Thứ bảy, 20/04/2024 03:42 (GMT+7)
Thứ bảy, 15/06/2019 13:29 (GMT+7)

Báo giấy - Có ai còn nhớ?

Theo dõi KTMT trên

Khi đặt câu hỏi này, tôi đã có ngay câu trả lời, rằng: Sẽ có rất nhiều người nhớ báo giấy, dù rằng những sạp báo đã thưa dần trên phố, dù rằng tiếng rao "báo mới đây" đã mất hẳn trong mỗi sớm mai sôi động của chốn thị thành.

Báo giấy không phải là sự hoài cổ, tiếc nuối cái cũ, mà nó là thông tin, là giá trị của những thứ không bao giờ thay đổi được, không xoá đi được. Nó sẽ mãi ở đó, âm thầm nhưng không tàn lụi, như minh chứng cho những giá trị cốt lõi của Báo chí Cách mạng mà chẳng modem wifi nào, chẳng điện thoại cảm ứng hay máy tính bảng nào thay thế được... Báo giấy cũng chẳng đến hồi cáo chung như nhiều người nghĩ, nó sẽ tồn tại, nhưng chắc chắn không phải là với tất cả các bản báo, mà chỉ những tờ báo giành được chỗ đứng trong xã hội và trong tâm trí người đọc.

1. Đã bao lâu rồi bạn không đọc báo giấy? Đã bao lâu rồi bạn không còn nghe thấy tiếng rao "Báo đây. Báo mới đây" trên những con phố nhỏ mỗi sớm mai. Có chăng, chỉ là mấy chị bán vé số dạo lâu lâu kẹp thêm vài ba tờ báo để kiếm thêm "chút đỉnh", hay mấy em bé đánh giày, tay cầm tờ báo giấy, kẹp vào tay khách để giết thời gian mỗi lần ngồi chờ. Cũng không còn những sạp báo hoành tráng ở giữa phố như cái thời xưa nữa. Ở cái thời mà công nghệ chưa phát triển, bạn có còn nhớ cảm giác mỗi thứ 2 đầu tuần hớn hở chạy ra sạp báo gần nhà, mắt lia thật nhanh trên chiếc kệ gỗ đã cũ, đựng cả chồng báo vẫn còn thơm mùi giấy mới để tìm cho bằng được Hoa Học Trò hay Mực Tím.

Bạn có còn nhớ một thời có thể gọi là "hoàng kim" của những tờ báo in. Trên các góc phố, vỉa hè, nơi quán cà phê đều dễ dàng bắt gặp những vị khách vừa nhâm nhi thức uống yêu thích, vừa chăm chú lật giở từng trang báo mới. Đọc báo buổi sáng như một thói quen, một nét văn hóa của người Hà Nội. Dù họ là ai, cán bộ, công chức, nhân viên văn phòng đều tranh thủ đầu giờ đọc báo và trao đổi tin tức. Các cán bộ hưu trí sau giờ thể dục sáng cũng ghé lại bên hồ, hay ghế đá công viên dành thời gian đọc tin trên những trang báo giấy.

Những người lao động thủ công, người lái xe chở khách hay các bà, các chị “chạy chợ” đều tranh thủ khi không có khách, đọc ngấu nghiến những chuyện “giật gân” rồi bàn tán rôm rả... Đọc báo như liệu pháp tinh thần, nạp thêm năng lượng tích cực để bắt đầu ngày mới. Cũng nhờ thói quen này mà tạo việc làm để người nghèo mưu sinh. Ngày ấy, hình ảnh quen thuộc là những người lao động nghèo, những đứa trẻ tổ bán báo xa mẹ tay ôm sập báo, tay vung vẩy tờ báo, miệng lảnh lót: Báo đê, ai mua báo mới đê... Những tiếng rao như thứ âm thanh rất đặc trưng gõ vào không gian phố, báo hiệu ngày làm việc mới bắt đầu. Vào những mùa bóng đá World Cup hay EURO, giải Ngoại hạng Anh... thị trường báo in thêm phần sôi động. Số lượng phát hành, số ấn phẩm đặc biệt phục vụ mùa bóng tăng đột biến, nhiều khi “cháy sạp”, khách mua muộn là không có báo đọc.

