Thứ năm, 28/03/2024 20:32 (GMT+7)
Thứ sáu, 08/11/2019 14:10 (GMT+7)

Bão số 6 mạnh, phức tạp, cần chủ động phương án ứng phó

Theo dõi KTMT trên

Bão số 6 là cơn bão mạnh và có tính chất phức tạp, đề nghị các bộ, ngành, địa phương chủ động các phương án ứng phó nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản nhà nước và người dân.

Bão số 6 mạnh, phức tạp, cần chủ động phương án ứng phó - Ảnh 1
Ảnh minh họa: Nguyễn Dũng/TTXVN.

Bão số 6 là cơn bão mạnh và có tính chất phức tạp, đề nghị các bộ, ngành, địa phương chủ động các phương án ứng phó nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản nhà nước và người dân.

Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Ứng phó với sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, tại cuộc họp trực tuyến với 7 tỉnh ven từ Đà Nẵng đến Bình Thuận nhằm ứng phó với bão số 6, diễn ra sáng 8/11, tại Hà Nội.

Phó Thủ tướng yêu cầu Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cử ngay hai đoàn công tác xuống địa phương để chỉ đạo, phối hợp phòng chống bão số 6 theo phương châm "4 tại chỗ".

Biểu dương các bộ, ngành trong việc phối hợp, hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả bão số 5, chủ động các phương án ứng phó với bão số 6, đặc biệt Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia đã ban hành kịp thời các bản tin dự báo, cảnh báo bão, mưa lũ, Phó Thủ tướng đề nghị Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia Ứng phó với sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, các bộ, ngành liên quan phối hợp, hướng dẫn, chỉ đạo việc ứng phó với bão để đảm bảo an toàn trên cả 3 tuyến (tuyến biển, tuyến đồng bằng và đô thị, khu vực miền núi).

Đặc biệt, Phó Thủ tướng lưu ý các địa phương sơ tán dân trên các lồng bè, khu vực ven biển, khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Căn cứ vào tình hình thực tế mà các địa phương thông báo lệnh cấm biển và tổ chức cho học sinh nghỉ học.

Nhấn mạnh vấn đề an toàn cho sản xuất và hạ du, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương kiểm tra, rà soát tình hình hồ đập, công trình đê trọng yếu. Bên cạnh đó, các bộ, ngành liên quan: Công An, Quốc phòng, Giao thông Vận tải, Ủy ban Quốc gia Ứng phó với sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn có trách nhiệm chỉ đạo việc hỗ trợ lực lượng, phương tiện cho các địa phương phục vụ công tác ứng phó với thiên tai.

Trước mắt, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải hỗ trợ 2 tàu cho tỉnh Bình Định phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến cơn bão, kịp thời ban hành các bản tin dự báo, cảnh báo phục vụ công tác chỉ đạo, các cơ quan báo chí thông tin tuyên truyền, ứng phó bão số 6 để người dân, cộng đồng chủ động phòng tránh.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Tăng Bính cho biết chiều 8/11, Ủy ban Nhân dân tỉnh tổ chức họp để ứng phó với bão số 6, đồng thời, đã ban hành Công điện chỉ đạo các địa phương, đơn vị liên quan, phối hợp kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn và cho học sinh nghỉ học vào ngày 11/11.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng kiến nghị Trung ương "điều" ngay 1 tàu vào Bình Định hỗ trợ công tác cứu hộ cứu nạn. Bộ Quốc phòng chỉ đạo Quân khu 5 điều động lực lượng phối hợp với tỉnh trong công tác ứng phó với bão. Ủy ban Nhân dân tỉnh đã họp bàn phương án ứng phó, đồng thời tổ chức di dời 1.030 người dân ở các xã ven biển ra khỏi khu vực nguy hiểm, chỉ đạo thành lập các tổ, đội xung kích ứng phó với bão và cho học sinh nghỉ học vào ngày 11/11.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Yên Phạm Đại Dương cũng cho biết Ủy ban Nhân dân tỉnh đã họp để chủ động các phương án ứng phó với bão, đồng thời thường xuyên bám sát sự chỉ đạo và thông tin với Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia Ứng phó với sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.

Theo Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Mai Văn Khiêm, trên biển bão số 6 có gió mạnh cấp 12, giật cấp 15, vào gần bờ giảm 2-3 cấp.

Khoảng ngày 10-11/11, bão có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa. Ngoài ra, hoàn lưu bão kết hợp với không khí lạnh gây mưa to đến rất to ở những khu vực trọng điểm từ Đà Nẵng đến Khánh Hoà và Tây Nguyên từ 200 - 400mm.

Theo báo cáo của Ủy ban Quốc gia Ứng phó với sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, tính đến 6h ngày 8/11, Ủy ban đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 47.330 tàu/243.063 người biết hướng di chuyển của bão để chủ động trú tránh.

