Thứ bảy, 20/04/2024 17:27 (GMT+7)
Thứ ba, 12/11/2019 12:58 (GMT+7)

9.000 sản phẩm SEVEN.am nghi cắt mác TQ bị thu giữ do khách hàng kêu ngứa?

Theo dõi KTMT trên

Doanh nhân, diễn viên hài Nguyễn Vũ Hải Anh - chủ thương hiệu thời trang SEVEN.am đã thừa nhận sai sót trong khâu quản lý xuất xứ hàng hóa, và nhận trách nhiệm trước người tiêu dùng. Lý giải việc cắt mác chữ Trung Quốc, ông Hải Anh cho biết là do khách hàng kêu ngứa.

Người tiêu dùng đang xôn xao trước thông tin nghi vấn hãng thời trang công sở SEVEN.am của doanh nhân, diễn viên Nguyễn Vũ Hải Anh trà trộn bán hàng Trung Quốc, lập lờ xuất xứ nguồn gốc hàng. Vụ việc này bắt nguồn từ việc Đội quản lý thị trường số 14, Cục Quản lý thị trường Hà Nội ngày 11/11 bất ngờ kiểm tra 5 địa điểm kinh doanh Thương hiệu thời trang SEVEN.am trên địa bàn Hà Nội gồm: 146-148 Tôn Đức Thắng; 11 Kim Đồng; 146 Thái Hà; 135 Trần Phú, Hà Đông; 506 Nguyễn Văn Cừ.

Theo ghi nhận của lực lượng Quản lý thị trường, toàn bộ các sản phẩm được bày bán trong các cửa hàng trên đều có tem của sản phẩm SEVEN.am ghi nhãn xuất xứ “Made in Vietnam,” có gắn dấu hợp quy. Tuy nhiên, trên sản phẩm không thể hiện rõ tên địa chỉ sản xuất mà chỉ có địa chỉ nhà phân phối đó là "Công ty cổ phần MHA thời trang SEVEN.am".

9.000 sản phẩm SEVEN.am nghi cắt mác TQ bị thu giữ do khách hàng kêu ngứa? - Ảnh 1
5 cửa hàng thời trang của hãng SEVEN.am tại Hà Nội bị lực lượng quản lý thị trường kiểm tra.

Mới đây, báo chí đã phản ánh thông tin về khách hàng của SEVEN.am tố một số sản phẩm được bày bán tại chuỗi cửa hàng SEVEN.am có dấu hiệu cắt nhãn mác Trung Quốc và gắn nhãn mác của thương hiệu này. Một số kiện hàng như túi, khăn, quần áo… được đưa về kho của Công ty cổ phần MHA trước khi chia tới hệ thống cửa hàng thời trang của SEVEN.am. Tại đây, các công nhân sẽ kiểm tra từng sản phẩm, nếu thấy bất kỳ mác có chữ Trung Quốc nào thì sẽ cắt bỏ mác, thay vào đó bằng nhãn hiệu SEVEN.am.

9.000 sản phẩm SEVEN.am nghi cắt mác TQ bị thu giữ do khách hàng kêu ngứa? - Ảnh 2Ông chủ thực sự của thời trang SEVEN.am là ai?

Liên quan đến thông tin nghi vấn SEVEN.am bán nhiều sản phẩm nhập từ Trung Quốc nhưng lại gắn mác "Made in Vietnam", ông Nguyễn Vũ Hải Anh, Tổng Giám đốc công ty sở hữu thương hiệu SEVEN.am xác nhận có nhập hàng Trung Quốc nhưng đều có hoá đơn.

Ông Hải Anh cho biết, thương hiệu thời trang SEVEN.am được xây dựng với định hướng là dòng thời trang may mặc mang thương hiệu Việt Nam.

Nhưng ngoài những dòng sản phẩm may mặc chủ lực như quần, áo, chân váy, áo khoác... Công ty cổ phần MHA có đặt mua hàng sản phẩm theo mẫu của SEVEN.am từ Trung Quốc đối với một số loại phụ kiện như túi, ví... Những dòng sản phẩm này cũng mang thương hiệu SEVEN.am.