Báo giấy - Có ai còn nhớ? - Ảnh 1
Ảnh: TL.

Thời đại công nghệ số mở ra, những sinh hoạt truyền thống cũng dần phai nhạt, trong đó có thói quen mua và đọc báo giấy. Chỉ với một thiết bị nhỏ gọn như điện thoại thông minh, máy tính bảng, với điều kiện viễn thông phát triển như hiện nay, thì ở bất kỳ đâu, người đọc cũng có thể thu thập được tin tức cả thế giới quanh mình. Cuộc sống qua những hành động gạt, lướt, chạm ấy như hối hả, gấp gáp hơn. Và cũng chính điều kiện ấy vô tình làm mỏng đi nhiều giá trị văn hóa truyền thống. Trong không ít gia đình, công nghệ số đã thay đổi nếp sinh hoạt, ít đi tiếng cười con trẻ, còn người già như cô đơn hơn... Với người ưa sống chậm, thói quen đọc báo in vẫn còn được duy trì. Thỉnh thoảng tôi vẫn bồi hồi khi thấy hình ảnh những cán bộ hưu trí, những người lao động “đọc báo đứng” qua những khung kính treo trước cổng các tòa soạn báo. Họ chăm chú đọc như không bị sự chi phối nào từ rộn ràng sau lưng họ. Cái thú đọc báo đứng ấy như kéo chậm nhịp sống phố phường. May mắn thay, ở đâu đó buổi sáng vẫn bắt đầu với những tờ báo giấy, nhẹ nhàng như thế!

2. Khi chọn báo giấy để kể câu chuyện cho ngày 21/6 - Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, tôi nhớ đến câu nói của Biên tập viên Sue Pirth của tờ Daily Mail: “Khi bắt đầu cầm một tờ báo, tôi cứ như đang nghe âm thanh của một dàn nhạc nổi lên trước khi bức màn chắn của nhà hát được kéo. Bạn không bao giờ biết được điều gì đang đợi bạn ở trong số báo ấy, nhưng bạn chắc chắn rằng, thông qua ý thức, bạn sẽ nảy ra nhiều ý tưởng hơn, những điều mà bạn chưa bao giờ nghĩ đến. Tôi cho rằng người ta đang trở lại với báo in”.

Ngày nay, thật khó có thể tìm ra một ai đó không có smartphone, hoặc ngôi nhà nào đó không máy tính để bàn hay laptop. Với các phương tiện đó, người ta có thể cập nhật tin tức đang diễn ra khắp nơi trên thế giới một cách nhanh chóng. Tuy nhiên hiện nay, người dân của một số nước phát triển, vì một lý do nào đó, đã quay lưng với các thiết bị điện tử và trở về với những tờ báo in thơm mùi mực.

Nhiều người sau khi “no nê” với đủ loại rác thông tin và những thứ kỳ quái trên mạng đã quay lại chọn đọc báo truyền thống. Con người đã thấy mệt mỏi trong ảo giác, phát ngán với “bong bóng” công nghệ. Họ muốn cái gì đó thực tế hơn, hữu hình hơn và cổ điển hơn.

Tin tức trên báo in rõ ràng có nhiều ưu thế hơn với sự hợp lực của một đội ngũ nhân lực. Từ lúc đánh máy đến khi in ấn, bản thảo đã được “lục lọi” kỹ qua bàn tay một số Biên tập viên chuyên nghiệp, bởi trách nhiệm với sản phẩm và yêu cầu đối với báo in là cao hơn nhiều so thông tin mà một ai đó đưa lên internet.

