Thứ tư, 08/01/2025 02:35 (GMT+7)
Thứ hai, 06/01/2025 14:05 (GMT+7)

Áp dụng trí tuệ nhân tạo AI trong cảnh báo lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi phía Bắc

Theo dõi KTMT trên

Đây là đề xuất được đưa ra tại Hội thảo “Lũ quét, lũ bùn đá, sạt lở đất ở vùng núi phía Bắc - Giải pháp ứng phó và giảm thiểu thiệt hại” do Tổng hội Xây dựng Việt Nam phối hợp với Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam tổ chức.

Ngày 4/1, tại Đại học Thủy Lợi, Hà Nội, Tổng hội Xây dựng Việt Nam phối hợp với Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam tổ chức Hội thảo “Lũ quét, lũ bùn đá, sạt lở đất ở vùng núi phía Bắc - Giải pháp ứng phó và giảm thiểu thiệt hại”.

Áp dụng trí tuệ nhân tạo AI trong cảnh báo lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi phía Bắc - Ảnh 1
Toàn cảnh Hội thảo “Lũ quét, lũ bùn đá, sạt lở đất ở vùng núi phía Bắc - Giải pháp ứng phó và giảm thiểu thiệt hại”

Tham dự hội thảo có TS Vũ Ngọc Anh - Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường Bộ Xây dựng, TS. Đặng Việt Dũng – Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, KTS Trần Ngọc Chính – Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, KS. Tống Văn Nga – Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, GS.TS. Nguyễn Quốc Dũng – Phó chủ tịch Hội Đập lớn và Phát triển nguồi nước Việt Nam cùng các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học thuộc các trường đại học Khoa học tự nhiên, Viện Khoa học thuỷ lợi Việt Nam…

Áp dụng trí tuệ nhân tạo AI trong cảnh báo lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi phía Bắc - Ảnh 2
TS Vũ Ngọc Anh - Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường Bộ Xây dựng tham dự Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS Đặng Việt Dũng – Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho biết, lũ quét, lũ bùn đá, sạt lở đất là hiện tượng thiên tai phức tạp, không có quy luật, khó dự báo, có thể gây thảm họa lớn, điển hình như cơn bão số 3 gây ra cho khu vực miền núi phía Bắc thời gian qua. Mặc dù vấn đề cảnh báo, khắc phục thiên tai đã đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ, chúng ta đều hiểu rằng đây là vấn đề khó không chỉ ở Việt Nam mà còn đối với cả các nước có tiềm lực về kinh tế và khoa học công nghệ như Nhật Bản, Trung Quốc, Tây Ban Nha, … Vì vậy, chúng ta cần phải tiếp tục cố gắng nhiều hơn nữa.

Áp dụng trí tuệ nhân tạo AI trong cảnh báo lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi phía Bắc - Ảnh 3
TS Đặng Việt Dũng phát biểu khai mạc Hội thảo

TS Đặng Việt Dũng nhấn mạnh, tại Hội thảo ban tổ chức muốn lắng nghe ý kiến các nhà khoa học, nhà quản lý nhằm lý giải hiện tượng lũ quét, lũ bùn đá, sạt lở đất ở vùng núi phía Bắc xảy ra vừa qua, đồng thời tìm giải pháp kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước nhưng giải pháp kỹ thuật để phòng tránh lũ quét, lũ bùn đá, sạt lở đất ở vùng núi phía Bắc.

Có thể nói lũ quét, sạt lở đất là loại hình thiên tai gây thiệt hại chủ yếu cho khu vực Miền núi phía Bắc; trung bình giai đoạn 2015-2024, hàng năm lũ quét, sạt lở đất gây thiệt hại lớn về người và của xảy ra trên quy mô ngày càng lớn và khốc liệt. Nhiều đợt, trận lũ quét, sạt lở đất xảy ra trên quy mô toàn tỉnh hoặc nhiều tỉnh trong khu vực.

Áp dụng trí tuệ nhân tạo AI trong cảnh báo lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi phía Bắc - Ảnh 4
Hội thảo thu hút các chuyên gia đầu ngành lĩnh vực xây dựng, quy hoạch

Thực tế vấn đề giảm thiểu thiệt hại lũ quét sạt lở đất đã được đặt ra từ lâu, từ năm 2006 đến nay, Bộ TN&MT đã triển khai đề án phân vùng cảnh báo nguy cơ sạt lở đất đá các vùng miền núi Việt Nam, các nhà khoa học đã ghi nhận tại 10 tỉnh miền núi phía Bắc, đang có khoảng 10.266 điểm nguy cơ sạt lở đất; trong đó, 2.110 điểm nguy cơ khối lượng trượt lớn, rất lớn và đặc biệt lớn.

