Thứ bảy, 20/04/2024 09:03 (GMT+7)
Thứ năm, 21/11/2019 07:05 (GMT+7)

Bất động sản thương mại 'ứng phó' với ô nhiễm không khí và nguồn nước

Theo dõi KTMT trên

Trong bối cảnh ô nhiễm không khí và nguồn nước ở Hà Nội và TP.HCM ngày càng nghiêm trọng, chiến lược đầu tư và kinh doanh của chủ dự án bất động sản (BĐS) cũng phải xoay chuyển “ứng phó” với nguy cơ ô nhiễm môi trường, đảm bảo cuộc sống trong lành cho cư dân.

Bất động sản thương mại 'ứng phó' với ô nhiễm không khí và nguồn nước - Ảnh 1
Ðối với BÐS thương mại, các chủ dự án ngày càng chú trọng đầu tư vào các biện pháp nhằm tăng hiệu quả tòa nhà, giảm tiêu thụ năng lượng và khí thải. Ảnh: TTXVN

Ô nhiễm bủa vây các đô thị lớn

Liên tiếp trong nhiều tuần tháng 9 và 10 vừa qua, chất lượng không khí ở hai đô thị lớn là Hà Nội và TP.HCM có những thời điểm chạm mức ô nhiễm cao, gây hại cho sức khỏe. Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ TN&MT được tổ chức vào tháng 10/2019, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) Hoàng Văn Thức cho biết, ô nhiễm không khí ở Hà Nội và TP.HCM trong năm nay có khác thường so với mọi năm và ô nhiễm cục bộ tăng lên.

Cụ thể, tại Hà Nội, nồng độ bụi mịn PM2.5 trong tháng 9/2019 tăng mạnh so với các tháng trước đó và cao nhất 5 năm qua. Ðặc biệt, từ ngày 15-17/9 và 23-29/9 có thời điểm nồng độ bụi mịn tăng hơn 75%, giá trị PM2.5 trung bình 24 giờ đều vượt tiêu chuẩn, quy chuẩn của Việt Nam. Không chỉ ô nhiễm không khí, sự cố cháy kho xưởng của Nhà máy Rạng Ðông đã làm phát thải thuỷ ngân, các chất độc hại ra môi trường vào cuối tháng 8 vừa qua cũng khiến cuộc sống của hàng vạn hộ dân ở Hà Nội bị ảnh hưởng.

Tại TP.HCM, tháng 9 cũng là thời điểm giao mùa nên chất lượng không khí có những diễn biến theo chiều hướng xấu. Tổng hợp kết quả quan trắc của Sở TN&MT TP.HCM và trạm quan trắc tự động của Lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM cho thấy, từ ngày 1-23/9/2019 có sự gia tăng mạnh mẽ nồng độ bụi PM2.5 trong không khí.

Bên cạnh ô nhiễm không khí, nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm nghiêm trọng cũng là vấn nạn đáng báo động tại nhiều đô thị lớn của Việt Nam. Các dòng sông, ao hồ ở Hà Nội và TP.HCM hiện bị ô nhiễm nặng vì nước thải đô thị. Theo Báo cáo Hiện trạng môi trường quốc gia năm 2018, hai đô thị này đã xả thải vào môi trường khoảng 700.000 - 900.000m3 nước thải mỗi ngày, tuy nhiên tỉ lệ nước thải được xử lý mới chỉ đạt khoảng 12,5% là mức rất thấp.

Hơn nữa, việc chôn lấp chất thải bất hợp pháp, khu vực chôn lấp thiếu vệ sinh nằm gần nguồn nước và thu gom chất thải thô sơ… đã dẫn đến tình trạng rác thải “đe doạ” làm ô nhiễm nguồn nước.

