Bến Tre: Các cấp chính quyền tăng cường công tác phòng, chống thiên tai
Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bến Tre đề nghị các sở, ngành... trong tỉnh khẩn trương triển khai các biện pháp phòng tránh, ứng phó thiên tai vào cuối năm 2024.
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bến Tre đã chỉ đạo khẩn trương triển khai các biện pháp phòng tránh và ứng phó thiên tai trong những tháng cuối năm 2024. Các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương trong tỉnh được yêu cầu tập trung thực hiện các kế hoạch nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân, đặc biệt trong bối cảnh thiên tai diễn biến phức tạp khi mùa mưa bão đến gần.
Cụ thể, Ban Chỉ huy nhấn mạnh sự cần thiết của việc thực hiện các chỉ đạo từ Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các cơ quan liên quan trong việc chủ động ứng phó với những rủi ro thiên tai như dông lốc, bão, áp thấp nhiệt đới, triều cường, ngập úng và sạt lở bờ sông, bờ biển. Các địa phương phải rà soát và cập nhật thường xuyên các kế hoạch phòng chống thiên tai theo phương châm "4 tại chỗ", đảm bảo năng lực sẵn sàng ứng phó tại địa phương. Đặc biệt, cần chú trọng đến các khu vực trọng yếu như đê bao các cồn, vườn cây ăn trái, các khu nuôi thủy sản và hệ thống công trình đầu mối, tuyến bờ bao.
Để phòng tránh hiệu quả, các sở, ban, ngành và địa phương được yêu cầu theo dõi sát sao thông tin dự báo từ các cơ quan chuyên môn, kịp thời thông báo cho người dân để họ có biện pháp phòng tránh hợp lý. Người dân được khuyến cáo gia cố nhà cửa, chằng chống cẩn thận và chặt tỉa cây cối nhằm hạn chế thiệt hại do mưa bão và gió lốc. Các biện pháp bảo vệ cây trồng, vật nuôi, và hệ thống thủy sản cũng được khuyến nghị nhằm đảm bảo giảm thiểu tác động của thiên tai.
Bên cạnh đó, các địa phương cần tăng cường kiểm tra, khắc phục ngay các công trình đê điều, thủy lợi bị hư hỏng, đặc biệt là tại những khu vực quan trọng như đê bao quanh các vườn cây ăn trái và khu vực nuôi thủy sản. Việc giám sát các khu dân cư ven biển, ven sông và những vùng có nguy cơ sạt lở cũng cần được thực hiện nghiêm ngặt, nhất là ở các cồn Phú Đa, Thành Long, Tam Hiệp và các điểm sạt lở tại huyện Ba Tri, Thạnh Phú.
Ông Trần Hữu Nghị, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Chợ Lách cho biết địa phương này thường xuyên đối mặt với sạt lở bờ sông và đê bao do hệ thống sông ngòi chằng chịt và con sông lớn bao quanh. Việc gia cố các tuyến đê bao ven sông đang được ưu tiên hàng đầu nhằm bảo vệ cơ sở hạ tầng và đời sống của người dân.
Trong những năm qua, huyện Chợ Lách đã xây dựng hơn 26 km đê bao bảo vệ 10.248 ha đất nông nghiệp. Trong đó, hệ thống đê bao chống lũ được đầu tư kiên cố với hơn 126 km đê bao phủ diện tích gần 6.500 ha đất nông nghiệp giúp giảm thiểu thiệt hại do ngập lụt và thiên tai.
Từ đầu năm 2024 đến nay, Bến Tre đã chứng kiến nhiều đợt triều cường và mưa bão, gây ảnh hưởng nặng nề cho sản xuất và đời sống. Triều cường kết hợp với gió mạnh đã làm xói lở gần 140 mét bờ kè và ảnh hưởng đến hơn 128 ha đất sản xuất. Mưa giông và lốc xoáy đã làm hư hại 180 căn nhà và gần 20 ha vườn cây ăn trái bị đổ gãy. Đặc biệt, các vụ sạt lở bờ sông đã gây thiệt hại đến đất sản xuất nông nghiệp và các công trình giao thông quan trọng.
Vụ sạt lở mới nhất xảy ra vào sáng 17/9 tại cồn Phú Đa, xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách, gây ảnh hưởng đến 19 hộ dân và làm ngập úng 3 ha cây ăn trái nhấn mạnh tính cấp bách của việc triển khai các biện pháp phòng ngừa và khắc phục thiên tai một cách toàn diện.
