Thứ tư, 19/02/2025 06:43 (GMT+7)
Thứ ba, 18/02/2025 07:00 (GMT+7)

[Bài 2] Suy ngẫm về cơ sở khoa học và thực tiễn để Việt Nam đạt Net Zero vào năm 2050

Theo dõi KTMT trên

Việt Nam đã cam kết đạt Net Zero vào năm 2050, đã từng bước luật hóa và có những hoạt động để thực hiện cam kết. Nhưng đâu đó, vẫn yêu cầu có những phân tích sâu hơn về cơ sở khoa học và thực tiễn để giảm phát thải ròng, làm rõ khả năng thực thi Net Zero.

[Bài 2] Suy ngẫm về cơ sở khoa học và thực tiễn để Việt Nam đạt Net Zero vào năm 2050 - Ảnh 1

Cam kết và thực hiện cam kết NetZero ở Việt Nam

Các kịch bản giảm phát thải KNK

Có lẽ tài liệu chính thống minh chứng cho cố gắng của Việt Nam tham gia giảm phát thải KNK, giảm nóng lên toàn cầu, giảm BĐKH là các tài liệu Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) do Chính phủ Việt Nam xây dựng và gửi cho Liên Hợp quốc. Cụ thể, để thực hiện Quyết định số 1/CP.21 của Hội nghị COP21, Việt Nam đã hoàn thành rà soát, cập nhật NDC vào năm 2020 (NDC 2020). Sau hai năm, đáp ứng lời kêu gọi của Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres và để phản ánh những nỗ lực, quyết tâm của Việt Nam từ COP26 đến nay, Việt Nam quyết định cập nhật NDC thêm một lần nữa. Bản NDC cập nhật năm 2022 (NDC 2022) của Việt Nam được thực hiện trên cơ sở NDC 2020 và bổ sung những điểm mới, nỗ lực của Việt Nam thực hiện cam kết đã đưa ra tại Hội nghị COP26.

Trong NDC 2022 [3] có mục 1.1.2. Về giảm phát thải khí nhà kính nêu rõ:

- Mục tiêu giảm phát thải trong các lĩnh vực năng lượng, nông nghiệp, lâm nghiệp và sử dụng đất, chất thải và các quá trình công nghiệp đến năm 2030 so với BAU trong NDC 2022 tăng cao so với NDC 2020, cụ thể Đóng góp không điều kiện đã tăng từ 9% lên 15,8% và Đóng góp có điều kiện tăng từ 27% lên 43,5%.

- Việc thực hiện NDC 2022 phù hợp với mục tiêu đưa phát thải ròng về “0” trong Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 và các biện pháp thực hiện kế hoạch giảm phát thải khí mê-tan.

- Các giả thiết sử dụng trong tính toán giảm phát thải được cập nhật trên cơ sở kế hoạch thực hiện cam kết COP26 của các Bộ, ngành liên quan; có xét đến phát thải của tiểu lĩnh vực làm mát và làm lạnh trong dịch vụ, thương mại và công nghiệp, chuyển đổi sử dụng, thu hồi, tái chế và tiêu huỷ các chất HFCs trong lĩnh vực các quá trình công nghiệp.

- Bổ sung các biện pháp giảm phát thải trong lĩnh vực các quá trình công nghiệp; xác định các biện pháp giảm phát thải, tăng cường hấp thụ các-bon trong lĩnh vực lâm nghiệp và sử dụng đất; xác định các biện pháp giảm phát thải khí mê-tan nhằm giảm 30% lượng phát thải mê-tan vào năm 2030 so với mức phát thải năm 2020 theo Cam kết giảm phát thải khí mê-tan toàn cầu.

- Làm rõ hơn Đóng góp không điều kiện (Unconditional Contribution) và Đóng góp có điều kiện (Conditional Contribution), trong đó: i) Đóng góp không điều kiện: Là nỗ lực giảm phát thải của quốc gia được thực hiện bằng các nguồn lực gồm: ngân sách nhà nước, vốn vay, đầu tư của doanh nghiệp trong và ngoài nước, đóng góp và đầu tư của người dân; ii) Đóng góp có điều kiện: Là nỗ lực giảm phát thải của quốc gia khi được quốc tế cung cấp thêm tài chính một cách thích hợp và đầy đủ thông qua các khoản viện trợ không hoàn lại, phần ưu đãi trong vốn vay, các nguồn tài chính, công nghệ và tăng cường năng lực theo các cơ chế hợp tác quốc tế song phương và đa phương, đặc biệt là trong khuôn khổ UNFCCC và Thỏa thuận Paris.

