Bất động sản khu công nghiệp vẫn gặp khó
Sản xuất công nghiệp trong quý 3/2021 gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Dữ liệu từ VietstockFinance cho thấy, 16 doanh nghiệp bất động sản khu công ngiệp (KCN) niêm yết trong quý 3/2021 có doanh thu thuần đạt gần 4,429 tỉ đồng và lợi nhuận ròng đạt hơn 828 tỉ đồng, lần lượt giảm gần 23% và hơn 49% so với cùng kỳ.
Doanh nghiệp có kết quả kinh doanh thấp nhất trong quý 3/2021 là Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (HOSE: KBC).
Trong bối cảnh đại dịch diễn biến phức tạp, hoạt động chuyển nhượng bất động sản và cho thuê kho, nhà xưởng và văn phòng của KBC vẫn ghi nhận tăng trưởng, qua đó giúp doanh thu thuần của Công ty tăng 61% so với cùng kỳ, đạt gần 325 tỉ đồng. Không những vậy, khoản lãi từ tiền gửi ngân hàng cũng giúp doanh thu tài chính của KBC gấp đôi cùng kỳ, đạt gần 37 tỉ đồng.
Tuy nhiên, chi phí lãi vay trong kỳ của KBC lại ghi nhận đến gần 155 tỉ đồng, gấp 2.4 lần cùng kỳ. Ngoài ra, Công ty còn phát sinh gần 14 tỉ đồng chi phí bán hàng, trong khi cùng kỳ Công ty không có khoản chi phí này.
Kết quả, KBC lỗ ròng hơn 68 tỉ đồng (cùng kỳ lỗ gần 21 tỉ đồng). Đây là mức lỗ ròng cao nhất của KBC trong một quý trong vòng 9 năm trở lại đây (kể từ quý 4/2012).
Kết quả kinh doanh quý 3 cũng cho biết, lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp BĐS KCN sụt giảm mạnh do mảng kinh doanh chính bị ảnh hưởng nặng nề. Như trường hợp của CTCP Long Hậu (HOSE: LHG) và CTCP Thống Nhất (HNX: BAX).
Trong kỳ, BAX không ghi nhận bất kỳ doanh thu nào từ dự án Khu Trung tâm dịch vụ KCN Bàu Xéo – động lực tăng trưởng chính của Công ty trong các quý gần đây. Hệ quả, lợi nhuận ròng của BAX chỉ bằng 6% cùng kỳ, xấp xỉ 7 tỉ đồng.
Tình hình của LHG khả quan hơn khi lợi nhuận của Công ty giảm 15%, còn gần 20 tỉ đồng, do doanh thu tài chính đã phần nào bù đắp được khoản doanh thu mất đi từ hoạt động cho thuê đất.
Không chỉ các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, “ông lớn” Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp (HOSE: BCM) cũng đã trải qua một quý 3 tồi tệ khi hoạt động thu phí cầu đường và thi công công trình bị “tê liệt”, doanh thu từ kinh doanh bất động sản thì giảm gần 42% so với cùng kỳ.
Kết quả là BCM báo lãi ròng quý 3 chỉ đạt gần 49 tỉ đồng, giảm 92% so với quý 3/2020, ghi nhận quý có lãi thấp nhất trong 7 quý gần đây.
Đối với Đầu tư Phát triển Công nghiệp Thương mại Củ Chi (HOSE: CCI) và Đầu tư Sài Gòn VRG (UPCoM: SIP), kết quả kinh doanh quý 3 cũng bị ảnh hưởng đáng kể khi các doanh nghiệp trong KCN phải tạm dừng sản xuất.
Doanh thu từ mảng kinh doanh xăng dầu của CCI chỉ bằng 51% cùng kỳ, khiến doanh thu thuần giảm đến 43%, còn 40 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhờ lãi tiền gửi tăng mạnh cộng với khoản lãi từ thương vụ bán 556,600 cp của Ngân hàng TMCP Việt Á (UPCoM: VAB), lợi nhuận ròng cả kỳ của CCI chỉ giảm 8%, về gần 8 tỉ đồng.
Còn với SIP, không chỉ doanh thu từ hoạt động kinh doanh chính, cả doanh thu tài chính lẫn lãi từ công ty liên doanh, liên kết đều giảm mạnh, lần lượt 50% và 43% so với cùng kỳ. Lợi nhuận ròng theo đó cũng giảm 31%, còn hơn 165 tỉ đồng.
Dù tình hình chung không thuận lợi nhưng vẫn có 5 doanh nghiệp bất động sản KCN ghi nhận tăng trưởng trong kỳ, trong đó, Phát triển Đô thị Công nghiệp số 2 (HOSE: D2D), Sonadezi Châu Đức (HOSE: SZC) và Phát triển Hạ tầng Kỹ thuật (HOSE: IJC) là 3 doanh nghiệp có mức tăng trưởng lợi nhuận lớn nhất.
Trong khi doanh thu của SZC và IJC tăng lần lượt 84% và 22% so với cùng kỳ nhờ các hoạt động kinh doanh liên quan đến KCN, như cho thuê đất hoặc kinh doanh cơ sở hạ tầng, tuy nhiên, doanh thu của D2D lại chủ yếu đến từ dự án nhà ở thương mại, cụ thể là Khu dân cư Lộc An. Dự án này đã giúp doanh thu thuần quý 3 của D2D ghi nhận gấp hơn 2.3 lần cùng kỳ, đạt 147 tỉ đồng.
Nhờ doanh thu tăng trưởng, lợi nhuận của D2D, SZC và IJC đều có mức tăng mạnh so với cùng kỳ khi lần lượt gấp 2.5 lần , tăng 79% và 29% so với cùng kỳ.
Riêng trường hợp của Tổng Công ty IDICO (HNX: IDC), dù doanh thu thuần giảm 27% nhưng lợi nhuận ròng quý 3 của Công ty vẫn tăng 28% so với cùng kỳ. Nguyên nhân là do Công ty ghi nhận khoản doanh thu tài chính đột biến từ thương vụ thoái vốn đầu tư tại Công ty TNHH Kính nổi Siêu trắng Phú Mỹ (công ty liên kết). Thương vụ này mang về cho IDC hơn 84 tỉ đồng, qua đó, nâng tổng doanh thu tài chính trong kỳ đạt gần 124 tỉ đồng, gấp 4 lần quý 3 năm trước.
Giai đoạn khó khăn đối với các doanh nghiệp bất động sản KCN đã qua khi bắt đầu từ tháng 10, nhiều địa phương đã nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội, đặc biệt là TP.HCM và Bình Dương. Dù các doanh nghiệp trong KCN vẫn còn thận trọng do các quy định nghiêm ngặt về phòng, chống dịch, nhưng với việc hoạt động sản xuất công nghiệp mở cửa trở lại, sự phục hồi của nhóm doanh nghiệp bất động sản KCN có lẽ chỉ là vấn đề thời gian.
Tính đến nay, Việt Nam đang có 394 khu công nghiệp với diện tích 121.900 ha trải dài khắp cả nước. Trong đó, có 286 khu công nghiệp đang hoạt động, tỷ lệ lấp đầy bình quân đạt gần 72%. Còn lại 108 khu công nghiệp đang được xây dựng hoặc trong giai đoạn đền bù, giải phóng mặt bằng.
Theo Bộ Kế hoạch Đầu tư, trong 9 tháng đầu năm 2021, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực sản xuất và chế biến đạt 11,83 tỉ USD. Cụ thể, vốn đăng ký mới đạt gần 5,5 tỉ USD, vốn bổ sung 5,55 tỉ USD và vốn góp 805 triệu USD.
Cụ thể, khu vực phía Bắc chiếm gần 73% tổng vốn FDI đăng ký mới, miền Trung chiếm 19,4%, miền Nam chiếm 7,6%. Nhóm ngành sản xuất và chế tạo vẫn dẫn đầu trong việc thu hút các nhà đầu tư trong 9 tháng qua với tỷ lệ vốn lên đến 53,4%, tiếp sau đó là lĩnh vực phân phối năng lượng, bất động sản và bán lẻ.
Theo thống kê của Savills Việt Nam, các thương vụ FDI trong lĩnh vực sản xuất tại phía Bắc bao gồm Công ty Kraft Vina (Nhật Bản) - chuyên gia sản xuất sản phẩm từ giấy - đầu tư 611 triệu USD vào khu công nghiệp Bình Xuyên tại tỉnh Vĩnh Phúc.
Quý Phi