Chủ nhật, 08/09/2024 06:54 (GMT+7)
Thứ hai, 22/07/2024 14:26 (GMT+7)

Bão số 2 giật cấp 12, miền Bắc sẽ có mưa lớn kéo dài

Theo dõi KTMT trên

Do ảnh hưởng của bão số 2, từ đêm nay, vùng ven biển tỉnh Quảng Ninh - Hải Phòng có khả năng chịu tác động của gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn quốc gia, vào 12 giờ trưa nay (22-7), tâm bão trên vùng biển phía Đông của khu vực Bắc vịnh Bắc Bộ, cách đảo Bạch Long Vỹ khoảng 150km về phía Đông Nam. Bão đã tăng một cấp so với sáng sớm nay với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-102km/giờ), giật cấp 12. Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2, đảo Bạch Long Vỹ đã có gió mạnh cấp 7, giật cấp 9.

Bão số 2 giật cấp 12, miền Bắc sẽ có mưa lớn kéo dài - Ảnh 1
Vị trí và đường đi của bão số 2.

Trong 12 giờ tiếp theo (tính từ 10 giờ sáng nay), bão số 2 di chuyển chậm theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10km và tiếp tục mạnh lên. Đến 22 giờ tối nay, tâm bão trên khu vực phía Bắc vịnh Bắc Bộ, cách Quảng Ninh - Hải Phòng khoảng 110km về phía Đông với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, giật cấp 12.

Trong 12-24 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển chậm theo hướng tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10km, tiến vào đất liền tỉnh Quảng Ninh, sát biên giới Việt Nam - Trung Quốc và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 10 giờ sáng mai (23-7), tâm áp thấp nhiệt đới trên đất liền ven biển tỉnh Quảng Ninh - Hải Phòng với cường độ cấp 6-7, giật cấp 9.

Trong 24-36 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10km và tiếp tục suy yếu thành một vùng áp thấp. Đến 22 giờ tối mai, tâm vùng áp thấp trên khu vực biên giới Việt - Trung với cường độ giảm xuống dưới cấp 6.

Do ảnh hưởng của bão số 2, từ đêm nay, vùng ven biển tỉnh Quảng Ninh - Hải Phòng có khả năng chịu tác động của gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9.

Để chủ động ứng phó với bão số 2 và mưa lũ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang yêu cầu các bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục chỉ đạo, triển khai kịp thời, hiệu quả các biện pháp ứng phó bão, mưa lũ nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản cho người dân.

Cụ thể, theo Công điện số 70/CĐ-TTg ngày 21/7/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung ứng phó bão số 2 và mưa lũ nêu rõ: Sáng ngày 21/7/2024, áp thấp nhiệt đới trên biển Đông đã mạnh lên thành bão (cơn bão số 2 trong năm 2024). Hồi 13 giờ chiều 21/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,8 độ Vĩ Bắc, 112,2 độ Kinh Đông trên vùng biển phía Tây quần đảo Hoàng Sa, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10, trưa và chiều mai (ngày 22/7/2024) bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến vịnh Bắc Bộ gây gió mạnh trên biển; bão có thể gây mưa to đến rất to tại các địa phương khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa, đặc biệt là khu vực phía Đông Bắc Bộ trong những ngày tới.

Nguy cơ cao xảy ra lũ lớn cục bộ trên các sông suối nhỏ, ngập úng tại vùng thấp trũng và các đô thị, lũ quét, sạt lở đất ở miền núi và khu vực sườn dốc.

Để chủ động ứng phó với bão số 2 và mưa lũ, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục chỉ đạo, triển khai kịp thời, hiệu quả các biện pháp ứng phó bão, mưa lũ nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản cho người dân.

Giao nhiệm vụ cụ thể cho Lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố, Phó Thủ tướng yêu cầu, tiếp tục tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lũ, ngập lụt để chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó kịp thời, phù hợp với tình hình cụ thể tại địa phương.

Rà soát, chủ động sơ tán người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm để bảo đảm an toàn, nhất là các hộ dân tại khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét.

Bố trí lực lượng canh gác, kiểm soát, hướng dẫn, hỗ trợ bảo đảm an toàn giao thông qua các ngầm tràn, khu vực bị sạt lở hoặc có nguy cơ sạt lở, khu vực bị ngập sâu, nước chảy xiết; kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn. Chủ động bố trí lực lượng ứng trực tại các khu vực trọng điểm xung yếu để sẵn sàng ứng cứu, cứu hộ cứu nạn khi có tình huống.

Triển khai biện pháp bảo đảm an toàn hồ đập, đê điều, hạn chế thiệt hại đối với nuôi trồng thủy hải sản, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và công trình cơ sở hạ tầng...

Đối với các bộ, ngành, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đề nghị, Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo theo dõi chặt chẽ diễn biến bão, mưa lũ, dự báo, thông tin kịp thời cho cơ quan chức năng và người dân biết để chủ động chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương theo chức năng quản lý nhà nước được giao phối hợp địa phương: chỉ đạo điều tiết các hồ thủy lợi, thủy điện bảo đảm vận hành khoa học, an toàn tuyệt đối cho công trình, không để xảy ra lũ nhân tạo, góp phần cắt giảm lũ cho hạ du, trong đó lưu ý phải thông báo sớm cho người dân trước khi vận hành xả lũ; chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn đối với hoạt động thủy sản, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, an toàn hệ thống điện.

Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị liên quan và lực lượng đóng trên địa bàn phối hợp chặt chẽ với các địa phương, chủ động bố trí lực lượng, phương tiện hỗ trợ sơ tán, di dời dân cư ra khỏi khu vực nguy hiểm, tổ chức cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả khi có yêu cầu của địa phương.

Các bộ, ngành khác theo chức năng quản lý nhà nước được giao chủ động chỉ đạo cơ quan chức năng phối hợp với địa phương triển khai công tác ứng phó với bão, mưa lũ theo quy định...

Anh Thư

Bạn đang đọc bài viết Bão số 2 giật cấp 12, miền Bắc sẽ có mưa lớn kéo dài. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bão số 3 Yagi là cơn bão mạnh nhất 30 năm qua
"Bão số 3 là cơn bão rất mạnh, mạnh nhất trong 30 năm qua ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh Bắc Bộ" - ông Phạm Đức Luận, Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) nhận định.