Thiên tai hay thảm họa môi trường đang ngày càng đe dọa đến đời sống vật chất lẫn đời sống tinh thần của con người. Không chỉ riêng Bến Tre, nhiều nơi trên thế giới hay khu biệt nhỏ hơn là ở Việt Nam ta đang phải gồng mình chịu sự tàn khốc của mẹ thiên nhiên. Định nghĩa về vấn đề này, GS.TS Hoàng Xuân Cơ - Trưởng Ban Khoa học của Hội Kinh tế Môi Môi trường Việt Nam đã nhận xét như sau: “Khái niệm về thảm họa môi trường được đề cập trong wikipedia tiếng Việt: “Thảm họa môi trường hoặc thảm họa sinh thái là một sự kiện thảm khốc liên quan đến môi trường do hoạt động của con người. Điều này phân biệt thảm họa môi trường so với thảm họa tự nhiên. Nó cũng khác với các hành động chiến tranh có chủ ý như ném bom hạt nhân”. Qua khái niệm này chúng ta có thể chấp nhận vế đầu, coi thảm họa môi trường là sự kiện thảm khốc, có mức tổn hại, mức tàn phá lớn đối với hệ sinh thái, gây tác động lớn, phạm vi rộng đến cuộc sống con người. Định nghĩa này loại trừ vụ việc ném bom nguyên tử của Mỹ xuống hai thành phố Nhật Bản trong năm 1945 vì đó là sự kiện có chủ đích của Mỹ, có thể coi là tội phạm đối với loài người. Thật ra, trong nhiều trường hợp rất khó phân biệt rõ thảm họa nào hoàn toàn có liên quan đến con người, thảm họa nào chỉ do thiên nhiên gây ra khi mà nhiều thảm họa, tai biến thiên nhiên có gắn với biến đổi khí hậu, nóng lên toàn cầu do gia tăng phát thải khí nhà kính của con người”.
Các hiện tượng như lũ lụt, bão tố, hạn hán hay sạt lở đất không chỉ làm thiệt hại về người và tài sản, mà còn gây tổn hại sâu sắc đến tâm lý và tinh thần của cộng đồng. Cuộc sống bị đảo lộn, sự lo âu và bất an ngày càng gia tăng, khi mà nhiều gia đình mất đi mái ấm, đồng ruộng bị tàn phá và nguồn nước sạch trở nên khan hiếm.
Trong bối cảnh đó, việc nâng cao nhận thức và hành động quyết liệt để ứng phó với thiên tai là điều cần thiết hơn bao giờ hết. Chính quyền và người dân cần chung tay thực hiện các biện pháp phòng ngừa, bảo vệ môi trường, đồng thời xây dựng những kế hoạch ứng phó hiệu quả nhằm giảm thiểu thiệt hại và khôi phục nhanh chóng cuộc sống sau thiên tai. Thêm vào đó, việc phát triển bền vững và bảo vệ hệ sinh thái cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu rủi ro thiên tai, đảm bảo cho một tương lai an toàn và ổn định hơn cho tất cả mọi người.
Bến Tre đang bước vào giai đoạn cao điểm của mùa thiên tai, với nhiều thách thức lớn từ dông lốc, bão, triều cường và sạt lở đất đe dọa đời sống người dân và sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là các huyện ven biển và vùng trũng. Mưa lớn kéo dài gây ngập úng, sạt lở đất làm chia cắt giao thông, ảnh hưởng đến việc đi lại và sinh hoạt của người dân. Đồng thời, gió mạnh và sóng lớn cũng đe dọa các công trình ven biển, gây thiệt hại lớn cho ngành nuôi trồng thủy sản. Để ứng phó với tình hình này, chính quyền địa phương đã và đang triển khai nhiều biện pháp cấp bách như củng cố công trình thủy lợi, gia cố đê biển, sơ tán dân khỏi vùng nguy hiểm. Tuy nhiên, trước những diễn biến phức tạp của thời tiết, việc ứng phó với thiên tai vẫn còn nhiều khó khăn. Người dân cần nâng cao ý thức phòng tránh, chủ động bảo vệ bản thân và gia đình trước những diễn biến bất thường của thời tiết.
Thanh Trúc