Ðỉnh điểm của ô nhiễm nguồn nước gây chấn động dư luận là hệ thống nước sạch sông Ðà bị nhiễm dầu thải do các đối tượng xấu đổ trộm vào nguồn nước diễn ra hôm 8/10. Theo kết quả công bố của Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Ðức Chung, kết quả xét nghiệm xác định mùi lạ trong nước liên quan đến chất styren với mức vượt ngưỡng từ 1,3 – 3,6 lần so với bình thường. Styren thuộc nhóm các chỉ tiêu giám sát mức độ C, mức giới hạn theo QCVN 01:2009/BYT là 20 mg/lít. Thế nhưng, từ lúc xảy ra sự cố, nhà máy này vẫn cung cấp thứ nước bẩn nhiễm váng dầu cho hàng triệu người dân ở khu vực phía Tây Hà Nội sử dụng sinh hoạt, bất chấp hậu quả nguy hiểm tới sức khoẻ con người.

Có thể nói, chưa bao giờ những nguy cơ từ không khí và nước sạch lại được cảnh báo nhiều như vậy. Ðiều này đang làm dấy lên mối lo ngại không hề nhỏ trong cộng đồng, đe doạ sức khoẻ và chất lượng sống của người dân đô thị.

Bất động sản thương mại 'ứng phó' với ô nhiễm không khí và nguồn nước - Ảnh 2
Nước sạch bị nhiễm dầu ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng vạn người dân ở Thủ đô. Ảnh: TTXVN

Bất động sản chịu ảnh hưởng nặng nề

Trao đổi với Tạp chí Kinh tế Môi trường, ông Nguyễn Văn Ðính - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) cho rằng, tầm ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường đến lĩnh vực BÐS thương mại đang ngày càng trở nên rõ rệt và để lại hệ luỵ lâu dài.

Ông Ðính phân tích, thị trường BÐS đang thúc đẩy phát triển kinh tế qua các sản phẩm nhà ở đô thị hiện đại, công trình hạ tầng, du lịch. Rõ ràng vùng nào có ô nhiễm thì sức hút, tính hấp thụ của thị trường BÐS ở đó sẽ giảm đi đáng kể. Ô nhiễm càng nghiêm trọng, mức độ chịu ảnh hưởng của thị trường BÐS càng nghiêm trọng.

“Ở thời điểm hiện tại nhiều DN cũng đã ý thức được vấn đề này bằng việc tập trung đầu tư vào các công trình xanh, thân thiện với môi trường và sử dụng các biện pháp nhằm tăng hiệu quả tòa nhà, giảm tiêu thụ năng lượng và khí thải”, ông Ðính nói và cho rằng trong bối cảnh này, DN còn đưa các sản phẩm có thể kiểm tra xử lý bước đầu những nguồn gây ô nhiễm (hệ thống lọc không khí, hệ thống lọc nước…) đáp ứng nhu cầu sống của người dân.

Ðặc biệt là người dân ở các thành phố lớn có nhu cầu nâng cao chất lượng môi trường sống, nguồn nước, không khí, xử lý chất thải… thay vì chỉ cần chỗ để ở như trước đây. Ðó cũng là lý do vì sao các phân khúc nhà ở cao cấp, hạng sang thân thiện với môi trường đưa ra thị trường được hấp thụ rất cao.

Ðồng quan điểm, bà Lucy Auden, lãnh đạo toàn cầu của bộ phận ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị) tại Quản lý Ðầu tư của Savills Việt Nam, các nhà quản lý đầu tư BÐS đã và đang dần lưu tâm hơn đến vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu. Ðây cũng sẽ là xu hướng phát triển bất động sản (BÐS) Việt Nam và quốc tế trong tương lai mà các chủ đầu tư cần lưu ý.

Thay vì nói “tôi sẽ mua tòa nhà xanh này để làm đẹp danh mục đầu tư”, khách hàng đang bắt đầu suy nghĩ: “Nếu tôi mua một tòa nhà không hiệu quả và không có kế hoạch gì để cải thiện khả năng chống chịu và hiệu quả của tòa nhà, liệu tôi có thể bán nó được không? Với sự lo ngại về khí hậu ngày một tăng, liệu 15-20 năm nữa có nhà đầu tư nào mua BÐS mà sẵn sàng chấp nhận việc không phòng ngừa rủi ro liên quan tới khí hậu?”, bà Lucy Auden nhấn mạnh.

