Thứ năm, 25/04/2024 08:27 (GMT+7)
Thứ ba, 26/05/2020 15:37 (GMT+7)

94.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt do ảnh hưởng của hạn, mặn

Theo dõi KTMT trên

Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) vừa có báo cáo về tình hình nguồn nước và ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống của người dân các vùng miền trên cả nước.

94.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt do ảnh hưởng của hạn, mặn - Ảnh 1
Người dân thôn Tà Nôi, huyện Ninh Sơn phải sử dụng những vũng nước đục còn sót lại dưới suối để giặt giũ và sinh hoạt do hạn hán kéo dài (Ảnh: TTXVN)

Theo thống kê, do ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn, cả nước hiện đang có 94.005 hộ dân thiếu nước sinh hoạt. Trong đó, khu vực Nam Trung Bộ có 29.000 hộ; khu vực Đông Nam Bộ có 5.157 hộ; khu vực Tây Nguyên có 6.968 hộ.

Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực có số lượng hộ thiếu nước sinh hoạt lớn nhất với 52.880 hộ. Riêng tại khu vực này, thời gian cao điểm có đến 96.000 hộ gặp khó về nguồn nước sinh hoạt.

Tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn cũng đang ảnh hưởng đến 76.855ha đất sản xuất nông nghiệp. Hiện, tại khu vực Nam Trung Bộ có 258ha cây trồng bị ảnh hưởng, Đông Nam bộ có 108ha. Con số này tại các khu vực Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long lớn hơn rất nhiều, lần lượt là 18.489ha và 58.000ha.

94.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt do ảnh hưởng của hạn, mặn - Ảnh 2
Hình ảnh đồng khô cỏ cháy tại Ninh Thuận. (Ảnh: SGGP)

Trước đó, vào ngày 21/5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có công điện hỏa tốc gửi UBND các tỉnh thuộc khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên yêu cầu tập trung ứng phó với nắng nóng, hạn hán và xâm nhập mặn.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh khu vực Nam Trung bộ tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 22/1 về triển khai các giải pháp cấp bách trong phòng, chống hạn hán thiếu nước, xâm nhập mặn.

UBND các tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn đánh giá nguồn nước trữ tại các hồ chứa nước, công trình thủy lợi trên địa bàn để điều chỉnh và bổ sung phương án phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn.

Căn cứ tình hình cụ thể về nguồn nước và khả năng cấp nước để tiếp tục điều chỉnh cơ cấu mùa vụ, cây trồng. Cùng với đó, chủ động thực hiện các giải pháp cung cấp nước, không để thiếu nước cho sinh hoạt và chăn nuôi.

Thủ tướng yêu cầu Bộ NN&PT-NT phân công một lãnh đạo bộ trực tiếp theo dõi, chỉ đạo, kiểm tra đôn đốc các địa phương xây dựng và triển khai thực hiện các phương án phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn. Theo dõi chặt diễn biến thời tiết, nguồn nước để điều tiết, đánh giá, điều chỉnh cân đối nguồn nước để đáp ứng tốt nhất cho nhu cầu sinh hoạt và sản xuất.

Bộ này cũng được giao chủ trì, phối hợp với các bộ Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, các địa phương, các nhà máy thủy điện thống nhất kế hoạch điều tiết nước các hồ chứa thủy lợi, thủy điện ở từng lưu vực sông để bổ sung nước cho vùng hạ du.

Đồng thời, Bộ NN&PT-NT tổ chức hướng dẫn, phổ biến kinh nghiệm tưới tiết kiệm nước, sử dụng nước tiết kiệm để các địa phương, doanh nghiệp và người dân áp dụng. Tổng hợp tình hình hạn mặn, thiếu nước ở các địa phương; phối hợp với các bộ, ngành đề xuất Thủ tướng xem xét, hỗ trợ cho các địa phương thực hiện giải pháp phòng, chống hạn mặn theo quy định.

Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường theo sát diễn biến thời tiết, tăng cường dự báo về tình hình mưa, dòng chảy để kịp thời cung cấp thông tin.

Thủ tướng giao Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam chủ động bảo đảm cung ứng điện cho sản xuất xuất, sinh hoạt của nhân dân; đồng thời ưu tiên dành nước của các hồ chứa thủy điện phục vụ phòng, chống hạn hán, thiếu nước.

Các bộ, ngành khác như Y tế, Lao động Thương binh và Xã hội, Tài chính, Thông tin và Truyền thông và các cơ quan liên quan chủ động chỉ đạo, phối hợp hỗ trợ địa phương ứng phó, khắc phục tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn theo chức năng, nhiệm vụ quản lý.

Mai Anh

Bạn đang đọc bài viết 94.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt do ảnh hưởng của hạn, mặn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

WB: Kinh tế Việt Nam đang hồi phục tăng trưởng
Theo Báo cáo cập nhật kinh tế 6 tháng Điểm lại mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) được công bố ngày 23/4, Kinh tế Việt Nam đang có những tín hiệu phục hồi khác nhau, với dự báo tăng trưởng sẽ đạt 5,5% vào năm 2024 và tăng dần lên 6,0% vào năm 2025.