Trong NDC 2022 cũng đã công bố tính toán, xây dựng mức phát thải theo Kịch bản phát triển thông thường (BAU) dựa trên giả thiết tăng trưởng kinh tế chưa xét đến các chính sách ứng phó biến đổi khí hậu hiện có. BAU được xây dựng cho giai đoạn từ năm 2014 đến năm 2030 cho 5 lĩnh vực bao gồm: năng lượng, nông nghiệp, sử dụng đất, thay đổi sử dụng đất và lâm nghiệp (LULUCF), chất thải, các quá trình công nghiệp. Năm cơ sở được lấy là 2014 với mức thải KNK theo kiểm kê là 284,0 triệu tấn CO2tđ và ước tính cho các năm 2020: 528,4 triệu tấn CO2tđ; năm 2025: 726,2 triệu tấn CO2tđ; năm 2030: 927,9 triệu tấn CO2tđ.

[Bài 2] Suy ngẫm về cơ sở khoa học và thực tiễn để Việt Nam đạt Net Zero vào năm 2050 - Ảnh 2

Quả thật mức phát thải KNK theo BAU là rất lớn, nếu không có kế hoạch giảm thiểu ngay từ bây giờ thì khó có thể đạt được mục tiêu Net Zero vào năm 2050. NDC 2022 đã đưa ra một số kịch bản giảm phát thải KNK theo hướng giảm lượng KNK đi vào khí quyển và tăng hấp thụ caabon của các bề măt, lớp phủ, đặc biệt biệt là lớp phủ rừng (tăng giá trị LULUCF).

NDC 2022 đã căn cứ vào: “(i) hiệu quả về chi phí/lợi ích; (ii) khả thi trong triển khai thực hiện; (iii) hài hòa và đồng lợi ích với thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế - xã hội; và (iv) phù hợp với kế hoạch phát triển của quốc gia và ngành trong giai đoạn 2021-2030 hướng tới các mục tiêu của Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050” để lựa chọn các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính đối với các lĩnh vực phát thải riêng và tổng hợp cho tổng phát thải. Kết quả tính toán đã được trình bày trong bảng 1. Mức giảm phát thải của các lĩnh vực đến năm 2030 được tính theo 3 kịch bản:

Kịch bản 1: Đóng góp không điều kiện, nghĩa là sử dụng nguồn ngân sách nhà nước, vốn vay, đầu tư của doanh nghiệp trong và ngoài nước, đóng góp và đầu tư của người dân, Việt Nam đặt mục tiêu giảm 15,8% tổng lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030 so với BAU, tương đương với 146,3 triệu tấn CO2tđ.

Kịch bản 2: Giảm phát thải từ  hỗ trợ thêm của quốc tế, nghĩa là có thêm sự hỗ trợ quốc tế ở mức hạn chế thì mức giảm phát thải KNK tăng lên  27,7% tổng lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030 so với BAU, tương đương với 257,4 triệu tấn CO2tđ. Mức hỗ trợ quốc tế có thể lên tới trên 40 tỷ USD.

Kịch bản 3: Đóng góp có điều kiện về giảm phát thải, đây là kịch bản Việt Nam mong muốn khi có hỗ trợ lớn của cộng đồng quốc tế, trong số đó có thể chế tài chính cho chương trình BĐKH đang được xây dựng. Với mức hỗ trợ thêm khoảng 65 tỷ USD thì có thể giảm đến 43,5% tổng lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030 so với BAU, tương đương với 403,7 triệu tấn CO2tđ. Đây thật sự là kịch bản mơ ước mà thời gian tới phải nghiên cứu kỹ hơn.

[Bài 2] Suy ngẫm về cơ sở khoa học và thực tiễn để Việt Nam đạt Net Zero vào năm 2050 - Ảnh 3

Việc tính được Nhu cầu tài chính cho từng kịch bản ở bảng 1 giúp cho ta hình dung rõ hơn kinh phí cần để có thể giảm thải KNK của Việt Nam. Với Kịch bản 1, ngân sách Việt Nam phải chi khoảng trên 21 tỷ USD còn đối với Kịch bản 2 thì nhu cầu tài chính lên tới trên 65 tỷ USD và đối với kịch bản 3 thì lên tới con số 86.834,7 USD. Đây là khoản kinh phí rất lớn cần phải có để giảm phát thải KNK mà Việt Nam phải xem xét đến tính khả thi để có thể huy động.

Việc tính được cả nhu cầu tài chính để giảm phát thải hoặc tăng mức hấp thụ/loại bỏ KNK (đối với giá trị LULUCF) đã cho ta thấy mức kinh phí cần thiết đối với từng lĩnh vực. Để dễ hình dung, các giá trị kinh phí để giảm giảm phát thải hoặc tăng mức hấp thụ/loại bỏ KNK (đối với giá trị LULUCF) tính cho 1 tấn CO2tđ đã được tính toán và chỉ ra trên bảng 2.