Thật khó tin, song báo in trên khắp thế giới đang trở thành một trong những thành trì cuối cùng của thứ ngôn ngữ chất lượng. Bởi, ngay cả những trang báo mạng tự nhận mình là phương tiện truyền thông lớn, vẫn để sót vô số lỗi, kể cả là lỗi chính tả hay những điều ngớ ngẩn khác. Nguyên nhân là ở chỗ, hầu hết trang báo mạng đều tuyển các sinh viên trẻ tuổi, sáng tạo của các trường đại học. Kiến thức còn hạn chế, hay sự thiếu kinh nghiệm sống khó giúp họ có được những ý tưởng hay ho và dễ hiểu, chưa nói đến việc thực hiện được những bài phóng sự, điều tra thu hút sự chú ý của công luận. Tất cả những gì họ có thể là viết lại những thông tin của nhau. Chính vì vậy, trong thế giới internet đầy rẫy thông tin mà không phải tất cả đều chính xác. Về cơ bản, đó như là một thanh kẹo cao su nhai đi nhai lại nhiều lần.

Kết quả của một nghiên cứu về tương lai của báo chí và nhu cầu về nội dung kỹ thuật số ở Mỹ, Anh và một số nước phương Tây khác giai đoạn đến năm 2020, được đăng trên The Guardian, cho thấy “doanh thu từ nội dung số trên thị trường chung của báo chí, sách và công nghiệp tạp chí ở hơn 50 nước nói tiếng Anh vào năm 2020 sẽ chỉ đạt khoảng 24%. Vì vậy, dù cho các tờ báo giấy, tạp chí đã suy giảm, song nhu cầu của người tiêu dùng và các nhà quảng cáo trong tương lai gần vẫn sẽ giúp báo in đứng vững”.

Báo giấy - Có ai còn nhớ? - Ảnh 2
"Tôi hay đi dạo bờ Hồ lắm, mỗi lần đi là lại có thói quen tạt qua chỗ toà soạn của HàNộimới để tranh thủ cập nhật tin tức. Có cái bảng tin này cũng hay lắm, chẳng cần phải ra sạp mua và đi tập cũng có thể đọc được", ông Lâm, năm nay đã ngoài 70, chia sẻ.

3. Báo giấy liệu có "chết"? Thật khó để đưa ra một dự đoán chính xác, nhưng nhiều người tin rằng, báo giấy sẽ vẫn có chỗ đứng của nó, mặc cho báo điện tử có phát triển mạnh mẽ đến đâu. Đầu tiên phải kể đến tính thương hiệu. Trước khi báo điện tử phát triển, báo giấy đã tạo được chỗ đứng vững chắc và không ít người vẫn tỏ ra trung thành với lựa chọn của mình.

Ngành in ấn với lịch sử hơn 500 năm tồn tại và phát triển tất phải có những chân lý của riêng nó, tạo ra những thói quen và quan niệm khó thay thế trong lòng người đọc. Thêm nữa, nhiều người vẫn thích đọc báo giấy vì nó “thân thiện” hơn, bởi có thể cầm nắm được.

Không cạnh tranh được với báo điện tử về tốc độ cập nhật thông tin và tính đa phương tiện, báo giấy đang dần có những thay đổi rõ rệt, tập trung vào phát triển những bài bình luận, nhận định chuyên sâu, gợi ra nhiều vấn đề trong nhiều lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, giúp người đọc có cái nhìn rõ nét hơn về con người và cuộc sống.

Đừng nghĩ rằng báo giấy chỉ còn tồn tại ở trên máy bay, khi người ta chẳng còn mạng để đọc nên lấy tạm một tờ giết thời gian. Dù có cũ kỹ, có qua rồi cái thời hưng thịnh của những sạp báo, có hết cái cảnh mong ngóng tới thứ 2 đầu tuần của những đứa nhãi ranh, thì văn hoá đọc đáng trân trọng - văn hóa báo giấy vẫn là một phần trong cuộc sống của người dân đô thị.

Báo giấy không phải là sự hoài cổ, tiếc nuối cái cũ, mà nó là thông tin, là giá trị của những thứ không bao giờ thay đổi được, không xoá đi được. Nó sẽ mãi ở đó, âm thầm nhưng không tàn lụi, như minh chứng cho những giá trị cốt lõi của Báo chí Cách mạng mà chẳng modem wifi nào, chẳng điện thoại cảm ứng hay máy tính bảng nào thay thế được...

Theo Congluan.vn

Bạn đang đọc bài viết Báo giấy - Có ai còn nhớ?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới