Thứ sáu, 29/03/2024 11:55 (GMT+7)
Chủ nhật, 09/02/2020 10:00 (GMT+7)

Bất động sản 'lặng sóng', vì đâu các doanh nghiệp vẫn lãi đột biến?

Theo dõi KTMT trên

Mặc dù thị trường bất động sản đang rơi vào trạng thái 'hoạt động cầm chừng', giao dịch ảm đạm, nguồn cung hàng dè dặt... nhưng một số doanh nghiệp lớn gần đây vẫn công bố lợi nhuận 'khủng' của năm 2019.

Năm 2019 thị trường bất động sản có phần "lặng sóng" khi không còn nhiều dự án mới mở bán, nguồn cung hạn chế, trong khi đó liên tục xảy ra các vụ việc lùm xùm pháp lý về sở hữu chung cư, condotel, chậm tiến độ bàn giao dự án cũng như không thực hiện cam kết lợi nhuận từ condotel... Vụ "vỡ trận Cocobay" đã gây rúng động thị trường và làm giảm niềm tin của nhà đầu tư vào loại hình căn hộ lai giữa chung cư và khách sạn này.

Bất động sản 'lặng sóng', vì đâu các doanh nghiệp vẫn lãi đột biến? - Ảnh 1
Hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp lớn vẫn ghi nhận sự tăng trưởng lợi nhuận cao.

Dù vậy, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp lớn vẫn ghi nhận sự tăng trưởng khả quan, báo lãi rất cao do nhiều dự án được triển khai từ các năm trước, đến giờ bước vào giai đoạn hoàn thiện, được ghi nhận doanh thu.

Đáng kể nhất là Công ty cổ phần Vinhomes - một thành viên của Tập đoàn Vingroup ghi nhận tổng doanh thu (bao gồm doanh thu thuần ghi nhận từ các dự án của Vinhomes và doanh thu phát sinh từ các dự án hợp tác với Vingroup) trong năm 2019 là 67.281 tỉ đồng. Trong đó, doanh thu thuần của Vinhomes đạt 51.826 tỉ đồng, tăng 34% so với lũy kế năm 2018. Các dự án hợp tác kinh doanh với Vingroup và các công ty con đem về doanh thu 15.455 tỉ đồng.

Lợi nhuận sau thuế đạt 24.206 tỉ đồng, tương đương 118% kế hoạch, tăng 64% so với năm 2018. Riêng công ty mẹ có lãi ròng 21.305 tỉ đồng, tăng 49% so với năm 2018. Thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) năm 2019 đạt 6.369 đồng, tăng 41% so với EPS năm 2018. Đây là mức lợi nhuận được ghi nhận là cao nhất trong số các doanh nghiệp có cổ phiếu giao dịch trên sàn chứng khoán Việt Nam.

Bất động sản 'lặng sóng', vì đâu các doanh nghiệp vẫn lãi đột biến? - Ảnh 2
Vinhomes mở bán dự án Vinhomes Oceanpark tại Hà Nội.

Bất chấp thị trường bất động sản ảm đạm, nhiều chủ đầu tư hoạt động cầm chừng thì Vinhomes vẫn đẩy mạnh kinh doanh. Riêng trong quý 4 năm 2019, Vinhomes mở bán dự án Vinhomes Symphony – khu căn hộ cao cấp liền kề Vinhomes Riverside tại Hà Nội và các phân khu Sapphire và Ruby tại các đại dự án Vinhomes Smart City và Vinhomes Ocean Park. Cùng với đó, dự án Vinhomes Symphony ngay khi vừa ra mắt đã ghi nhận tỉ lệ hấp thụ lên đến 83% trên tổng số gần 800 căn đã mở bán.

Tính đến ngày 31/12/2019, tổng tài sản Vinhomes đạt 197.170 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu đạt 64.756 tỉ đồng, tăng lần lượt 65% và 35% so với cuối năm 2018.

Bất động sản 'lặng sóng', vì đâu các doanh nghiệp vẫn lãi đột biến? - Ảnh 3
Kết quả kinh doanh của Vinhomes quý IV/2019.

Năm 2019 cũng là năm ghi nhận kết quả kinh doanh đột biến của Công ty cổ phần Tập đoàn FLC ở mảng bất động sản và khởi động hàng loạt dự án từ Bắc vào Nam, từ quần thể du lịch nghỉ dưỡng FLC Quảng Ngãi (Quảng Ngãi), đô thị Đại học FLC (Quảng Ninh), đô thị FLC LaVista Sa Đec (Đồng Tháp) cho đến đô thị FLC Legacy Kontum (tỉnh Kon Tum)… Nhờ đó, doanh thu từ mảng bất động sản vẫn tiếp tục ghi nhận trên 10.000 tỉ đồng. Luỹ kế năm 2019, tổng doanh thu thuần đạt 16.419 tỉ đồng, tăng hơn 40% so với năm 2018, lợi nhuận sau thuế đạt 679 tỉ đồng, tăng mạnh gần 45% và đạt 119% kế hoạch đề ra.

Năm qua, hệ sinh thái FLC cũng ra mắt thương hiệu FLCHomes là công ty chủ lực kinh doanh, đầu tư bất động sản cao cấp của tập đoàn với quỹ dự án lên tới 300 dự án. Theo đó, FLCHomes cũng báo lãi sau thuế gần 220 tỉ đồng, về đích trước 1 tháng so với kế hoạch.

Bất động sản 'lặng sóng', vì đâu các doanh nghiệp vẫn lãi đột biến? - Ảnh 4
Khách sạn xanh The Coastal Hill – FLC Grand Hotel Quy Nhơn.

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp bất động sản có tiếng khác như Tập đoàn CEO, Đất Xanh, Nova Land... cũng lần lượt công bố kết quả kinh doanh của năm 2019 có lãi "khủng" hàng nghìn tỉ đồng.

Cụ thể, năm 2019, doanh thu thuần của Tập đoàn bất động sản Đất Xanh (mã: DXG) tăng trưởng 43%, đạt 2.016 tỉ đồng. Trong đó doanh thu từ bán căn hộ, đất nền gấp 3 lần cùng kỳ, chiếm 46% cơ cấu. Biên lợi nhuận gộp đạt 47%, giảm 25% so với cùng kỳ. Dù vậy, Đất Xanh hiện đang có lượng hàng tồn kho tăng mạnh 47%, lên tới 6.791 tỉ đồng. Hàng tồn kho chủ yếu ở các dự án bất động sản dở dang từ các kỳ trước như Gemriverside, Opal Skyview, Tuyên Sơn, Opal City, Sunshine Resident... và phát sinh trong kỳ này là Opal Skyline, La maison và các dự án khác.

Tương tự, với việc mở rộng quỹ đất lớn và đầu tư dự án du lịch nghỉ dưỡng đình đám ở Phú Quốc, Vân Đồn, Công ty cổ phần Tập đoàn C.E.O (mã: CEO) đang gặt hái quả ngọt. Kết thúc năm 2019, Tập đoàn CEO ghi nhận 4.633 tỉ đồng doanh thu, tăng 95,4% so với năm 2018, trong đó doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh là 4.550 tỉ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 608 tỉ đồng, tăng trưởng 63,4%. Lãi ròng công ty mẹ đạt 448 tỉ đồng, cao gấp đôi năm trước. Dù vậy, biên lãi gộp cũng giảm còn 32% từ mức 38% của năm 2018.

Đại gia địa ốc phía Nam - Nova Land mới đây gây xôn xao dư luận khi xuất hiện đơn cầu cứu Bộ trưởng Xây dựng nhằm có hướng đẩy nhanh tiến độ dự án khu dân cư Bình Khánh (diện tích 32 hecta) bị chậm triển khai nhiều năm. Đây là dự án do Công ty TNHH Phát Triển Quốc Tế Thế Kỷ 21 - là công ty thành viên của Tập đoàn Novaland - làm chủ đầu tư. Hiện, dự án đã hoàn thiện xong giai đoạn 1 với hơn 506 căn hộ tái định cư và xây xong cơ sở hạ tầng kỹ thuật toàn khu, nhưng đã bị dừng hoạt động 2 năm qua. Nova Land cho biết đã đầu tư vào dự án gần 6.000 tỉ đồng, do đó những vướng mắc khiến dự án bị 'đóng băng' suốt 2 năm qua đã ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh, khiến dòng tiền bị tắc, nợ xấu có thể lên tới 50.000 tỉ đồng, làm sụt giảm niềm tin của khách hàng...

Dù vậy, chỉ vài ngày sau khi đơn cầu cứu, Nova Land công bố kết quả kinh doanh năm 2019 với lợi nhuận sau thuế đạt 3.382 tỉ đồng, tăng nhẹ 3% và hoàn thành kế hoạch đề ra.

Tổng doanh thu thuần năm qua đạt 10.931 tỉ đồng, đến từ việc Nova Land bàn giao 3.468 sản phẩm từ các dự án hiện hữu : The Sun Avenue, Sunrise Riverside, Richstar, Saigon Royal, Newton Residence, Orchard Parkview, dự án mới bắt đầu bàn giao trong năm 2019 - Victoria Village và các dự án khác.

Bất động sản 'lặng sóng', vì đâu các doanh nghiệp vẫn lãi đột biến? - Ảnh 5
Khách hàng tham quan dự án Aqua City tại triển lãm Novaland Expo 2019.

Về tình hình tài chính, nợ phải trả của Nova Land đến cuối năm 2019 có sự cải thiện tích cực hơn, đạt 65.517 tỉ đồng, trong đó nợ dài hạn tăng hơn 2 lần so với cuối năm 2018, chiếm 72,5% tổng nợ phải trả. Tổng tài sản tăng 30% lên mức 89.973 tỉ đồng.

Novaland hiện đang triển khai hơn 40 dự án tại TP.HCM với hơn 35.000 sản phẩm, cùng nhiều dự án khu đô thị quy mô lớn tại Đồng Nai và Bình Thuận với quy mô cả nghìn hecta... Do đó, hàng tồn kho đang là vấn đề đáng ngại đối với Nova Land khi năm qua giá trị tồn kho tăng 84%, chủ yếu là bất động sản đang xây dựng chiếm hơn 89,5% tổng hàng tồn kho, cũng là vấn đề cần được cải thiện hơn trong hoạt động kinh doanh năm qua.

Nhận định về thị trường bất động sản, ông Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế đánh giá: "Năm 2020 thị trường sẽ hơi trầm lắng. Xét về tổng thể thị trường bất động sản năm 2020, cầu có thể tăng, giá cũng có thể sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, tuy nhiên chúng tôi kỳ vọng đến cuối năm 2020, thị trường có thể trở lại bình thường, mức độ phục hồi đều đặn như những năm gần đây".

Nhật My

Bạn đang đọc bài viết Bất động sản 'lặng sóng', vì đâu các doanh nghiệp vẫn lãi đột biến?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới