Thứ sáu, 04/10/2024 03:38 (GMT+7)
    Thứ sáu, 03/12/2021 08:00 (GMT+7)

    Bắc Giang: Tháo gỡ vướng mắc các dự án nhà ở cho công nhân

    Theo dõi KTMT trên

    Bắc Giang có nhiều khu công nghiệp và công nhân lao động. Tuy nhiên, nhiều dự án nhà ở cho công nhân đang gặp khó khăn, cần có giải pháp tháo gỡ.

    Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Giang, hiện nay trên địa bàn tỉnh có gần 1.500 dự án đang hoạt động tại các khu, cụm công nghiệp với 240 nghìn công nhân, trong đó hơn 125 nghìn người có nhu cầu về nhà ở. Xung quanh các khu, cụm công nghiệp có hơn 58 nghìn công nhân đang thuê nhà trọ với điều kiện sinh hoạt hạn chế, thiếu các thiết chế văn hóa, giáo dục, thể thao...

    Bắc Giang: Tháo gỡ vướng mắc các dự án nhà ở cho công nhân - Ảnh 1
    Dự án khu nhà ở xã hội dành cho công nhân tại xã Nội Hoàng (Yên Dũng) có quy mô 10 khối nhà cao tầng với hơn 2.460 phòng ở đang được xây dựng.

    Số lượng lớn công nhân khác không có nhà lưu trú gần nơi làm việc, hằng ngày đi làm bằng xe đưa đón, phương tiện cá nhân hoặc xe khách công cộng, ảnh hưởng đến thời gian và hiệu suất lao động, gây ách tắc, mất an toàn giao thông. Hơn nữa, việc thiếu hụt nhà ở cho công nhân cũng tác động đến sức cạnh tranh, tính hấp dẫn của môi trường đầu tư, khả năng thu hút các doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước của Bắc Giang.

    Nhận rõ tầm quan trọng, tính cấp bách phải xây dựng nhà ở cho công nhân, giúp người lao động yên tâm làm việc, đưa Bắc Giang thực sự trở thành điểm đến ưa thích của các nhà đầu tư, tỉnh đã quan tâm, khuyến khích, tạo điều kiện cho nhóm dự án này. Hiện Bắc Giang đã thu hút được 9 dự án nhà ở xã hội cho công nhân quanh các khu công nghiệp (KCN, 3 dự án cơ bản hoàn thành và 6 dự án đang triển khai đầu tư xây dựng) với tổng diện tích sàn khoảng 1,1 triệu m2, 14 nghìn căn hộ, dự kiến đến năm 2023 các dự án sẽ hoàn thành.

    Mặc dù vậy, các dự án nhà ở cho công nhân vẫn đang gặp nhiều vướng mắc. Khảo sát tại dự án khu nhà ở xã hội Vân Trung (Việt Yên) được biết, năm 2017, UBND tỉnh có quyết định giao cho Công ty TNHH FuGiang làm chủ đầu tư dự án có diện tích gần 16,7 ha với tổng mức đầu tư 150 triệu USD. Theo quy hoạch, dự án gồm 28 tòa chung cư với tổng số 2.422 căn hộ, 60 căn nhà ở thương mại. Ngoài ra, có các công trình tiện ích như: Khu chợ trung tâm thương mại, nhà văn hóa, trạm y tế... Khi hoàn thành, dự án này sẽ đáp ứng chỗ ở cho khoảng 15 nghìn công nhân, người lao động có thu nhập thấp. Đến cuối tháng 11/2021, dự án đã hoàn thành 3 tòa nhà cao 18 tầng, gồm A11, A13 và A15.

    Được biết, Sở Xây dựng Bắc Giang xác định mục tiêu đến năm 2025 sẽ hoàn thành 20 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân với khoảng 6,2 triệu m2 sàn, giải quyết chỗ ở cho 420 nghìn người.

    Ông Đào Công Hùng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, hiện nay quy hoạch xây dựng nhà ở cho công nhân chưa đồng bộ với quy hoạch các khu, cụm công nghiệp; Thiếu các công trình thiết chế văn hóa, dịch vụ, vui chơi giải trí…

    Mặt khác, trình tự, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư theo Luật Đầu tư còn mất nhiều thời gian, chưa thống nhất giữa Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu với Luật Xây dựng và Luật Nhà ở. Công tác bồi thường, GPMB gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến tiến độ của các nhà đầu tư. Cơ chế, chính sách chưa rõ ràng, thiếu đồng bộ nên chưa khuyến khích, thu hút được nhiều DN tham gia đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân.

    Trước những vướng mắc đó, Sở Xây dựng đã tham mưu với Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành nghị quyết chuyên đề về phát triển nhà ở xã hội dành cho công nhân đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. UBND tỉnh ban hành đề án phát triển nhà ở xã hội cho công nhân với tổng mức đầu tư thực hiện khoảng 98 nghìn tỉ đồng.

    Trọng tâm là các huyện, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các hộ dân có đất thu hồi tự giác chấp hành; Các Sở, ngành giúp địa phương hoàn thành thủ tục về đất đai, GPMB bàn giao cho chủ đầu tư xây dựng nhà ở công nhân.

    Huy Tưởng (T/h)

    Bạn đang đọc bài viết Bắc Giang: Tháo gỡ vướng mắc các dự án nhà ở cho công nhân. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

    Tin mới

    "Ăn rừng" từ bán tín chỉ carbon
    Người xưa có câu “Ăn của rừng rưng rưng nước mắt”, để nói về việc tàn phá rừng sẽ chịu hậu quả. Nhưng giờ đây, “ăn rừng” không còn “rưng rưng” nữa, nhờ tiềm năng bán tín chỉ carbon rừng. Đó là mục tiêu, động lực phát triển kinh tế xanh, bền vững.