Ngoài ra, do nhu cầu về trang phục Thu - Đông của khách hàng có xu hướng gia tăng, công ty cũng đã nhập thêm một số lượng nhỏ sản phẩm áo len, áo dạ và khăn.

"Đối với những sản phẩm này, chúng tôi có sai sót trong khâu quản lý xuất xứ hàng hóa do nhà cung cấp cung ứng, đã không gắn nhãn phụ cho sản phẩm, dẫn tới việc khi tới tay người tiêu dùng chưa thực sự được minh bạch về nguồn gốc xuất xứ", ông Nguyễn Vũ Hải Anh thừa nhận và khẳng định không chủ trương may tem mác SEVEN.am lên những sản phẩm này.

9.000 sản phẩm SEVEN.am nghi cắt mác TQ bị thu giữ do khách hàng kêu ngứa? - Ảnh 3
Sản phẩm được cắt chữ Trung Quốc tại kho SEVEN.am. (Nguồn: Tuổi trẻ Thủ đô)

Về một số sản phẩm gắn thẻ bài tên SEVEN.am như báo Tuổi trẻ Thủ đô ghi nhận được, ông Nguyễn Vũ Hải Anh cho biết đã rà soát hệ thống và phát hiện do sơ xuất phía nhân viên ở kho và yêu cầu toàn bộ phận chấn chỉnh lại để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng.

Giải thích về việc những sản phẩm được nhập về còn lưu trữ trong kho phải trải qua qua 3 bước xử lý như Báo Tuổi trẻ Thủ đô ghi nhận và phản ánh, ông Hải Anh trần tình: "Việc làm này cũng do trong quá trình đưa sản phẩm ra thị trường, có một vài khách hàng kêu ngứa nên chúng tôi cho nhân viên cắt bỏ. Tôi khẳng định những sản phẩm nào bên tôi không sản xuất thì theo chủ trương là không gắn mác SEVEN.am. Các nhân viên ở cửa hàng cũng phải nói rõ đây là hàng Trung Quốc. Tuy nhiên, đặc thù của bán hàng thời trang may mặc là thời gian làm ngắn hạn, nên các cửa hàng cũng thay đổi nhân viên liên tục, dẫn đến tình trạng những người mới chưa được đào tạo bài bản cách giới thiệu nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm cho khách hàng”.

9.000 sản phẩm SEVEN.am nghi cắt mác TQ bị thu giữ do khách hàng kêu ngứa? - Ảnh 4Tổng kiểm tra chuỗi cửa hàng SEVEN.am sau nghi vấn cắt mác Trung Quốc

"Chúng tôi thẳng thắn nhận trách nhiệm trước người tiêu dùng về những sai sót trên, cam kết rút kinh nghiệm, khắc phục những sai sót, cung cấp những sản phẩm đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ cho người tiêu dùng", ông Hải Anh nói.

Hiện tại, Đội Quản lý thị trường số 14 đã tạm giữ toàn bộ 9.035 sản phẩm để điều tra, làm rõ. Cùng với đó, lực lượng chức năng cũng đã tiến hành lấy 3 mẫu sản phẩm để giám định chất lượng.

Ra mắt thị trường năm 2009, Thương hiệu thời trang SEVEN.am nhanh chóng phát triển và mở rộng mạng lưới tới 24 cửa hàng tại 18 tỉnh thành phố lớn trên cả nước. SEVEN.am thuộc sở hữu của Công ty cổ phần MHA có vốn điều lệ là 9,9 tỉ đồng. Được biết, công ty này do 3 cổ đông sáng lập là ông Nguyễn Vũ Hải Anh nắm 60% cổ phần và làm Tổng giám đốc, ông Đặng Quốc Anh nắm 30% và bà Nguyễn Vũ Mai Hương nắm 10%. Ông Đặng Quốc Anh cũng là người đại diện theo pháp luật của công ty này.

Nguyễn Luận (T/h)

Bạn đang đọc bài viết 9.000 sản phẩm SEVEN.am nghi cắt mác TQ bị thu giữ do khách hàng kêu ngứa?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới