Thứ sáu, 27/12/2024 02:56 (GMT+7)
Thứ tư, 25/08/2021 15:00 (GMT+7)

AIPA-42: Đẩy mạnh kỹ thuật số để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu

Theo dõi KTMT trên

"Việc chuyển đổi số mạnh mẽ sẽ tạo ra tác dụng kép cho nền kinh tế, vừa cắt giảm khí thải, vừa trợ giúp các doanh nghiệp, cộng đồng dân cư", Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam đã có nhiều đề xuất nhằm giảm thiểu tác động biến đổi khí hậu tại phiên họp AIPA.

Trong khuôn khổ các hoạt động của Đại hội đồng AIPA-42, Phiên họp Ủy ban Xã hội đã diễn ra vào chiều 24/8, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Tuấn Anh dẫn đầu đoàn Đại biểu Quốc hội Việt Nam tham dự phiên họp.

Phiên họp của Ủy ban Xã hội diễn ra dưới sự chủ trì của bà Khairunnisa Haji Ash’ari, Thành viên Hội đồng Lập pháp Brunei Darussalam.

Ủy ban Xã hội đã xem xét và thông qua 4 dự thảo nghị quyết: Báo cáo Hội nghị Hội đồng tư vấn AIPA về ma túy lần thứ 4 (AIPACODD 4) kèm theo Nghị quyết “Vượt qua những thử thách đương đại và ứng phó hướng tới ASEAN không ma túy”; “Tăng cường hợp tác và đẩy mạnh kỹ thuật số bao trùm để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu”; "Đưa các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu để thực hiện hiệu quả ở cấp quốc gia".

Tại phiên họp, các đại biểu đánh giá cao các báo cáo và dự thảo Nghị quyết được đưa ra thảo luận.

AIPA-42: Đẩy mạnh kỹ thuật số để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu - Ảnh 1
 Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tham dự Phiên họp trực tuyến ở điểm cầu tại Hà Nội. (Ảnh: Báo Chính phủ)

Vấn đề tăng cường hợp tác và đẩy mạnh kỹ thuật số bao trùm để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu là một trong những nội dung lớn được các đại biểu tham gia đóng góp với nhiều ý kiến tại thảo luận.

Đại biểu đến từ các Nghị viện thành viên đều nhất trí cho rằng, biến đổi khí hậu đang là một thách thức lớn đối với toàn cầu, vì vậy, ứng phó với biến đổi khí hậu là mục tiêu quan trọng. ASEAN đang là khu vực có sự tăng trưởng kinh tế tốt, nhưng cũng chịu tác động của biến đổi khí hậu, do đó cần có sự hợp tác để ứng phó với biến đổi khí hậu tích cực hơn.

Các nước thành viên cần tăng cường hợp tác, ứng dụng công nghệ kỹ thuật số, tạo ra những cơ chế phù hợp để có thể xử lý các vấn đề khí hậu trực tuyến; cùng nhau hành động thực chất, đưa ra những chiến lược hợp tác với lộ trình, công cụ hữu hiệu để vượt qua những thách thức này.

Về nội dung này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Tuấn Anh nhấn mạnh quan điểm ủng hộ dự thảo nghị quyết. 

Nhận thức biến đổi khí hậu là vấn đề toàn cầu, Việt Nam luôn nỗ lực đóng góp vào hành động chung cho ứng phó với biến đổi khí hậu. Việt Nam luôn coi trọng việc tham gia ký kết, thực hiện nghiêm túc các điều ước và thỏa thuận quốc tế về biến đổi khí hậu.

Từ thực tiễn hoạt động của Việt Nam và đứng trước những yêu cầu, thách thức đặt ra đối với vấn đề biến đổi khí hậu, Việt Nam cho rằng cần phải có giải pháp tăng cường hợp tác có hiệu quả hơn nữa để góp phần giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.

Cùng với việc tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng của hệ sinh thái để khôi phục, cải thiện và duy trì các hệ sinh thái chống chịu biến đổi khí hậu. Các quốc gia cần phải đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật số, chuyển đổi số mạnh mẽ trong tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Qua đó, tạo ra tác dụng kép cho nền kinh tế, vừa cắt giảm khí thải, vừa trợ giúp các doanh nghiệp, cộng đồng dân cư.

Đoàn Việt Nam đề nghị nghị viện các nước tiếp tục duy trì ý chí, cam kết chính trị, có hành động cụ thể với tinh thần tôn trọng luật pháp quốc tế, đóng góp thiết thực vào chương trình nghị sự toàn cầu, nhất là AIPA.

Từ đó có sức lan tỏa, tác động mạnh mẽ đến nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu của khu vực và nhân loại, đưa vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu trở lại ưu tiên trong Chương trình nghị sự toàn cầu gắn liền với an sinh xã hội và phát triển bền vững.

Nguyễn Luận (T/h)

Bạn đang đọc bài viết AIPA-42: Đẩy mạnh kỹ thuật số để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Việt Nam đã thành công trong năm 2024
Trong suốt năm 2024 vừa qua, nền kinh tế Việt Nam đã đối mặt với nhiều thách thức bắt nguồn từ căng thẳng địa chính trị toàn cầu, thời tiết bất lợi và tác động của biến đổi khí hậu. Dù vậy, Việt Nam kiên cường vượt qua để tăng trưởng nhanh nhất khu vực.