Bài 2: Những giải pháp chủ yếu để thực hiện hiệu quả và bền vững
Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, trong những năm qua, các nội dung về quản lý và bảo vệ môi trường nông thôn được điều chỉnh bằng nhiều văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có nội dung về bảo vệ môi trường trong nông nghiệp, làng nghề, thủy sản; bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; bảo vệ môi trường trong xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật, trong lĩnh vực thú y; quản lý chất thải và phế liệu....
Thôn Xuân Lập, xã Ngọc Phụng là thôn nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa. Đường nội thôn sạch sẽ, rộng rãi, lối đi tràn ngập sắc hoa. Ảnh: Khiếu Tư/TTXVN |
Đồng thời, các quy định về bảo vệ môi trường cũng đã được cụ thể hóa bằng việc triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trong đó tiêu chí môi trường là một trong những tiêu chí quan trọng được tăng cường, tập trung chỉ đạo thực hiện, kiểm tra, giám sát chặt chẽ trong thời gian vừa qua.
Hoàn thiện và nhân rộng các mô hình
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết: Để hỗ trợ việc triển khai thực hiện các nội dung về bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới, ngày 26/5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án thí điểm hoàn thiện và nhân rộng mô hình bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới tại các xã khó khăn, biên giới, hải đảo theo hướng xã hội hóa, giai đoạn 2017 - 2020 (Quyết định số 712/QĐ-TTg), nhằm hoàn thiện và nhân rộng các mô hình về bảo vệ môi trường theo hướng xã hội hóa, tập trung tại các xã khó khăn, biên giới, hải đảo.
Trên cơ sở đó, hoàn thiện chính sách về huy động nguồn lực xã hội hóa, cơ chế quản lý và vận hành sau đầu tư, đề xuất các giải pháp công nghệ phù hợp, đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả và bền vững tiêu chí môi trường, góp phần thực hiện hiệu quả, bền vững Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020.
Nhằm triển khai thực hiện Đề án, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tiến hành rà soát, đánh giá việc xây dựng các mô hình bảo vệ môi trường hiện có; hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các địa phương triển khai thực hiện Đề án. Để tiếp tục nâng cao và duy trì bền vững các tiêu chí, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan, xây dựng và ban hành văn bản hướng dẫn các địa phương xây dựng và triển khai kế hoạch xét, công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2018 - 2020, trong đó lĩnh vực cảnh quan - môi trường là một trong những nội dung trọng tâm của kế hoạch.
Tiếp đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã chủ trì, phối hợp với các Bộ (trong đó Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm hướng dẫn về nội dung môi trường) tham mưu xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2018-2020. Trong đó tiêu chí môi trường đã được nâng lên một mức độ cao hơn, tập trung giải quyết những vấn đề môi trường nổi cộm, những vấn đề môi trường kém tính bền vững (ở cấp độ hiện đại hơn, văn minh hơn, tiệm cận tốt hơn với các quy định pháp luật hiện hành về bảo vệ môi trường); chú trọng phương thức quản lý chất thải tại từng hộ gia đình, cụm dân cư...; các yêu cầu mang tính định lượng cụ thể hơn đối với cảnh quan nông thôn như tỷ lệ đường hoa, cây xanh, hệ thống chiếu sáng...
Ở cấp địa phương, bên cạnh việc ban hành các văn bản chỉ đạo điều hành, kế hoạch triển khai thực hiện để đạt được các mục tiêu theo từng giai đoạn như tỉnh Trà Vinh... nhiều địa phương đã chủ động ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện tiêu chí nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu như Hà Tĩnh, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Ninh, Nam Định...
Nhận thức được tầm quan trọng trong xử lý môi trường và cải tạo cảnh quan nông thôn, nhiều địa phương đã ưu tiên bố trí nguồn lực cũng như tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt việc thực hiện tiêu chí về môi trường. Nhờ vậy, công tác bảo vệ môi trường nông thôn đã có bước đột phá lớn, nhất là vấn đề xử lý rác thải khu dân cư và cải tạo cảnh quan nông thôn xanh - sạch - đẹp. Tuy vậy, thách thức, khó khăn vẫn còn nhiều, cần tiếp tục giải quyết.
Những giải pháp cụ thể
Để thực hiện hiệu quả công tác bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan sáng - xanh - sạch - đẹp trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, trong thời gian tới các cấp, các ngành chú trọng một số giải pháp cụ thể như trong Công văn số 1345 ngày 8/2/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn xây dựng và triển khai kế hoạch xét, công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2018 – 2020, Quyết định số 691 ngày 5/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2018 - 2020.
Về phía địa phương, các cấp ủy đảng, chính quyền đã vào cuộc mạnh mẽ. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Trà Vinh đã ban hành Chỉ thị số 15 về việc tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng và vệ sinh môi trường tại các đô thị, khu dân cư, trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tỉnh; UBND tỉnh Trà Vinh ban hành Kế hoạch số 01 về việc hành động cải thiện cảnh quan, môi trường, chỉnh trang đô thị, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, lập lại trật tự xây dựng, an toàn giao thông trên địa bàn.
Hay UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành Sổ tay hướng dẫn thực hiện Bộ tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới và xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, giai đoạn 2017 – 2020. UBND tỉnh Quảng Nam ban hành Bộ tiêu chí “Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu” trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 – 2020. UBND tỉnh Quảng Ngãi ban hành Bộ tiêu chí Khu dân cư nông thôn kiểu mẫu trên địa bàn…
Giải pháp đầu tiên và quan trọng nhất đó là trao quyền và trách nhiệm cho người dân, trong bối cảnh chung của công cuộc xây dựng nông thôn mới. Phát huy tối đa vai trò của người dân trong công tác giữ gìn vệ sinh, cảnh quan môi trường nông thôn; vận động nhân dân đầu tư xây dựng và nâng cấp các công trình hợp vệ sinh, chỉnh trang nhà vườn, bố trí chuồng trại chăn nuôi hợp lý và thực hiện tốt nếp sống văn hóa, văn minh... là những công việc cần được hết sức quan tâm, đầu tư nguồn lực và tổ chức thực hiện.
Để thực hiện hiệu quả giải pháp này, nhất thiết phải có sự quyết tâm vào cuộc của cấp ủy, chính quyền; xác định và phân định trách nhiệm cho từng tổ chức đoàn thể; tìm tòi, vận dụng những bài học tốt, cách làm hay, vận dụng sáng tạo và điều chỉnh cho phù hợp với đặc điểm văn hóa, kinh tế - xã hội của từng vùng, miền, địa phương.
Giải pháp tiếp theo là không ngừng hoàn thiện khung thể chế, chính sách quy định, hướng dẫn, hỗ trợ việc triển khai các nội dung của tiêu chí môi trường cho phù hợp với thực tiễn. Bên cạnh việc tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện các tiêu chí và hướng dẫn thực hiện tiêu chí nâng cao, tiêu chí kiểu mẫu, cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý điều chỉnh các hành vi, đối tượng trong mối tương quan giữa nông nghiệp, nông dân và nông thôn; tách biệt các nhóm đối tượng trên địa bàn đô thị và nông thôn để có những phương cách ứng xử phù hợp.
Đặc biệt là cần chú trọng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ, thu hút đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường nông thôn; xác định từng nhóm chủ thể riêng biệt trên cùng một địa bàn nông thôn (nhóm gây ô nhiễm và nhóm bị ảnh hưởng, tác động do ô nhiễm; nhóm cần được ưu đãi hỗ trợ và nhóm cần áp dụng các biện pháp, chế tài có tính răn đe cao...).
Về nguồn lực, không chỉ trông chờ vào ngân sách nhà nước, mà phải vận dụng tối đa các cơ chế, chính sách để huy động các nguồn lực trong xã hội, thu hút và kêu gọi đầu tư. Bên cạnh có, từ việc phân định rõ trách nhiệm của “người gây ô nhiễm phải trả tiền” để tìm ra những phương thức đầu tư, vay vốn tín dụng, ưu đãi cho xây dựng cảnh quan, xử lý chất thải... nông nghiệp và nông thôn.
Thực tiễn hoạt động cấp nước sinh hoạt, phong trào trồng cây, trồng hoa, cải tạo các khu vực ô nhiễm thời gian qua cho thấy, nếu có cơ chế phù hợp, hoàn toàn có thể huy động được cộng đồng và khối doanh nghiệp tư nhân tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường nông thôn (mặc dù khó khăn hơn rất nhiều so với các vùng đô thị, khu công nghiệp).
Bài học kinh nghiệm từ triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới 10 năm qua cho thấy, đã đến lúc nhận thức cộng đồng được nâng lên, trách nhiệm được phân định, hoạt động được phân công phân cấp, nhưng khó khăn là thiếu những công nghệ phù hợp, mà quan trọng nhất là công nghệ xử lý chất thải rắn và nước thải (chăn nuôi, sản xuất, sinh hoạt...); công nghệ canh tác nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản...) an toàn và bền vững về môi trường; ứng dụng khoa học và công nghệ trong xây dựng một nền kinh tế nông nghiệp xanh, bền vững, thân thiện với môi trường và không phát sinh chất thải.
Mặt khác, phải tăng cường hội nhập quốc tế trong giải quyết những khó khăn về môi trường; kế thừa và chuyển giao các ứng dụng khoa học và công nghệ; huy động nguồn lực trong xử lý các vấn đề về chất thải, khu vực ô nhiễm hay canh tác nông nghiệp bền vững; các mô hình nông nghiệp sạch, nông nghiệp sinh thái, mô hình nông thuận thiên... Đặc biệt là áp dụng các biện pháp đủ mạnh trong giải quyết những xung đột về môi trường, không thể mãi áp dụng đơn phương các biện pháp thuyết phục và hỗ trợ. Kinh nghiệm từ các nước phát triển cho thấy, cần thiết song hành cả hai công cụ (tuyên truyền và cưỡng chế), có như vậy các công cụ mới phát huy được hết tác dụng của nó. Song để đảm bảo tính răn đe nhưng không làm ảnh hưởng đến tư tưởng, đời sống của người dân, cần bóc tách những nhóm đối tượng cụ thể để áp dụng các chế tài phù hợp.
Với địa bàn nông thôn, cần giải quyết từng việc một cách kiên trì, mềm dẻo và linh hoạt, theo hướng “tốt hơn mỗi ngày”, tổ chức huy động người dân vào cuộc, có kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở, bảo đảm sự bền vững thông qua việc đưa các quy định về bảo vệ môi trường và xây dựng cảnh quan vào các quy ước, hương ước của thôn, bản... để các hộ gia đình nghiêm túc thực hiện. Đồng thời, cần nâng cao vai trò giám sát của cộng đồng đối với các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trong khu dân cư.
Bài cuối - Những mô hình tiêu biểu