Thứ sáu, 22/11/2024 21:59 (GMT+7)
Thứ ba, 05/04/2022 07:00 (GMT+7)

Áp dụng công nghệ cao, Hà Nội quyết chống ngập trong mùa mưa

Theo dõi KTMT trên

Việc số hóa mạng lưới thoát nước sẽ giúp người dân Thủ đô nắm bắt được các điểm ngập, hạn chế di chuyển để tránh được các thiệt hại do mưa lớn gây ra.

Mới đây, ông Trịnh Ngọc Sơn, Phó Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thoát nước Hà Nội cho biết, công ty sẽ nghiên cứu, hợp tác, ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong xử lý ô nhiễm môi trường nước, xử lý bùn thải.

Cùng với đó, từng bước xã hội hóa, công ty kêu gọi các nhà đầu tư, người dân tham gia xử lý ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố, qua việc xây dựng và lắp đặt trạm xử lý nước thải tập trung tại các khu đô thị; lắp đặt thiết bị tách dầu mỡ tại các nhà hàng, hộ gia đình nhằm hạn chế ách tắc dòng chảy khi mưa lớn.

Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thoát nước Hà Nội cũng sẽ tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp Trung tâm giám sát hệ thống thoát nước, triển khai số hóa mạng lưới thoát nước trên hệ thống; thực hiện nghiêm phương án ứng trực, giải quyết úng ngập và ứng trực đường dây nóng để kịp thời xử lý các sự cố thoát nước.

Công ty nhìn nhận việc số hóa mạng lưới thoát nước sẽ giúp người dân Thủ đô nắm bắt được các điểm ngập, hạn chế di chuyển để tránh được các thiệt hại do mưa lớn gây ra.

Áp dụng công nghệ cao, Hà Nội quyết chống ngập trong mùa mưa - Ảnh 1
Ảnh minh họa.

Mùa mưa đang đến gần với dự báo có nhiều diễn biến phức tạp. Trên địa bàn thành phố Hà Nội có khả năng xảy ra các trận mưa lớn trên diện rộng, mưa cường độ cực lớn với thời gian mưa tập trung ngắn, vượt quá khả năng tiêu thoát của hệ thống thoát nước, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh sự cố, gây ngập úng, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân.

Trước tình hình đó, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thoát nước Hà Nội đã chủ động lập các kế hoạch để giảm thiểu các điểm úng ngập trên địa bàn.

Theo ông Trịnh Ngọc Sơn, công ty đã và đang xử lý 11 điểm úng ngập trên địa bàn thành phố. Trong đó, 3 điểm tại các phố Hoa Bằng, Minh Khai, Nguyễn Khuyến đã cơ bản hoàn tất các biện pháp giảm thiểu tình trạng úng ngập nặng, chỉ xảy ra úng ngập khi mưa lớn, thời gian dài nhưng nước sẽ rút nhanh sau khi hết mưa khoảng 20 phút.

Còn tại các địa điểm như: số 5 Đường Thành - Bát Đàn - Nhà Hỏa; ngã tư Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt; phố Thụy Khuê (dốc La Pho); phố Cao Bá Quát; phố Vũ Trọng Phụng; Đại lộ Thăng Long, phố Ngọc Lâm và Hoàng Như Tiếp, lực lượng chức năng đang trong quá trình cải tạo và nghiên cứu đầu tư các dự án xử lý úng ngập.

Hệ thống cảnh báo ngập lụt

Trước đó, hồi tháng 7/2021, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia (Tổng cục Khí tượng Thủy văn Việt Nam) và Công ty HydroScan (Vương quốc Bỉ) đã ký thỏa thuận hợp tác "Dự án chuyển giao công nghệ Flood4cast® ứng dụng cảnh báo ngập lụt cho khu vực nội thành Hà Nội".

Theo ông Patrick Swartenbroekx, Tổng Giám đốc Công ty HydroScan (đơn vị chủ trì thực hiện dự án), Flood4cast® là một phần mềm hỗ trợ dự báo, cảnh báo chủ động quản lý lũ lụt trong môi trường đô thị được phát triển bởi Công ty HydroScan.

Các thuật toán thông minh của Flood4cast® được sử dụng cảnh báo rủi ro ngập lụt dựa trên lượng mưa theo thời gian thực và bản đồ lũ lụt hiện có. Công nghệ vận hành theo thời gian thực chuyển lượng mưa cực đoan thành các mức báo động, liên kết tình hình ngập lụt thực tế nhất với mức báo động đưa ra. Lượng mưa cũng được dự báo trước trong 3 giờ tới.

Do đó, các kịch bản lũ lụt tương ứng trong tương lai cũng được lập bản đồ trong khoảng thời gian này. Dự báo, cảnh báo sớm về nguy cơ ngập lụt cho phép nhà chức trách đưa ra quyết định tối ưu hơn và chủ động hành động trong việc triển khai các hoạt động ứng cứu, can thiệp tới những nơi cần nhất cũng như thông báo kịp thời tới người dân ở các khu vực có nguy cơ cao.

"Dự án chuyển giao công nghệ Flood4Cast® ứng dụng cảnh báo ngập lụt cho khu vực nội thành Hà Nội" với tổng số vốn là 699.802 Euro. Mục tiêu chung của dự án là cảnh báo sớm ngập lụt do mưa lớn cho khu vực nội thành thành phố Hà Nội, giảm thiểu tác động của ngập lụt đô thị do ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu, quá trình đô thị hóa nhanh và nâng cao năng lực dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia trong việc ứng dụng công nghệ hiện đại để cảnh báo sớm, cảnh báo thời gian thực các thiên tai do mưa lũ gây ra.

Khu vực đề xuất thực hiện dự án gồm 12 quận của thành phố có tổng diện tích 306,64 km2, trong đó 8 quận nội thành gồm Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Hoàng Mai, là khu vực chịu ảnh hưởng ngập úng nặng nề nhất của thành phố Hà Nội.

Công ty HydroScan là đơn vị được Chính phủ Bỉ giao nhiệm vụ thực hiện dự án. Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia thuộc Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường là đơn vị tiếp nhận và sử dụng sản phẩm của dự án.

Thiện Tâm

Bạn đang đọc bài viết Áp dụng công nghệ cao, Hà Nội quyết chống ngập trong mùa mưa. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thời tiết những ngày cuối tháng 11 tại TPHCM ra sao?
Theo Cơ quan khí tượng, trong ngày 28/11 TPHCM có khả năng có mưa rào và dông rải rác với một vài nơi có mưa vừa. Trong những ngày còn lại, thời tiết không mưa hoặc chỉ có mưa vài nơi với lượng không đáng kể.
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng, người dân chưa cảm nhận được cái lạnh. Do đợt không khí lạnh này về rất khô, trời ít mây và có nắng nên nhiệt độ thấp nhất thường rơi vào đêm và sáng sớm, ban ngày ít cảm nhận được lạnh.

Tin mới