Từ năm 2018, Chính phủ đã có Quyết định số 705/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình cập nhật phân vùng rủi ro thiên tai, lập bản đồ cảnh báo thiên tai, đặc biệt là các thiên tai liên quan đến bão, nước dâng do bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Kế hoạch thực hiện (gọi là kế hoạch 705) với 06 nhiệm vụ Khoa học công nghệ (KHCN) đã được triển khai và hoàn thành.

Đến năm 2023, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1262/QĐ-TTg ngày 27 tháng 10 năm 2023 Phê duyệt Đề án cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét khu vực miền núi, trung du Việt Nam. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phê duyệt kế hoạch thực hiện giai đoạn 2018-2025 với 06 nhiệm vụ giao cho các đơn vị thuộc Bộ thực hiện trong thời gian tới.

Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã triển khai thực hiện cụm 06 đề tài liên quan đến lũ quét, lũ bùn đá, sạt lở đất thực hiện từ năm 2020. Ngoài ra, còn có một số đề tài về vấn đề này được thực hiện trong các chương trình KHCN trọng điểm cấp quốc gia như: Chương trình KHCN phục vụ phát triển kinh tế xã hội vùng Tây Bắc, Chương trình KHCN phục vụ phòng chống thiên tai KC08…

Tuy nhiên qua cơn bão số 3 (tháng 9 năm 2024) cho thấy lũ quét, sạt lở đất vẫn gây thiệt hại nặng nề cho vùng miền núi phía Bắc. Theo đó trong và sau bão số 3, mưa lớn trên diện rộng trên địa bàn nhiều tỉnh miền núi phía Bắc làm 265 người chết, mất tích. Trong đó có những sự kiện đặc biệt nghiêm trọng như: Lũ quét, lũ bùn đá ngày 10/9 tại Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, Lào Cai làm 67 người chết, mất tích; Sạt lở đất trưa 10/9 tại thôn Nậm Tông, xã Nậm Lúc, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai làm 18 người chết, mất tích; sạt lở đất sáng ngày 9/9 tại xã Ca Thành, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng làm 31 người chết, mất tích; Sạt lở đất rạng sáng 9/9 tại xóm Lũng Súng, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng làm 11 người chết, mất tích.

Theo báo cáo của Cục Đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), nguyên nhân dẫn đến khu vực miền núi phía Bắc xảy ra lũ quét, sạt lở đất là do tình hình mưa lũ ngày càng cực đoan, mưa lớn trong thời gian ngắn đặc biệt cơn bão số 3 diễn ra đầu tháng 9 năm 2024. Trong khi địa hình khu vực này là đồi, núi hiểm trở, chia cắt mạnh, độ dốc lớn, địa chất phức tạp.

Áp dụng trí tuệ nhân tạo AI trong cảnh báo lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi phía Bắc - Ảnh 5
Đại diện Cục Đê điều và Phòng chống thiên tai trình bày báo cáo tại Hội thảo

Bên cạnh đó, tập quán sinh sống của đồng bào tỉnh miền núi là sống gần nguồn nước sông, suối khu vực sườn dốc nơi thường xuyên xảy ra thiên tai lũ quét, sạt lở đất. Cùng với đó là việc thiếu điều kiện phương tiện, thông tin nên việc phòng tránh thiên tai hạn chế.

Ngoài ra việc xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai, phương án ứng phó với thiên tai của một số địa phương chưa cập nhật thường xuyên, chưa bám sát thực tiễn nhất là tình huống mưa lớn cực đoan.

GS.TS Đỗ Minh Đức – Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, muốn giảm thiểu ảnh hưởng lũ quét, lũ bùn đá, sạt lở đất ở vùng núi phía Bắc cần phải phát hiện và cảnh báo sớm về trượt lở ở các vùng đất dốc. GS.TS Đỗ Minh Đức phân tích, các loại hình trượt lở quy mô lớn dạng dòng chảy và trượt lở gây nghẽn dòng dẫn đến lũ bùn đá là các loại hình chính gây ra thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Việc phát hiện và cảnh báo sớm tai biến trượt lở lớn đóng vai trò rất quan trọng.

“Những hành động không quá phức tạp và dễ thực hiện có thể phòng tránh được thảm họa cụ thể như chủ động phát hiện các khe nứt kéo dài trên mái dốc, phát huy vai trò các tổ đội xung kích phòng chống thiên tai, cán bộ cơ sở trong phát hiện sớm hiện tượng trượt lở hay cây gãy đổ gây nghẽn dòng chảy. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu cần kết hợp các giải pháp trước mắt, trung hạn và dài hạn hướng đến mục tiêu quản lý rủi ro tai biến trượt lở, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản người dân” – Báo cáo nghiên cứu của GS.TS Đỗ Minh Đức nhấn mạnh.

Ở góc nhìn quy hoạch, TS-KTS. Lê Thị Bích Thuận – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng cho rằng, quy hoạch khu dân cư miền núi cần mang tính bền vững, phù hợp đảm bảo môi trường sống cho cộng đồng dân tộc thiểu số: “Cần bổ sung các quy định trong các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về lựa chọn địa điểm xây dựng, trụ sở làm việc, cụm dân cư trong vùng có nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét. Lồng gép giải pháp phòng tránh, giảm nhẹ trong quy hoạch không gian…”

Hệ thống thông tin địa lý (GIS) là công cụ mạnh mẽ đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển các hệ thống cảnh báo sớm về sạt lở đất, lập kế hoạch ứng phó thiên tai bằng cách kết hợp dữ liệu trong quá khứ với các dữ liệu địa lý và môi trường hiện tại. GIS giúp các nhà quản lý đánh giá mức độ nghiêm trọng của các trận sạt lở tiềm năng, điều này cho phép phân bổ nguồn lực tốt hơn, lập kế hoạch sơ tán và thiết kế các chiến lược ứng phó thiên tai hiệu quả.

Áp dụng trí tuệ nhân tạo AI trong cảnh báo lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi phía Bắc - Ảnh 6

Trình bày báo cáo đánh giá tình trạng lũ quét, lũ bùn đá, sạt lở đất theo cách tiếp cận dựa trên thông tin rủi ro - Thí điểm đánh giá rủi so sạt lở cho thị trấn Cốc Pài (huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang) GS.TS Nguyễn Quốc Dũng - Hội Đập lớn và Phát triển Nguồn nước Việt Nam đã khái quát bức tranh thiên tai lũ quét sạt lở đất tại tại thị trấn Cốc Pài, đề xuất khung đánh giá an toàn lũ quét, sạt lở đất tại đây. Qua đó, GS.TS Nguyễn Quốc Dũng kiến nghị cần xây dựng ngân hàng dữ liệu về lũ quét, sạt lở đất cho các khu vực miền núi phía Bắc và cả nước nói chung.

Tại hội thảo Công ty Spectee (Nhật Bản) đã giới thiệu về Spectee Pro là một sản phẩm công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) hiện đang được sử dụng rộng rãi trong theo dõi, cảnh báo thảm họa ở Nhật Bản. Spectee Pro có thể xác định những thảm hoạ đang xảy ra và xảy ra ở đâu nhằm thông báo các cơ quan chức năng và người dân để có phương án ứng phó kịp thời.

Tại hội thảo, các nhà khoa học và chuyên gia giàu kinh nghiệm, cán bộ quản lý và cán bộ kỹ thuật chuyên nghiệp đã trao đổi, nghiên cứu, phát triển giải pháp kỹ thuật cần thiết, hướng tới việc áp dụng những giải pháp phù hợp trong công tác phòng chống lũ quét, lũ bùn đá, sạt lở đất ở vùng núi phía Bắc.

Áp dụng trí tuệ nhân tạo AI trong cảnh báo lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi phía Bắc - Ảnh 7
TS Đặng Việt Dũng kết luận Hội thảo

Kết luận tại hội thảo, TS. Đặng Việt Dũng – Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cảm ơn các chuyên gia, nhà khoa học đã có nhiều đề xuất, kiến nghị các giải pháp khoa học trong phòng chống lũ quét, sạt lở đất vùng núi phía Bắc. Sau hội thảo, Ban tổ chức sẽ tổng hợp các ý kiến có văn bản gửi lên cơ quan quản lý nhà nước nhằm đề xuất nhiều giải pháp giảm thiểu rủi ro, thiệt hại do thiên tai, lũ quét, sạt lở đất gây ra tại các tỉnh miền núi phía Bắc về trước mắt và lâu dài.

Ngọc Dũng

Bạn đang đọc bài viết Áp dụng trí tuệ nhân tạo AI trong cảnh báo lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi phía Bắc. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 036 882 6789 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Việt Nam xảy ra 482 trận động đất trong năm 2024
Năm 2024 đã xảy ra 482 trận động đất, trong đó có hơn 440 trận xảy ra tại huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum. Các trận động đất còn lại xảy ra ở các tỉnh, thành phố như Quảng Nam, Phú Thọ, Hà Nội...
Biến đổi khí hậu gây nắng nóng nguy hiểm trên toàn cầu
Mới đây, một nhóm nhà khoa học quốc tế đã đưa ra kết quả nghiên cứu rằng trong năm 2024, biến đổi khí hậu do các hoạt động của con người gây ra đã làm thời gian nắng nóng nguy hiểm trên toàn cầu tăng thêm trung bình 41 ngày.

Tin mới