An Giang: Nhiều cây xăng đồng loạt đóng cửa
Tình trạng hàng loạt cây xăng phải đóng cửa, ngừng hoạt động trên địa bàn An Giang, theo lý giải của Cục QLTT là do khan hiếm nguồn cung, không còn hàng để bán.
Tin từ Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, ngày 8/2, Cục Quản lý thị trường tỉnh An Giang có báo cáo nhanh về tình hình kinh doanh xăng dầu trên địa bàn. Theo đó, đơn vị này cho biết thời gian qua trước áp lực về nhu cầu tăng cao trong dịp Tết, nguồn cung không được đảm bảo, nhưng nhìn chung phần lớn các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn vẫn đảm bảo, duy trì hoạt động kinh doanh và đáp ứng tốt nhu cầu của người dân.
Tuy nhiên, theo đại diện Cục QLTT An Giang, trên thực tế, có một số trường hợp đóng cửa, tạm ngưng hoạt động, trong đó phần lớn đều thực hiện thủ tục tạm ngưng theo quy định.
Cụ thể, tại huyện Thoại Sơn, có tình trạng không còn xăng để bán cho người tiêu dùng, phải ngừng hoạt động (các trường hợp này có báo cáo về Phòng Kinh tế - Hạ tầng, UBND huyện Thoại Sơn và Sở Công Thương tỉnh An Giang). Do hết xăng, nguồn cung không được cung cấp kịp thời (thuộc hệ thống PV OIL).
Tại huyện này có 7 trường hợp ngưng hoạt động, còn tại huyện Phú Tân, Châu Thành đều có 5 trường hợp ngưng hoạt động. Đáng chú ý, nhiều cửa hàng cho biết đầu mối xăng dầu như PV OIL, Petrolimex không đủ cung ứng cho doanh nghiệp bán lẻ.
Ngoài các địa bàn có cây xăng bị tạm đóng cửa, theo QLTT An Giang, các địa bàn còn lại (gồm huyện Long Xuyên, Châu Đốc, Tịnh Biên, Tri Tôn, Chợ Mới, Tân Châu) hoạt động bình thường. Thời gian tới, Cục QLTT An Giang sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát đối với mặt hàng xăng dầu theo nội dung chỉ đạo tại Công điện số 517/CĐ-BCT ngày 28/1 của Bộ Công Thương về việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu và ý kiến chỉ đạo của Tổng cục Quản lý thị trường.
Liên quan đến vấn đề khan hiếm mặt hàng này, đại diện PV OIL cho biết tình trạng thiếu xăng chỉ diễn ra cục bộ ở một vài cây xăng và trong một thời gian ngắn. Các cây xăng này chỉ thiếu xăng A95, còn xăng E5 và dầu DO vẫn cung cấp bình thường. Nguyên nhân do nhu cầu xăng A95 ở một số địa phương tăng đột biến, đặc biệt là địa phương gần biên giới với Campuchia. Doanh nghiệp đầu mối không cung cấp kịp thời.
Hiện tại, giá xăng ở Việt Nam chưa điều chỉnh (do kỳ điều chỉnh trùng với mùng 2 Tết Nhâm Dần), do đó, giá xăng đang cao hơn ở Campuchia. Có tình trạng nhiều cây xăng đang phải nhập hàng giá cao, trong khi giá bán thấp, chưa được điều chỉnh.
Sau khi xảy ra tình trạng thiếu hàng cục bộ do nhu cầu tăng đột biến, PV OIL đã nhanh chóng bổ sung nguồn hàng, đảm bảo nguồn cung cho các doanh nghiệp bán lẻ.
Trước đó, ngày 28/1/2022, Bộ Công Thương ban hành Công điện số 517/CĐ-BCT ngày 28-1 gửi Tổng cục Quản lý thị trường, Vụ Thị trường trong nước và Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu.
Trong công điện, Bộ Công Thương nhấn mạnh, thời gian gần đây, trước diễn biến thông tin về việc Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn - Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn cắt giảm công suất dẫn đến việc giảm nguồn cung xăng dầu tại thị trường trong nước, trên thị trường xuất hiện tình trạng một số đơn vị kinh doanh xăng dầu có dấu hiệu găm hàng, tạo khan hiếm hàng.
Để kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường công tác quản lý địa bàn. Theo đó, triển khai các biện pháp nghiệp vụ, xây dựng phương án, kế hoạch và phối hợp với các lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, giám sát chặt chẽ các đơn vị kinh doanh xăng dầu theo các loại hình trên địa bàn để kịp thời phát hiện các hành vi găm hàng, tạo khan hiếm nguồn cung xăng dầu.
Đồng thời, xử lý nghiêm, kịp thời mọi hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật. Áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh theo quy định, đồng thời, giám sát chặt chẽ các cửa hàng xăng dầu đã bị tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu. Bên cạnh đó, kịp thời kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thu hồi giấy phép theo quy định, đồng thời, thực hiện giám sát chặt chẽ các đơn vị đã bị thu hồi giấy phép.
Đối với Vụ Thị trường trong nước, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu chủ động nắm bắt thông tin, phối hợp với lực lượng quản lý thị trường trong quá trình xử lý các vụ việc liên quan đến giấy phép xăng dầu của Bộ Công Thương cấp theo thẩm quyền.
Linh Đan