Thứ ba, 26/11/2024 08:19 (GMT+7)
Thứ bảy, 14/08/2021 15:06 (GMT+7)

Bất động sản công nghiệp phía Bắc vẫn 'tỏa sáng' bất chấp dịch bệnh

Theo dõi KTMT trên

Theo đánh giá của Công ty JLL Việt Nam, thị trường BĐS công nghiệp vẫn tiếp tục được các nhà đầu tư đặt nhiều kỳ vọng, trong đó khu vực Đông Bắc đang được đánh giá là điểm sôi động trong phân khúc.

Số liệu từ Bộ Xây dựng cho thấy, trong quý 2/2021, hoạt động kinh doanh bất động sản (BĐS) công nghiệp vẫn duy trì được ổn định về cả giá thuê và tỉ lệ lấp đầy.

Cụ thể, tỉ lệ lấp đầy trung bình tại các tỉnh và thành phố công nghiệp chính tại miền Bắc (Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng) đạt khoảng 80%. Nếu tính thêm các tỉnh lân cận (Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Bắc Giang) thì tỉ lệ lấp đầy của các dự án khu công nghiệp (KCN) đạt 69%.

Trong bối cảnh hầu hết các phân khúc BĐS đều chịu tác động của dịch Covid-19, phân khúc BĐS KCN được ghi nhận là một mảng sáng hiếm hoi của thị trường. Trong 6 tháng đầu năm 2021, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực BĐS KCN ghi nhận mức lãi lớn.

Bất động sản công nghiệp phía Bắc vẫn 'tỏa sáng' bất chấp dịch bệnh - Ảnh 1
Bất động sản KCN phía Bắc dự báo sẽ tăng mạnh vào cuối năm. (Ảnh minh họa)

Theo báo cáo quý 2/2021 của Công ty JLL Việt Nam, thị trường đất công nghiệp cho thuê ở miền Bắc ghi nhận thêm nguồn cung mới từ KCN Yên Mỹ tại Hưng Yên của chủ đầu tư Viglacera Yên Mỹ, nâng tổng diện tích đất công nghiệp cho thuê tại miền Bắc lên 9.700ha. Chủ đầu tư Viglacera cũng dự kiến khởi công KCN Thuận Thành I tại Bắc Ninh trong năm 2021.

Cùng với đó, thị trường nhà xưởng xây sẵn cũng đón chào thêm nguồn cung mới, tập trung chủ yếu ở Hải Dương, nâng tổng nguồn cung nhà xưởng xây sẵn tại miền Bắc lên 1,9 triệu m2 sàn.

Đáng chú ý, thị trường ghi nhận một số thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) trong quý 2, điển hình là việc Boustead Projects mua lại 49% cổ phần trong Công ty cổ phần Phát triển Công nghiệp KTG Bắc Ninh tại KCN Yên Phong với giá khoảng 6,9 triệu USD.

Các chuyên gia của JLL dự báo, giá BĐS KCN, đặc biệt là khu vực Đông Bắc sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức 8-10% so với cùng kỳ năm trước. Thị trường nhà xưởng xây sẵn cũng được dự báo sẽ sôi động, với nhiều nhà đầu tư mới gia nhập thị trường. Tuy bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng tỉ lệ lấp đầy các KCN tại miền Bắc vẫn ổn định.

Từ đầu năm đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt hàng loạt KCN mới trên khắp cả nước. Trong đó, tập trung nhiều nhất ở các tỉnh phía Bắc, tiêu biểu là Bắc Ninh, Bắc Giang và Vĩnh Phúc. Làn sóng hình thành và phát triển của các KCN phía Bắc cho thấy Việt Nam đang tích cực chuẩn bị hạ tầng để đón làn sóng FDI từ các doanh nghiệp ngoại.

Ông John Campbell, Quản lý Bộ phận BĐS công nghiệp, Savills Việt Nam cho rằng, thị trường hiện vẫn ghi nhận những hoạt động khá tốt. Cụ thể, tính đến thời điểm ngày 20/6/2021, tổng vốn FDI đăng ký vào ngành công nghiệp sản xuất đạt 6,97 tỉ USD, giảm nhẹ so với mức 8 tỉ USD trong 6 tháng đầu năm 2020. Tuy nhiên, vốn sản xuất hiện tại vẫn ở mức 3,38 tỉ USD, cao hơn mức 3,23 tỉ USD cùng kỳ năm trước.

Bất động sản công nghiệp phía Bắc vẫn 'tỏa sáng' bất chấp dịch bệnh - Ảnh 2
Bắc Ninh là tỉnh tập trung nhiều KCN phát triển ở miền Bắc. (Ảnh minh họa)

Thị trường cũng đón nhận nhiều khoản đầu tư lớn trong nửa đầu năm. Ví dụ tại miền Bắc, Công ty Jinko Solar Hong Kong đã đầu tư gần 500 triệu USD vào KCN Sông Khoai, tại Quảng Yên (Quảng Ninh) hay Fukai Technology của Singapore đầu tư vào KCN Quang Châu tại tỉnh Bắc Giang.

Một số khu vực như Bắc Giang, Hưng Yên, Quảng Ninh, Hải Phòng là những nơi có tiềm năng phát triển công nghiệp rất lớn. Tại khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc, Bắc Giang đang ngày trở nên thu hút đối với các hoạt động đầu tư sản xuất cũng như logistics. Ngoài ra, các nhà đầu tư cũng đang chuyển hướng tới các khu vực khác như Hưng Yên và những tỉnh cũng nổi tiếng về tiềm năng trong lĩnh vực sản xuất và logistics.

Theo đánh giá của bà Nguyễn Hồng Vân, Giám đốc Thị trường Hà Nội của JLL Việt Nam, trong tương lai, cơ hội phát triển BĐS KCN phía Bắc còn rất dồi dào nhờ quỹ đất còn nhiều, giá trung bình cạnh tranh so với khu vực phía Nam. Phía Bắc cũng sở hữu vị trí chiến lược, giao thông thuận tiện, cơ sở hạ tầng phát triển đồng bộ và tiềm năng phát triển thị trường kho vận logistics cũng rất lớn.

Nguyễn Luận

Bạn đang đọc bài viết Bất động sản công nghiệp phía Bắc vẫn 'tỏa sáng' bất chấp dịch bệnh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hà Nội sẽ có hơn 30.000 căn hộ mới trong năm 2025
Thị trường chung cư Hà Nội trong năm 2025 sẽ có khoảng hơn 30.000 căn hộ mới - tương đương với giai đoạn cao điểm 2016 - 2019. Tuy nhiên, giá căn hộ mở mới sẽ trung bình đạt 72 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm thuế VAT và phí bảo trì).

Tin mới