[Bài 2] Suy ngẫm về cơ sở khoa học và thực tiễn để Việt Nam đạt Net Zero vào năm 2050 - Ảnh 4

Từ bảng 2 cho thấy: mức chi phí giảm 1 tấn CO2tđ rất khác nhau cả theo lĩnh vực và theo kịch bản, đặc biệt là đối với 2 lĩnh vực có giá trị lớn nhất là năng lượng và nông nghiệp. Những cán bộ lãnh đạo/quản lý các lĩnh vực phải rất chú ý các con số này và nếu cần thiết phải xây dựng dự án nghiên cứu khoa học để tính lại sát với lĩnh vực/ngành quản lý của mình. Bởi vì, theo mức chi phí cho tăng hấp thụ 1 tấn CO2tđ (lĩnh vực LULUCF) đều trên 100 USD vậy thì phải định giá bán tín chỉ carbon từ lĩnh vực này đủ cao để bù đắp chi phí bỏ ra, còn Việt Nam chỉ bán được với giá dưới 10 USD như hiện nay liệu có hợp lý không.

Để kiểm tra chúng tôi đã vào trang mạng EDGAR – Cơ sở dữ liệu phát thải phục vụ nghiên cứu khí quyển và tải được số liệu phát thải KNK của nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó có Việt Nam [4]. Cách thu thập tính toán của trang mạng này có thể khác so với tính toán trong báo cáo NDC 2022 của Việt Nam nhưng kết quả tính khá tương đồng (xem hình 1). Chẳng hạn, giá trị phát thải KNK tính cho 2020 trong NDC 2022 là 528,4 tấn CO2tđ thì trong tính toán của EDGAR là 499,45 tấn CO2tđ. Lĩnh vực phát thải trong tính toán của EDGAR cũng khác, bao gồm

- Ngành công nghiệp điện (Power Industry)- Nhà máy phát điện và nhiệt (nhà máy công cộng và nhà máy sản xuất ô tô)

- Đốt công nghiệp (Industrial combustion)- Đốt cho sản xuất công nghiệp

- Các tòa nhà (Buildings)- Đốt cố định phi công nghiệp quy mô nhỏ

- Giao thông vận tải (Transport)- Nguồn di động (đường bộ & đường sắt & tàu thủy & hàng không)

- Nông nghiệp (Agriculture)- Đất nông nghiệp, đốt tàn dư cây trồng, lên men đường ruột, quản lý phân bón, phát thải N2O gián tiếp từ nông nghiệp

- Khai thác nhiên liệu (Fuel exploitation)- Sản xuất, chuyển đổi và tinh chế nhiên liệu

- Quy trình/Quá trình (Processes)- Quy trình công nghiệp (ví dụ: phát thải từ sản xuất xi măng, sắt và thép, nhôm, hóa chất, dung môi, v.v.)

- Chất thải (Waste)- Xử lý chất thải rắn và xử lý nước thải

[Bài 2] Suy ngẫm về cơ sở khoa học và thực tiễn để Việt Nam đạt Net Zero vào năm 2050 - Ảnh 5

Hình 1. Mức phát thải KNK tính bằng triệu tấn CO2tđ của Việt Nam các năm gần đây [4].

Trong dữ liệu của EDGAR có tính đến LULUCF nhưng không tính riêng cho từng quốc gia mà tính cho các khu vực như châu Phi, Bắc Mỹ, châu Mỹ la tinh, vùng Đông Nam Á và các nước đang phát triển vùng Thái Bình Dương (South-East Asia and developing Pacific),… Các lĩnh vực tính phát thải hoặc thu hồi KNK được tính từ phá rừng- Deforestation (CO2), từ cháy/cháy rừng- Fires (cả CO2, CH4 và N2O), đất rừng- Forest Land (CO2), đất hữu cơ- Organic Soil (CO2), đất khác- Other Land (CO2). Nhìn vào kết quả tính toán thì giá trị dương (phát thải KNK vào khí quyển) đến từ các lĩnh vực phá rừng, cháy rừng, đất hữu cơ. Giá trị âm (thu hồi/loại bỏ KNK) chủ yếu từ đất rừng, còn đất khác có cả phát thải và thu hồi KNK. Về giá trị phát thải ròng KNK toàn cầu từ LULUCF theo tính toán của EDGAR thì có nhiều năm mang dấu dương (phát thải nhiều hơn loại bỏ KNK) và nhiều năm mang dấu âm (loại bỏ nhiều hơn phát thải). Chẳng hạn phát thải ròng toàn cầu trong các năm gần đây mang dấu dương trong các năm 2019. 2021 còn mang dấu âm trong các năm 2018. 2020, 2022 [4]. Riêng phát thải ròng LULUCF của Đông Nam Á và các nước đang phát triển vùng Thái Bình Dương (trong đó có Việt Nam) thì có giá trị dương hầu như từ 1991 đến nay. Đây là điều cần phải xem xét thêm trong tính toán LULUCF của Việt Nam. Có lẽ, tính toán trong tài liệu EDGAR chưa tính đến hấp thụ của đại dương nên vai trò hấp thụ KNK của toàn cầu mới thấp như vậy chăng?.