Trong đó có 112 tàu/2.818 lao động đang hoạt động, neo đậu tại khu vực nguy hiểm; 108 tàu neo đậu tại các đảo thuộc khu vực quần đảo Trường Sa; 3 tàu Bình Định đang di chuyển khỏi khu vực nguy hiểm; 1 tàu Bình Định (BĐ 97801) đang neo dù tại vị trí 11,450 Vĩ Bắc - 113,060 Kinh Đông...

Bão số 6 sắp đổ bộ vào đất liền và thành phố Đà Nẵng nằm trong khu vực hoàn lưu nên cũng chịu ảnh hưởng bởi cơn bão này.

Trước tình hình đó, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Đà Nẵng đã ban hành thông báo (số 28/TB-PCTT ngày 2/11/2019) và Công văn (số 224/PCTT ngày 6/11/2019) chỉ đạo công tác thông tin về áp thấp nhiệt đới, bão, sớm thông báo vùng nguy hiểm trên biển, kiểm đếm tàu thuyền, tổ chức quản lý hoạt động tàu thuyền trên biển, khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó với cơn bão số 6.

Cụ thể, tính đến sáng 8/11, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố Đà Nẵng đã kịp thời thông báo cho tàu thuyền biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của áp thấp nhiệt đới, bão, kiểm đếm tàu thuyền trên biển.

Hiện Đà Nẵng có 16 tàu với 173 lao động đang hoạt động trên biển (ven biển Huế-Đà Nẵng-Quảng Nam) và các phương tiện đã nắm được thông tin về bão số 6.

Ngoài ra, Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng đã chỉ đạo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, các sở, ngành, Ủy ban Nhân dân các quận, huyện cần thực hiện các biện pháp kịp thời để ứng phó với bão.

Trong đó, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố và Đài Thông tin Duyên hải Đà Nẵng tiếp tục thông báo cho các chủ phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển, diễn biến và vùng nguy hiểm của bão số 6 để chủ động phòng tránh, thoát ra khỏi hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm; kêu gọi tàu thuyền khẩn trương vào bờ hoặc tìm nơi trú ẩn an toàn.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố Đà Nẵng nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi, tiếp tục tổ chức kiểm đếm, quản lý chặt chẽ và giữ thông tin liên lạc với các tàu thuyền đang hoạt động trên biển.

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các quận huyện sẵn sàng triển khai phương án phòng, chống lũ, lũ quét và sạt lở đất; rà soát, sẵn sàng chủ động sơ tán người dân đang sống ở những vùng trũng, thấp, vùng ven sông hồ, vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét, đặc biệt chú ý người dân đang sinh sống ven sông Túy Loan và Cu Đê di chuyển đến nơi an toàn; tổ chức chốt chặn tại các tuyến đường ngập sâu, ngầm tràn nước chảy xiết trên địa bàn; chuẩn bị lương thực, thực phẩm, nước uống và sẵn sàng triển khai các lực lượng, phương tiện tổ chức cứu nạn kịp thời.

Bên cạnh đó, Sở Giao thông Vận tải và Công an thành phố tổ chức chốt chặn ở những vị trí ngập sâu trên các tuyến đường chính; tổ chức sắp xếp các phương tiện giao thông đang đậu đỗ trên Quốc lộ 1A và các tuyến đường chính đảm bảo an toàn và an ninh.

Sở Giáo dục và Đào tạo theo dõi chặt chẽ tình hình mưa lũ, chủ động cho học sinh trên địa bàn huyện Hòa Vang và các địa phương bị ngập được nghỉ học để đảm bảo an toàn.

Cùng với đó, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác Thủy lợi Đà Nẵng, Công ty Thoát nước và xử lý thải tổ chức trực ban thường xuyên tại các hồ chứa nước, theo dõi chặt chẽ diễn biến của mực nước các hồ chứa để xử lý kịp thời các sự cố công trình có thể xảy ra; Sở Y tế sẵn sàng các phương án cấp cứu nạn nhân, chuẩn bị đầy đủ số thuốc và hóa chất cần thiết để xử lý môi trường sau thiên tai…

Bạn đang đọc bài viết Bão số 6 mạnh, phức tạp, cần chủ động phương án ứng phó. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bảo vệ môi trường – Nền tảng để phát triển kinh tế bền vững
Nhiều chuyên gia khẳng định rằng, bảo vệ môi trường chính là một trong những trụ cột để phát triển kinh tế xã hội bền vững. Khi kinh tế xã hội phát triển giúp chúng ta có đủ điều kiện để đảm bảo an ninh quốc phòng, giữ vững độc lập chủ quyền của dân tộc.

Tin mới

ĐHĐCĐ 2024 Tập đoàn GELEX diễn ra thành công
Sáng 28/3/2024, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024 của Công ty cổ phần Tập đoàn GELEX đã diễn ra tại Hà Nội. Với sự đồng thuận và nhất trí cao, Đại hội đã thông qua toàn bộ các báo cáo, tờ trình và nhiều nội dung quan trọng khác.