Báo động tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa trong sản xuất nông nghiệp
Hiện nay, phần lớn các loại rác thải nông nghiệp không được phân loại, xử lý, mà vứt bừa bãi ra môi trường. Lượng rác thải này tồn đọng ở các kênh mương, dẫn đến ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng đến cộng đồng dân cư, gia tăng gánh nặng bệnh tật.
Theo ông Nguyễn Đình Thông - Đại diện Cục Bảo vệ Thực vật, trong trồng trọt thì nguồn rác thải nhựa xuất phát từ nilon để quây ruộng lúa chống chuột, thiên địch; túi nilon để bọc quả như trồng ổi, xoài…, bao bì phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.
Các chai, lọ vứt bừa bãi do hoạt động sản xuất nông nghiệp - Ảnh: Internet |
Các chất thải là bao bì, vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật tồn tại ở dạng chai, lọ thủy tinh, chai nhựa, túi nilon, túi nhựa tráng kẽm khó phân hủy và được xếp vào danh mục chất thải nguy hại.
Theo Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT), mỗi năm, hoạt động sản xuất nông nghiệp phát sinh khoảng 9.000 tấn chất thải nông nghiệp nguy hại, chủ yếu là thuốc bảo vệ thực vật, trong đó không ít loại thuốc có độc tố cao bị cấm sử dụng. Ngoài ra, cả nước còn khoảng 50 tấn thuốc bảo vệ thực vật tồn lưu tại hàng chục kho bãi; 37.000 tấn hóa chất dùng trong nông nghiệp bị tịch thu đang được lưu giữ chờ xử lý.
Theo số liệu thống kê từ năm 1985 đến nay, diện tích gieo trồng ở nước ta chỉ tăng 57,7%, nhưng lượng phân bón hóa học sử dụng tăng tới 51,7%.
Hiện nay, ngành nông nghiệp chưa có thống kê hay nghiên cứu nào về rác thải nhựa trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, trong sản xuất, ngành nông nghiệp vẫn đang thải ra môi trường một lượng rác thải nhựa đáng kể, có những loại có thể thu gom để tái chế hoặc tái sử dụng như bao bì, chai lọ… nhưng có những loại nilon mỏng không thể thu gom và tái chế, tái sử dụng được.
Hiện nay, rác thải từ vỏ bao bì phân bón, thuốc bảo vệ thực vật chưa được thu gom và xử lý triệt để. Loại rác thải này được xếp vào danh sách "rác thải nguy hại" và được thu gom, xử lý theo quy định về rác thải nguy hại của Bộ TN&MT. Hàng năm mỗi địa phương thải ra khoảng từ 50-100 tấn rác thải này. Trong đó, mỗi ha lúa/vụ, nông dân xả thải ra môi trường khoảng 1-1,5kg bao bì, chai lọ đựng thuốc; còn trồng hoa màu, cây công nghiệp thì việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật gấp 2-3 lần trồng lúa.
Cần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho người dân - Ảnh: Internet |
Theo báo cáo của Tổ chức Nông Lương Liên hiệp quốc (FAO) và Viện Quản lý Nước Quốc tế, ở nhiều nước trên thế giới, trong các nguồn gây ô nhiễm nước lớn nhất hiện nay là nông nghiệp. Đây là mối đe doạ nghiêm trọng đối với sức khoẻ con người và hệ sinh thái, đặt ra nhiều áp lực và thách thức về việc bảo vệ môi trường sống.
Các loại chất thải nông nghiệp xuất hiện ngày càng nhiều tại các vùng nông thôn, trong khi khả năng đầu tư cho xử lý, giảm thiểu ô nhiễm rất hạn chế. Do vậy, người nông dân đang hàng ngày, hàng giờ đối mặt với tình trạng ô nhiễm trầm trọng.
Để giảm thiểu và hạn chế vấn đề ô nhiễm đất nông nghiệp, theo nhiều chuyên gia, Việt Nam cần xây dựng những chính sách ưu đãi, hỗ trợ cụ thể để khuyến khích người nông dân bảo vệ môi trường trong quá trình sử dụng đất nông nghiệp.
Diệu Nguyên (T/h)