Theo bà Lucy Auden, yếu tố gạch vữa của BÐS làm cho ngành này phải đối mặt với nhiều rủi ro hơn từ biến đổi khí hậu. 40% lượng khí thải carbon toàn cầu đến từ môi trường xây dựng, đồng nghĩa với cơ hội giảm lượng khí thải toàn cầu từ lĩnh vực BÐS. Phòng ngừa và thích ứng với biến đổi khí hậu đều có tác động mạnh mẽ đến việc đầu tư BÐS.

Bất động sản thương mại 'ứng phó' với ô nhiễm không khí và nguồn nước - Ảnh 3
Một số dự án BÐS chọn sử dụng kính thân thiện môi trường, giảm đảo nhiệt đô thị, cải thiện chất lượng không khí xung quanh. Ảnh: Báo TN&MT

Thay đổi chiến lược đầu tư công trình xanh

Ở Việt Nam, đối với BÐS thương mại, các chủ dự án ngày càng chú trọng đầu tư vào các biện pháp nhằm tăng hiệu quả tòa nhà, giảm tiêu thụ năng lượng và khí thải.

Bà Hoàng Nguyệt Minh - Phó Giám đốc Tư vấn đầu tư Savills Hà Nội cho biết, nhiều dự án thương mại ở Việt Nam đã đạt được hay tuân theo tiêu chuẩn về chứng nhận xanh và hiệu quả năng lượng. Các dự án cần phải đáp ứng được điều kiện giảm thiểu lượng tiêu thụ nước tới 50% thông qua tái chế, giảm tiêu thụ năng lượng 13% nhờ quản lý tòa nhà hiệu quả. Ðơn cử, chứng chỉ LEED về thiết kế tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường được công nhận rộng rãi nhất trên thế giới. Dự kiến một số tòa nhà văn phòng hạng A quốc tế cao cấp nhất ở Hà Nội và TP.HCM sẽ đáp ứng tiêu chuẩn của chứng chỉ này.

“Bộ lọc, các vật liệu tỏa khí thải thấp và cảm biến đã được lắp đặt để duy trì chất lượng không khí tốt trong nhà; mặt khác các tấm kính mặt ngoài dự án được xử lý để giúp cải thiện chất lượng không khí bên ngoài. Bằng cách sử dụng vật liệu ít tỏa khí thải bên trong tòa nhà, làm giảm nồng độ các chất ô nhiễm hóa học có thể gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng không khí, sức khỏe con người và môi trường” - bà Nguyệt chỉ rõ.

Các chuyên gia đều cho rằng việc tăng cường sử dụng các nguồn năng lượng tái chế tại các tòa nhà, đồng thời trong quá trình vận hành chủ đầu tư nên thiết kế các loại vật liệu, thiết bị giảm thiểu tiêu thụ điện, sẽ góp phần quan trọng trong việc giải quyết khủng hoảng ô nhiễm không khí, mà nhiều doanh nghiệp đã áp dụng vào các công trình xanh.

Trong xu hướng BÐS thân thiện với môi trường, việc thực hiện các giải pháp “ứng phó” với tình trạng này về lâu có thể làm tăng chi phí đầu tư của doanh nghiệp nên hiện sẽ khó áp dụng ở các dự án nhà thu nhập thấp, nhà tái định cư. Do đó, theo ông Nguyễn Văn Ðính, cơ quan quản lý nhà nước và các đơn vị chuyên môn cần có những giải pháp thiết thực để giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường sống ở đô thị, thay vì người dân, doanh nghiệp phải loay hoay tìm cách tự cứu mình.

Ngọc Lê

Bạn đang đọc bài viết Bất động sản thương mại 'ứng phó' với ô nhiễm không khí và nguồn nước. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Giá nhà tăng liên tiếp 19 quý, mua nhà rẻ chỉ có trên tivi
Thời gian qua, thị trường bất động sản đang bị đẩy giá lên cao ở hầu hết các phần khúc. Nếu tình trạng này vẫn diễn ra thì nhu cầu mua nhà ở thực của người dân sẽ không được đáp ứng mà chỉ là cơ hội cho hiện tượng đầu cơ.

Tin mới