Phân tích như trên cho thấy, Việt Nam chúng ta phải tiếp cận ước tính, kiểm kê KNK theo nhiều cách, nhiều hướng khác nhau, tham khảo nhiều phương pháp đã có để thu được kết quả tính toán phát thải ròng KNK đáng tin cậy hơn, sát thực tế hơn. Đặc biệt phải xây dựng được cơ sở dữ liệu như của EDGAR và công khai để mọi người biết, theo dõi, đánh giá mức độ giảm phát thải ròng từng năm. Từ đó điều chỉnh các hoạt động giảm phát thải ròng KNK hiệu quả hơn, hướng tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050.

[Bài 2] Suy ngẫm về cơ sở khoa học và thực tiễn để Việt Nam đạt Net Zero vào năm 2050 - Ảnh 6
Việt Nam phải tiếp cận ước tính, kiểm kê KNK theo nhiều cách, nhiều hướng khác nhau.

Cơ sở khoa học, thực tiễn giảm KNK tại Việt Nam

Từ phân tích nêu trên cho thấy, hiện nay trên phạm vi toàn cầu và phạm vi quốc gia của nhiều nước phát thải ròng KNK vẫn mang giá trị dương rất cao, nồng độ KNK trong khí quyển vẫn đang tăng và sự nóng lên toàn cầu, BĐKH đang diễn ra mạnh mẽ đòi hỏi phải giảm và giảm mạnh phát thải ròng để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng không (Net Zero) trên phạm vi toàn cầu trong nửa sau của Thế kỷ XXI.

Việt Nam đã cam kết đạt Net Zero vào năm 2050, đã từng bước luật hóa và có những hoạt động để thực hiện cam kết. Nhưng đâu đó, mọi người vẫn yêu cầu có những phân tích sâu hơn về cơ sở khoa học và thực tiễn để giảm phát thải ròng KNK, làm rõ khả năng thực thi Net Zero vào năm 2050. Chắc chắn, công việc này không dễ và phải được chỉ đạo quyết liệt, phải tìm kiếm, đầu tư nhiều nguồn lực (cả kinh phí, nhân lực, công nghệ,…) để thực hiện ngay từ bây giờ.

Những giải pháp giảm phát thải ròng KNK nêu trong báo cáo NDC 2022 chỉ là những định hướng mang tính tổng quan và còn phải cụ thể hơn nữa, phải có sự vào cuộc của các nhà khoa học trong từng lĩnh vực cụ thể, của các ngành, các doanh nghiệp, của cả hệ thống chính trị và có sự tham gia của cộng đồng, của toàn bộ nhân dân nữa. Dưới đây chúng tôi xin phác thảo cụ thể hơn cơ sở khoa học và thực tiễn để giảm phát thải trong một số lĩnh vực cụ thể.

Trong lĩnh vực Năng lượng

Trong báo NDC 2022 đã nêu rõ giảm phát thải ròng qua tiết kiệm năng lượng mang tính định hướng. Trong năm 2024, Bộ Công thương phối hợp Hội Nhà báo Việt Nam phát động Giải thưởng báo chí tuyên truyền về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và đã tổ chức trao giải vào ngày 17/12/2024. Trong 4 giải A có loạt bài 5 kỳ với chủ đề "Chuyển đổi xanh, giảm phát thải, tiết kiệm năng lượng hướng đến mục tiêu Netzero 2050" của nhóm tác giả Tạp chí Kinh tế Môi trường. Một trong những bài dự thi có tiêu đề Tiết kiệm năng lượng để hướng đến mục tiêu Phát thải ròng bằng 0: Cần vào cuộc quyết liệt [5] đã đề cập nhiều vấn đề như ai là người cần/phải tiết kiệm năng lượng, trong đó phân tích rõ hơn vai trò quan trọng của các ngành như ngành năng lượng, ngành giao thông, của các cơ quan và của các cá nhân, hộ gia đình. Các thông điệp được nêu rõ bao gồm: (1). Bất cứ ai, cá nhân, tổ chức, ngành kinh tế và toàn bộ xã hội cần, phải tiến hành tiết kiệm năng lượng theo điều kiện của mình. Tiết kiệm năng lượng phải luôn hiện hữu trong ý thức của người dân, nhà lãnh quản lý, nhà doanh nghiệp để tìm cách thực hiện. (2). Tiết kiệm năng lượng không có nghĩa là “đóng băng” tiêu dùng năng lượng, trái với quy luật cung cầu của kinh tế thị trường. Nghĩa là, vẫn cần tiêu thụ năng lượng nhưng ở mức hiệu quả nhất, tối ưu nhất đối với các hoạt động của cá nhân, chủ thể nhằm đạt được mục tiêu đề ra. Tổng mức tiêu thụ năng lượng cũng có tương quan thuận với mức phát triển của quốc gia nên giảm quá mức hoặc đóng băng tiêu thụ năng lượng không phải là yêu cầu chung của sự phát triển.

