thường và ngày càng khốc liệt hơn.

Thứ hai, UBND tỉnh Bến Tre chỉ đạo các ngành liên quan nghiên cứu, định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên cơ sở tác động của hạn, mặn và sự thay đổi của thị trường. Cùng với đó, việc kiểm soát nhiễm mặn cũng được tỉnh rà soát, bổ sung khép kín các công trình thủy lợi để đến năm 2023 khép kín được hệ thống thủy lợi.

Thứ ba, Bến Tre tiên nguồn lực và tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình thủy lợi trọng điểm trên địa bàn tỉnh như các công trình của Dự án JICA 3. Các hạng mục còn lại của dự án thủy lợi Nam - Bắc Bến Tre, nhất là gia cố hệ thống đê ven sông; đầu tư hoàn chỉnh, đồng bộ dự án cấp nước sinh hoạt cho dân cư khu vực Cù Lao Minh trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng; nghiên cứu đầu tư xây dựng thêm hồ chứa nước ngọt tại huyện Ba Tri và các huyện ven biển…

Thứ tư, tỉnh xây dựng hoàn thành các công trình cấp nước dở dang, đồng thời nâng cấp, mở rộng, duy tu, bảo quản và vận hành các công trình hiện có đảm bảo hoạt động có hiệu quả; rà soát, đánh giá hiệu quả các đập tạm để nâng cao hiệu quả sử dụng trong thời gian tới. Vấn đề thực hiện trữ nước ngọt và nước mưa dự phòng khi hạn mặn xảy ra cũng được tỉnh đặc biệt được quan tâm.

Thiệt hại hàng nghìn tỉ đồng

Gây thiệt hại rất lớn, trên 1.660 tỉ đồng, xâm nhập mặn đã tác động đến hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh Bến Tre. Không chỉ vậy, xâm nhập mặn còn khiến tình trạng cấp nước bị nhiễm mặn ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, đời sống và sản xuất của người dân.

Bến Tre kết thúc thiên tai do xâm nhập mặn mùa khô 2019-2020 - Ảnh 2
Nhiều tuyến kênh rạch nội đồng ở một số tỉnh vùng ĐBSCL đã bị khô cạn.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Hữu Lập: “Chỉ riêng lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản có 27.985 ha cây ăn quả, 1,2 triệu hoa kiểng các loại, 600 ha cây giống tại huyện Chợ Lách, 168 ha hoa màu, 3.097 ha nuôi thủy sản bị thiệt hại và ảnh hưởng, ước tổng giá trị thiệt hại đến nay khoảng 1.660 tỉ đồng”.

Cũng theo ông Lập, mặc dù tỉnh Bến Tre có trữ lượng nước mặt lớn, tuy nhiên, do giáp biển và có 4 cửa sông lớn, nguồn nước ngọt phụ thuộc vào mùa mưa và nguồn nước từ thượng nguồn đổ về dẫn đến thiếu nước ngọt vào mùa khô và thừa nước ngọt vào mùa mưa.

Để đảm bảo ổn định nguồn nước ngọt phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất kinh doanh của nhân dân, tỉnh Bến Tre kiến nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét ban hành Nghị quyết về an ninh nguồn nước khu vực Đồng bằng sông Cửu Long . Cụ thể, tỉnh đề xuất Chính phủ bố trí vốn Trung ương khoảng 250 tỉ đồng để Bến Tre đầu tư tiếp các hồ chứa nước ngọt quy mô 1,5 triệu m3 phục vụ cho 3 huyện ven biển. Đồng thời, xem xét bố trí vốn để Bến Tre triển khai đầu tư tiếp các hạng mục còn lại dự án Hệ thống thủy lợi Bắc và Nam Bến Tre…

Năm 2020, Đồng bằng sông Cửu Long trải qua một đợt xâm nhập mặn gay gắt, vượt mức năm 2016 – năm hạn mặn kỷ lục

Theo Trung tâm Khí tượng Thuỷ văn quốc gia, từ ngày 11/3, 5 tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long gồm: Cà Mau, Bạc Liêu, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bến Tre và Tiền Giang đã công bố tình huống khẩn cấp vì hạn mặn.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân chính dẫn đến hạn xâm ngập mặn tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long năm 2020 là do: Lượng nước vào Đồng bằng sông Cửu Long các tháng cuối mùa mưa năm 2019 và các tháng đầu năm 2020 thấp hơn bình quân nhiều năm; Lượng mưa các tháng cuối mùa mưa năm 2019 cũng thấp hơn trung bình nhiều năm làm cho thế cân bằng giữa nước mặn và nước ngọt có xu hướng dịch vào sâu trong đất liền (đó là quy luật tất yếu); Nguyên nhân chủ quan vẫn là việc sản xuất nông nghiệp chưa chuyển đổi đáng kể cho nên lượng nước sử dụng vẫn còn lớn gây áp lực lên nguồn nước.

Tại thời điểm tháng 4/2020, theo Tổng cục Thủy lợi, ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn đến sản xuất vụ đông xuân là khoảng 35.800ha, tương đương 2,3% diện tích gieo trồng; trong đó, Long An 5.330ha, Kiên Giang 4.960ha, Trà Vinh 17.390ha, Sóc Trăng 5.580ha, Cà Mau 2.450ha… Tổng diện tích gieo cấy lúa đông xuân 2019-2020 là 1,54 triệu ha; trong đó đã thu hoạch được trên 1,34 triệu ha.

Về nước sinh hoạt, có khoảng 80.700 hộ dân đang gặp khó khăn về nước sinh hoạt, điển hình Sóc Trăng 20.400 hộ, Cà Mau 18.500 hộ, Bến Tre 12.700 hộ, Kiên Giang 11.300 hộ…

Nhật My

Bạn đang đọc bài viết Bến Tre kết thúc thiên tai do xâm nhập mặn mùa khô 2019-2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới