Bạc Liêu: Xuất hiện nhiều điểm sạt lở bờ biển
Theo số liệu khảo sát tháng 7/2019 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu, tuyến đê biển Đông Bạc Liêu có khoảng 15km thường xuyên bị sạt lở.
Một điểm sạt lở tại cửa biển Nhà Mát, thành phố Bạc Liêu. Ảnh: Huỳnh Sử/TTXVN |
Cụ thể: Đoạn từ giáp ranh tỉnh Sóc Trăng đến gần kênh 30/4, thuộc thành phố Bạc Liêu, với chiều dài khoảng 11km và đoạn từ kênh số 3, thuộc khu vực thị trấn Gành Hào (huyện Đông Hải), dài khoảng 4km. Tốc độ sạt lở ở khu vực này trung bình quân hàng năm từ 20-30m theo chiều ngang và từ 0,5-1m theo phương thẳng đứng.
Bên cạnh đó, tuyến đê này còn xuất hiện những đoạn bờ biển có những tháng lở và những tháng bồi, với chiều dài 19km, bao gồm: Đoạn từ kênh 30/4 (Nhà Mát, thành phố Bạc Liêu) đến kênh Hoành Tấu (xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình), với chiều dài khoảng 16km; đoạn gần kênh Cầu Cháy (xã Điền Hải) đến kênh số 3 thị trấn Gành Hào (huyện Đông Hải), với chiều dài khoảng 3km...
Đáng chú ý, tuyến đê này đang xuất hiện 3 vị trí sạt lở bờ biển đặc biệt nguy hiểm, đã làm sạt lở rừng phòng hộ ăn sâu chân đê, gây mất an toàn tuyến đê, kè. Điểm sạt lở bờ biển đoạn giáp ranh từ tỉnh Sóc Trăng đến xã Vĩnh Trạch Đông (thành phố Bạc Liêu), dài 4km; điểm sạt lở cửa biển Nhà Mát (thuộc phường Nhà Mát, thành phố Bạc Liêu), dài 4km; điểm sạt lở bờ biển phía Bắc kè Gành Hào (đoạn kè G0) đến Kênh Ba, thuộc thị trấn Gành Hào (huyện Đông Hải), với chiều dài 2km.
Qua kết quả khảo sát cho thấy, nguyên nhân gây ra sạt lở bờ biển là do tác động của dòng chảy, đó là những biến động của dòng hải lưu, biến động của hàm lượng phù sa sông Mê Kông khi đổ ra biển Đông, biến động của dòng chảy ven bờ biển Bạc Liêu; do tác động của hiện tượng biến đổi khí hậu; tác động của thủy triều dâng cao bất thường; tác động của sóng, gió... Nhất là hiện nay, Bạc Liêu đang vào mùa gió chướng, gió thổi mạnh, sóng to, nước biển dâng... khiến tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển nghiêm trọng hơn.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu, trước tình trạng xâm thực bờ biển đang diễn ra ngày càng gay gắt, đe dọa trực tiếp đến thảm rừng phòng hộ và tuyến đê ven biển Đông, tỉnh Bạc Liêu đã triển khai nhiều dự án, công trình phòng chống sạt lở bờ biển; các dự án gây bồi, tạo bãi, khôi phục rừng phòng hộ để chống sạt lở bờ biển... Tuy nhiên, số công trình, dự án trên chưa đáp ứng, khắc phục được số điểm, vị trí sạt lở hiện nay. Hơn nữa, để khắc phục tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển, đặc biệt là các điểm sạt lở xung yếu trên tuyến đê biển Đông hiện nay, tỉnh cần nguồn vốn đầu tư lớn, trong khi đó nguồn lực địa phương có giới hạn, rất cần được sự quan tâm, hỗ trợ từ các Bộ, ngành Trung ương, Chính phủ...
Tuyến đê biển Đông tỉnh Bạc Liêu dài 56km, đây là khu vực có tiềm năng rất lớn cho phát triển kinh tế biển cũng như đảm bảo an ninh - quốc phòng và sinh kế của hàng chục nghìn người dân. Song, đây cũng là khu vực chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn, đặc biệt là hiện tượng sạt lở bờ biển, đê biển, kè cửa sông ven biển, do thay đổi dòng chảy, sóng to, gió lớn, gây thiệt hại ngày càng nặng nề.