Một số kết quả tiết kiệm năng lượng đã được nêu, chỉ ra khả năng đạt được mức yêu cầu đặt ra trong các văn bản của nhà nước. Chẳng hạn, “Tổn thất điện năng (TTĐN) đã giảm đáng kể từ 12,23% vào năm 2003 xuống còn 6,25% vào năm 2022, đưa tỷ lệ TTĐN của Tập đoàn Điện lực Việt Nam sát ngưỡng kỹ thuật, ngang bằng với nhiều nước tiên tiến trên thế giới”. Đây quả thực là thông tin đáng mừng vì năm 2023 khi giảm TTĐN bằng áp dụng biện pháp Tối ưu hóa trào lưu công suất từ 2,56% xuống 2,24% mà đã giảm được 683 triệu KWh điện.

Việc phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030 theo Quyết định số 280/QĐ-TTg ngày 13/3/2019 của Thủ tướng chính phủ thể hiện rõ vai trò quan trọng của tiết kiệm năng lượng trong thời gian tới. Tuy nhiên, Những chỉ tiêu, nội dung cần được làm rõ hơn như những tỷ lệ % cần đạt được như trong giai đoạn đến 2025 cần được tiến hành tổng kết đánh giá; “ Đạt mức tiết kiệm năng lượng 5,0 đến 7,0% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn từ năm 2019 đến năm 2025; Giảm mức tổn thất điện năng xuống thấp hơn 6,5%; Giảm mức tiêu hao năng lượng bình quân cho các ngành/phân ngành công nghiệp so với giai đoạn 2015 - 2018, cụ thể: (i) Đối với công nghiệp thép: từ 3,00 đến 10,00% tùy loại sản phẩm và công nghệ sản xuất; (ii) Đối với công nghiệp hóa chất: tối thiểu 7,00%; (iii) Đối với công nghiệp sản xuất nhựa: từ 18,00 đến 22,46%; (iv) Đối với công nghiệp xi măng: tối thiểu 7,50%; (vi) Đối với công nghiệp dệt may: tối thiểu 5,00%; (vii) Đối với công nghiệp rượu, bia và nước giải khát: từ 3,00 đến 6,88% tùy vào loại sản phẩm, quy mô sản xuất; (viii) Đối với công nghiệp giấy: từ 8,00 đến 15,80% tùy từng loại sản phẩm và quy mô sản xuất; Giảm mức tổn thất điện năng xuống thấp hơn 6,5%; ….”

Như vậy, nếu làm tốt tiết kiệm năng lượng chắc chắn sẽ giảm đáng kể phát thải KNK trên phạm vi toàn Việt Nam.

Trong ngành năng lượng, muốn giảm phát thải KNK còn phải thay đổi việc sản xuất và cung cấp năng lượng. Nhận thức được sử dụng nhiên liệu hóa thạch (than đá, dầu mỏ, khí tự nhiên) sản xuất điện đã phát thải lượng KNK rất lớn nên việc chuyển đổi phát điện sang sử dụng nhiên liệu/năng lượng ít hoặc không phát thải KNK là điều được quan tâm nhiều.

Như trên đã đề cập Việt Nam cam kết: “Loại bỏ dần điện than: không xây dựng thêm nhà máy điện than mới sau năm 2030 và loại bỏ dần điện than vào năm 2040”. Trong Quy hoạch điện VIII, giai đoạn 2021-2030 Việt Nam vẫn xây dựng thêm một số nhà máy điện than với tổng công suất khoảng 13.000 MW công suất lắp máy. Tuy nhiên, hiện đang xem xét, điều chỉnh Quy hoạch điện VIII nên có lẽ còn có thay đổi. Sau 2030 Việt Nam không có kế hoạch xây dựng nhà máy điện than mới và một số nhà máy cũ  sẽ dần bị loại bỏ để đến năm 2050 sản lượng điện than sẽ hầu như không còn trong cơ cấu điện quốc gia. Đây là cố gắng lớn của Việt Nam nhưng vấn đề đặt ra là loại bỏ điện than trong khi nhu cầu điện vẫn không ngừng tăng cao sau 2030 thì nguồn điện nào sẽ thay thế. Hiện tại, Việt Nam đã có những nhà máy điện gió và điện mặt trời nối lưới và tiềm năng còn có thể xây dựng nhiều nhà máy mới. Rất tiếc là trong việc sử dụng hai nguồn năng lượng tái tạo là năng lượng gió và năng lượng bức xạ mặt trời vẫn gặp nhiều khó khăn, chủ yếu là khó khăn trong việc nghiên cứu cơ bản về hai loại năng lượng này. Về nghiên cứu đánh giá tiềm năng năng lượng gió và năng lượng mặt trời còn rất hạn chế, chưa chỉ ra được khả năng phát triển, khu vực phát triển với mức công suất và hiệu quả kinh tế có thể đạt được. Các nhà máy hiện có chủ yếu do chủ đầu tư tự nghiên cứu để xây dựng nên còn gặp nhiều khó khăn. Chúng ta chưa có những phần mềm tính ra sản lượng điện từ các thông số năng lượng gió và năng lượng mặt trời và do đó chưa có nhiều nghiên cứu kỹ hơn về sản lượng điện có thể thu được và từ đó tính ra giá thành đầu tư và hiệu quả kinh tế khi bán điện với giá nào đó. Chính vì chưa có nghiên cứu cơ bản, chưa ước tính đúng, tính đủ giá thành điện gió, điện mặt trời nên việc đưa ra giá mua điện chưa thật sát, gây ra những bất ổn không đáng có. Vụ việc xảy ra ở Bộ Công thương vừa qua là minh chứng cho sự thất thoát kinh phí ngân sách lớn và nhiều cán bộ bị kỷ luật. Sau thời gian đủ dài có các nhà máy điện gió, điện mặt trời hoạt động, nên chăng có những dự án khảo sát làm rõ hiệu quả thật sự của chúng và xem xét thêm về giá mua điện ưu tiên cho hợp lý. Nếu tiến hành nghiên cứu kỹ hơn còn có thể khai thác tiềm năng điện gió ngoài khơi vốn có tiềm năng lớn. Khi đó đóng góp của điện từ năng lượng gió sẽ giúp ổn định cung cấp điện khi giảm điện sản xuất từ nhiên liệu hóa thạch.

Việc chuyển đổi sản xuất điện sang sử dụng năng lượng hạt nhân đang được Chính phủ, Quốc hội xem xét và chắc chắn sẽ có 2 nhà máy điện hạt nhân được xây dựng với công suất dự kiến trên 4.000 MW trong thời gian đến năm 2035. Đây là nguồn bổ sung hiệu quả cho việc từng bước dừng nhà máy điện than và có thể cả điện khí.

Trong lĩnh vực nông nghiệp

Kết quả nghiên cứu khoa học đã chỉ ra nhiều phương pháp giảm phát thải KNK từ hoạt động nông nghiệp. Việt Nam là nước canh tác lúa nước, là nước có đàn gia súc khá lớn nên cần áp dụng những giải pháp phù hợp nhằm giảm tối đa phát thải khí nhà kính từ hai hoạt động này. NDC 2022 của Việt Nam đã nêu rất rõ quyết tâm giảm phát thải KNK từ lĩnh vực nông nghiệp, cụ thể là:

Ứng dụng các giải pháp quản lý cây trồng tổng hợp; áp dụng các công nghệ trong trồng trọt như tưới khô ướt xen kẽ và SRI ở vùng có hạ tầng đầy đủ; hiện đại hoá tưới nước và bón phân cho cây dài ngày; rút nước giữa vụ trong canh tác lúa; chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả thành đất cây trồng cạn hoặc đất tôm - lúa; bón phân compost và nông nghiệp hữu cơ; thay phân đạm bằng các loại phân chậm tan, phân hóa chậm; cải thiện khẩu phần ăn gia súc nhai lại; tuần hoàn chất thải nông nghiệp làm phân hữu cơ; phát triển sử dụng khí sinh học. Giảm phát thải khí mê-tan trong các tiểu lĩnh vực, đặc biệt là canh tác lúa nước và quản lý chất thải vật nuôi, phế phụ phẩm nông nghiệp là các biện pháp nhằm thực hiện tuyên bố của Việt Nam tại COP26, giảm phát thải khí mê-tan 30% vào năm 2030 so với mức phát thải của năm 2020”.

Hy vọng những dự án như trồng 1 triệu ha lúa chất lượng cao, công nghệ cao ở Đồng bằng Sông Cửu Long sẽ thành công để góp phần giảm phát thải KNK.

Trong lĩnh vực Sử dụng đất, thay đổi sử dụng đất và lâm nghiệp

Theo chúng tôi, đây là lĩnh vực Việt Nam cần nghiên cứu thêm cách tiếp cận phân loại các nguồn phát thải cụ thể, từ đó tính chi tiết mức phát thải, mức thu hồi KNK của từng lĩnh vực nhỏ như trong công trình EDGAR đã thực hiện. Cần nắm bắt, phân tích kỹ hơn phương pháp tính toán và số liệu đầu vào để ước tính được mức thải hoặc mức thu hồi KNK của từng nguồn cụ thể. Liệu thật sự giá trị LULUCF đưa ra trong NDC mang dấu âm có khác với giá trị ước tính theo phương pháp của EDGAR không cũng cần được làm rõ. Các giải pháp nêu trong báo cáo NDC 2022 phải được thực hiện quyết liệt như giảm, tiến tới chấm dứt phả rừng; tu bổ diện tích rừng đã, đang bị suy thoái, trồng rừng, cây phân tán; nhanh chóng khống chế cháy rừng; nhân rộng các mô hình nông lâm kết hợp,… sẽ giúp giảm phát thải KNK và tăng thu hồi KNK từ lĩnh vực này.

Trong lĩnh vực chất thải và các quá trình công nghiệp

Trong báo cáo NDC 2022 đã nêu một số giải pháp giảm phát thải KNK trong hai lĩnh vực này. Các giải pháp này đã được áp dụng có hiệu quả ở nhiều nơi và chỉ cần các cấp, các ngành có liên quan quyết tâm đầu tư, áp dụng thì sẽ giúp giảm được phát thải KNK, góp phần giảm phát thải ròng trong những năm tiếp theo của giai đoạn 2021-2030 và sau 2030.

Phân tích tiềm năng, nguồn lực thực hiện giảm phát thải KNK của Việt Nam

Xét về tiềm năng kinh phí, những năm gần đây chúng ta đã có tổng GDP tương đối lớn, đã thuộc top 35 quốc tế, chẳng hạn như GDP năm 2024 Việt Nam đạt 476,3 tỷ USD với tốc độ tăng trưởng GDP vượt mức 7%, đứng thứ 33 thế giới, thu nhập bình quân đầu người đạt 4.700 USD và vẫn còn khả năng tăng nhanh trong thời gian tới. Việt Nam đã có thể dành mức kinh phí lớn để chi cho những dự án tầm cỡ quốc gia như xây dựng sân bay Long Thành, xây dựng đường sắt cao tốc và cả nhà máy điện hạt nhân nữa. Một nguồn khác cũng cần có kế hoạch tiếp cận là nguồn tài trợ quốc tế theo các Hội nghị thường niên của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu kêu gọi hỗ trợ các nước còn khó khăn trong quá trình giảm thải KNK. Số tiền tài trợ này này rất lớn, có thể lên đến nghìn tỷ USD nhưng muốn có được cũng không dễ. Việt Nam phải luôn cập nhật thông tin, thực hiện đúng những yêu cầu của Quỹ môi trường toàn cầu (GEF), Quỹ biến đổi khí hậu đặc biệt (SCCF) để có thể nhận được tài trợ cho giảm thải KNK. Trong dự thảo Quy hoạch điện VIII điều chỉnh đang được lấy ý kiến rộng rãi thì Việt Nam có thể huy động vốn từ tham gia JETP-Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng:

Ước tính nguồn vốn huy động từ JETP có thể đóng góp khoảng 10 - 20% (tương đương 15 - 30 tỷ USD) tổng vốn đầu tư ngành điện giai đoạn 2021 - 2030. Đây là điều kiện tiên quyết đề đạt được các mục tiêu JETP thông qua tài trợ, vốn vay ưu đãi, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ chuyển đổi nhiên liệu, đầu tư truyền tải, sử dụng hiệu quả điện v.v…

Xét về tiềm năng nguồn năng lượng tái tạo, Việt Nam có nguồn năng lượng gió và năng lượng mặt trời khá dồi dào. Tuy nhiên, các nghiên cứu cơ bản còn hạn chế, rất ít nghiên cứu cập nhật số liệu về mức năng lượng tự nhiên và khả năng chuyển đổi sang năng lượng thương mại (điện thương phẩm) thông qua turbin gió và pin năng lượng mặt trời. Đặc biệt, năng lượng gió ngoài khơi tại nhiều vùng biển có tiềm năng lớn nhưng cũng chưa được nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu khả năng xây dựng hệ thống trang trại gió ngoài khơi và hiệu quả kinh tế có thể thu được.

Xét về tiềm năng con người, Việt Nam đã có đội ngũ cán bộ khoa học, kỹ thuật, thợ lành nghề được đào tạo và hoạt động có hiệu quả. Vấn đề là thiếu những “công trình sư” tầm cỡ, vạch ra và thực hiện kế hoạch khả thi, họ được trao đủ quyền hành, có đủ nguồn lực (nhân lực, kinh phí, thiết bị,…) để hoàn thành những nhiệm vụ do một “công trình sư” quản lý đặt hàng. Việt Nam đã có thời kỳ chú trọng đào tạo nhân lực lĩnh vực năng lượng hạt nhân, đã gửi đào tạo được những nhà khoa học nổi tiếng như GS. Nguyễn Văn Hiệu, GS. Nguyễn Đình Tứ, GS, Đào Vọng Đức,… Ngày nay, nếu đầu tư vẫn có thể đào tạo được lớp cán bộ khoa học giỏi, công nhân kỹ thuât lành nghề, đủ đảm bảo trọng trách vận hành an toàn các nhà máy điện hạt nhân.

Xét về tiềm lực khoa học-công nghệ-kỹ thuật, dù sao đây là điểm yếu chúng ta phải vượt qua. Hầu như mọi công nghệ sản xuất, các thiết bị cơ bản như turbin gió, pin năng lượng mặt trời, buồng phản ứng hạt nhân nguyên tử chúng ta chưa sản xuất được. Vì vậy, đôi khi chúng ta rất bị động trong việc sửa chữa, duy tu, bảo dưỡng, vận hành thiết bị. Phải chăng chúng ta nên/phải đầu tư để tự hoặc liên danh xây dựng nhà máy sản xuất turbin gió, pin năng lượng mặt trời ở Việt Nam để có thể làm chủ công nghệ liên quan và giảm chi phí vận chuyển từ nước ngoài. Mặc dù vậy, chúng ta vẫn có thể phát triển năng lượng xanh ngay từ bây giờ khi sử dụng công nghệ đã có trên thế giới bằng cách nhập khẩu trọn gói.

Thay lời kết

Từ những phân tíc nêu trên có thể rút ra một vài kết luận sau:

1. Về cơ bản Việt Nam có thể huy động được các nguồn lực, cả trong và ngoài nước, cả nguồn kinh phí, nhân lực, thiết bị,… để tiến hành giảm phát thải KNK giai đoạn 2025-2030 và giai đoạn sau 2030 nhằm đạt được Net Zero vào năm 2050 như đã cam kết.

2. Tuy nhiên, để mọi người có thể tin tưởng hơn khả năng đạt được mục tiêu này thì một mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam phải vào cuộc quyết liệt, huy động mọi nguồn lực để thực thi các giải pháp giảm KNK, mặt khác các Tổ chức quốc tế cũng phải có những hỗ trợ hữu hiệu, không chỉ là kinh phí mà cả nguồn lực con người, nguồn lực khoa học, công nghệ kỹ thuật để Việt Nam đủ sức thực hiện giảm phát thải KNK.

3. Trong giai đoạn tới, xin đề xuất thực hiện một số dự án nghiên cứu, thực hiện các giải pháp căn bản dưới đây:

- Có kế hoạch kiểm kê, cập nhật mức phát thải, mức thu hồi khí nhà kính theo một quy trình thống nhất để có số liệu phát thải đủ xây dựng cơ sở dữ liệu phát thải của các nguồn thải (có thể đến quy mô doanh nghiệp) càng cụ thể càng tốt. Số liệu này sẽ giúp chỉ rõ ai phải thực thi việc giảm thiểu phát thải KNK, ai đang thu hồi/loại bỏ được KNK trên phạm vi Việt Nam. Phải lập được dự án tiến hành công việc này thật cụ thể để kết quả thu được đủ độ tin cậy, đủ độ chính xác.

- Theo những tiêu chí đưa ra trong Quy hoạch điện VIII đang đưa lấy ý kiến thì cơ cấu nguồn điện đăt từ năng lượng tái tạo rất cao, theo kịch bản 5 (được đề nghị lựa chọn) thì đến năm 2050 tỷ lệ đặt của Điện mặt trời tập trung chiếm tỷ lệ cao nhất (18,5%) với công suất 157.976 MW, tiếp đến là Điện gió ngoài khơi chiếm khoảng 16,3% với công suất 138.639 MW. Để giúp thực hiện được các mục tiêu này phải xây dựng dự án nghiên cứu khoa học lớn, làm rõ các vị trí xây dựng, tiêu chí lựa chọn công nghệ, turbin gió, chủng loại pin mặt trời phù hợp với điều kiện (đặc biệt là điều kiện khí tượng, hải văn và địa hình) của Việt Nam và tiến tới sản xuất được tại Việt Nam. Đối với điện hạt nhân, đến năm 2050 công suất lắp đặt còn khiêm tốn (chỉ 9.800 MW, chiếm 1,15% theo Quy hoạch điện VIII) nhưng vẫn cần có những nghiên cứu thật kỹ về lựa chọn công nghệ, về đào tạo nhân lực điều hành, về lựa chọn địa điểm, về kế hoạch ứng phó nếu có sự cố,…

GS.TS Hoàng Xuân Cơ

Hội Kinh tế Môi trường

Tài liệu tham khảo

[1]. Nick Zrinyi, 2023, Danh sách các quốc gia có cam kết phát thải ròng bằng 0 và luật về trách nhiệm giải trình về khí hậu,

https://rosagalvez.ca/en/initiatives/climate-accountability/list-of-countries-with-net-zero-commitments-and-climate-accountability-legislation/

[2]. Phiên An, 2024 100quốc gia đã cam kết Net Zero

100 quốc gia đã cam kết Net Zero - Báo VnExpress Kinh doanh

[3]. Chính phủ Việt Nam, Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), cập nhật 2022.

[4].  EDGAR – Cơ sở dữ liệu phát thải phục vụ nghiên cứu khí quyển

EDGARv8.0_FT2022_GHG_booklet_2023.xlsx

[5]. Tạp chí Kinh tế Môi trường, 2024, Tiết kiệm năng lượng để hướng đến mục tiêu Phát thải ròng bằng 0: Cần vào cuộc quyết liệt

Tiết kiệm năng lượng để hướng đến mục tiêu Phát thải ròng bằng 0

Bạn đang đọc bài viết [Bài 2] Suy ngẫm về cơ sở khoa học và thực tiễn để Việt Nam đạt Net Zero vào năm 2050. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 036 882 6789 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới