Bảo tồn cua đá ở huyện đảo Lý Sơn
Cua đá hay còn gọi là cua dẹp, cua đỏ. Loài cua này đang suy giảm nghiêm trọng về số lượng do sự khai thác tràn lan nhưng thiếu bảo vệ của người dân Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.
Được sự hỗ trợ kỹ thuật của Viện Hải dương học Nha Trang, Ủy ban nhân dân huyện Lý Sơn đang tích cực bảo tồn loài cua vừa có giá trị dinh dưỡng vừa có giá kinh tế cao này, và hướng đến khai thác bền vững.
Nhiều hộ dân đảo Bé, huyện Lý Sơn xây dựng chuồng trại nuôi cua đá. (Ảnh: Phước Ngọc/TTXVN) |
Khu vực bảo tồn cua đá được thực hiện trên diện tích 500m2 tại đảo Bé An Bình, Lý Sơn. Tại khu vực này, chính quyền địa phương đã thả gần 3.000 con cua giống, mỗi con có trọng lượng từ 30 – 50gram, do ngư dân Lý Sơn khai thác tại hòn đảo này.
Trong khu vực bảo tồn cua đá có nhiều hang, hốc đá tự nhiên nhằm tạo môi trường cho cua nơi trú ẩn, sinh sản. Cơ quan chức năng đã phối hợp với người dân để trông coi, nghiêm cấm các hành vi khai thác cua trong khu vực bảo tồn. Với những giải pháp này, chính quyền địa phương kỳ vọng sẽ bảo tồn và chấm dứt tình trạng khai thác cua tràn lan của người dân nơi đây.
Ông Huỳnh Ngọc Dũng, Phó Giám đốc Ban Quản lý khu bảo tồn biển Lý Sơn cho biết, để bảo tồn và phát triển loài cua này, đơn vị đã khuyến cáo người dân không nên khai thác những cá thể cua không đủ tiêu chuẩn về kích cỡ, không nên khai thác những con cua đã mang trứng.
Anh Bùi Văn Thiện, người dân thôn An Bình cho biết, cua đá được nhiều người đặt mua để chế biến các món ăn, nên thời gian qua người dân khai thác nhiều, cua ngày càng cạn kiệt. Được chính quyền địa phương tuyên truyền, bà con khi đi khai thác chỉ bắt những con cua có trọng lượng lớn, không khai thác vào mùa cua sinh sản để tạo nguồn lợi dài lâu.
Cua đá là sinh vật biển nhưng sống trên cạn, thân có màu tím sậm, chân dài và càng ngắn, sống trú ẩn trong các hang đá, thức ăn chủ yếu là thảm thực vật. Theo người dân địa phương, trước đây cua đá trên đảo khá nhiều, nhưng do sự gia tăng về dân số cũng như nhu cầu sử dụng của thương lái, du khách nên người dân đã săn lùng ráo riết loài cua này. Do đó, việc bảo tồn loài cua đá là cần thiết bởi nguồn gen cá thể cua đá rất hiếm lại có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, để bảo tồn và khai thác bền vững loài cua này trước tiên phải có chế tài hợp lý để ngăn chặn việc khai thác cua đá tràn lan.
Cơ quan chức năng huyện Lý Sơn đang tích cực tuyên truyền, kêu gọi người dân tham gia vào công tác bảo tồn và khai thác cua đá bền vững. Theo ông Nguyễn Đình Trung, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Lý Sơn, để cua giống sau khi thả ra môi trường tự nhiên có thể sinh trưởng, phát triển tốt, đơn vị tích cực tuyên truyền cho người dân về những lợi ích của việc bảo tồn loài cua này, quy trình khai thác, thời gian khai thác, số lượng khai thác…, đảm bảo sản lượng khai thác hàng năm ổn định, nhưng số cua sinh trưởng hàng năm ngày càng tăng. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là ý thức của chính những người dân, bởi chính họ sẽ bảo tồn loài cua nhưng cũng sẽ trực tiếp hưởng lợi từ việc bảo tồn này.
Ông Huỳnh Ngọc Dũng cho rằng, song song với việc tuyên truyền, đơn vị cũng đề nghị cơ quan chức năng địa phương ban hành các văn bản, chế tài xử lý để răn đe các hành vi khai thác cua không hợp lý. Bởi cua đá dễ khai thác, tiêu thụ nên sẽ có một số người dân lén lút khai thác. Do đó, chỉ có hình thức xử phạt nghiêm minh thì mới hy vọng bảo tồn được loài cua này, nhằm đem lại sinh kế bền vững và lâu dài cho người dân huyện đảo.
Đinh Thị Hương